Kỷ nguyên UAV, tức “phương tiện bay không người lái” (unmanned aerial vehicle) đã bắt đầu từ cuối thể kỷ 20 khi quân đội Mỹ/NATO sử dụng máy bay trinh sát không người lái trong sự kiện Nam Tư năm 1998. Sang thế kỷ 21, trong vòng 10 năm đầu chúng ta đã thấy sự phát triển chóng mặt của nhiều loại UAV khác nhau, từ loại lớn như một chiếc Boeing 737 có thể quan sát hàng 100000 km2 trong thời gian ngắn, cho đến loại nhỏ như con chim sâu, có thể bỏ túi và xâm nhập vào cửa sổ của một căn nhà khả nghi của quân khủng bố. UAV được sử dụng trong nhiều tình huống, từ do thám trên không ở tầng cao ngoài tầm với của pháo phòng không và hầu hết các hỏa tiễn đối không, hoặc bay liên tục cả tuần lễ không ngừng nghĩ, cho đến loại có trang bị vũ khí sát thương có thể theo dõi và tiêu diệt mục tiêu đang di động bất cứ lúc nào. Ghê gớm hơn nữa là một số UAV được điều khiển từ xa, cách hiện trường cả nửa vòng trái đất. Người điều khiển có thể ngồi phòng máy điều hòa không khí tận bên Mỹ, uống cà phê, ăn gà rán, thoải mái chờ đợi theo dõi mục tiêu “sống” cả ngày lẫn đêm… bên Afghanistan. Khi hết giờ là đi về, có người khác thay thế, không phải mệt mỏi như phi công lái máy bay thông thường.
Là một loại kỹ thuật khá mới mẻ và tiên tiến nên chỉ có một số nước ít ỏi trên thế giới có đủ khả năng khoa học và kinh tế để tự chế và đưa vào hoạt động rộng rãi. Có thể nói hiện nay chỉ có Mỹ là nước đi đầu sử dụng UAV nhiều nhất, với gần 7500 phương tiện không người lái đủ loại, tương đương 1/3 số lượng các phương tiên có người lái của quân đội. Trong số này, hầu hết là các UAV loại nhỏ và không có trang bị vũ khí. Chỉ có vài trăm chiếc, loại Predator và Reaper, là có thể mang vũ khí sát thương như hỏa tiễn “lửa địa ngục” (hellfire).
Hầu hết các UAV hiện nay có động cơ cánh quạt và bay với tốc độ dưới âm, cho nên chúng vẫn có thể bị bắn hạ nếu bị phát giác kịp thời. Mỹ đang ráo riết chế tạo thế hệ UAV mới với động cơ phản lực cho phép bay nhanh và xa hơn. Điển hình là Predator 3 với tốc độ nhanh gấp 2, 3 lần Predator 1 & 2 và tầm hoạt động cao/xa hơn. Hoặc là X-47B, một loại UAV đa nhiệm của hải quân lớn cỡ F-18 và có tầm hoạt động 3000 km, có khả năng trinh sát lẫn tấn công các mục tiêu trên biển/không/đất liền. Bí hiểm hơn nữa là chiếc X-37B, một loại phi thuyền con thoi mini có thể bay ngoài không gian… vô hạn định mà không ai biết để làm gì. (Hiện có một chiếc đang được bay thử nghiệm trong vòng bí mật trên không gian suốt cả năm nay chưa trở về.)
Nhưng khi chúng ta nghĩ đến UAV thì theo thói quen thường hay nghĩ đến một cỗ máy có hình dáng như máy bay, do một người nào đó điều khiển từ xa. Cũng như trường hợp muốn có một phi đội UAV thì phải có một “phi đoàn” ngồi trong phòng kín điều khiển chúng. Khái niệm đó dường như đã lỗi thời. Năm ngoái, một công ty Mỹ công bố đã thử nghiệm thành công phần mềm điều khiển UAV theo kiểu bầy đàn. Đầu năm nay, một nhóm nhà nghiên cứu khoa học tại phòng lab GRASP, thuộc Đại học bang Pennsylvania, vừa cho biểu diễn công nghệ UAV có thể hoạt động theo bầy đàn trong đội hình mà ngay cả phi công thiện nghệ nhất cũng phải ngần ngại:
http://www.youtube.com/watch?v=YQIMGV5vtd4&feature=player_embedded
Nhìn các vật thể bay này mà chúng ta không thể không nghĩ đến một viễn ảnh tương lai gần, khi một trận chiến nổ ra được khai mạc bằng hàng trăm hoặc hàng chục ngàn UAV như thế này.