Thế là tôi lại có cơ hội trở lại thăm xã Huồi Tụ - huyện Kỳ Sơn - Nghệ An. Đây là xã nghèo nhất trong 3 huyện nghèo nhất của tỉnh Nghệ An với đa phần là người Mông, người Khơ Mú và Thái chiếm 1 tỷ lệ nhỏ và đây cũng từng là địa bàn nóng nhất về cây thuốc phiện. Vượt qua những tập tục của người Mông, Huồi Tụ đã từng bước đi lên, chuyển đổi trồng chè thay cho cây thuốc phiện, nhưng cái nghèo, cái khó vẫn chưa lìa xa họ. Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong là 3 huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, nơi trọng điểm thực hiện Nghị quyết 30A của Chính phủ.
Nằm ở độ cao 1.200m, Xã Huồi Tụ nằm cách thị trấn Mường Xén 30km về hướng Bắc và cách tp Vinh 280km về hướng Tây Bắc. Huồi Tụ theo nghĩa của người Mông là nơi đầu suối. Quả đúng là như vậy, đây còn là địa danh của vùng Cổng Trời một thủa. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Huồi Tụ một món quà mà không đâu trong tỉnh Nghệ An có được, đó chính là khí hậu. Ở trên núi cao, Huồi Tụ có điều kiện khí hậu giống như ở Đà Lạt, Tam Đảo, Sa Pa. Đó cũng là điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế ở huyện nghèo Kỳ Sơn. Tổng đội TNXP 8 đã được thành lập, từng bước giúp bà con đến với cây chè Tuyết San, trồng hoa Ly, nuôi gà Đen,.... Cùng với sự giúp đỡ của Tổng đội TNXP 8, chè Tuyết San đang từng bước giúp bà con Huồi Tụ đổi đời, bỏ cây thuốc phiện chuyển sang trồng chè, trồng rau.
Nhớ năm đó, khởi hành từ lúc sáng sớm, vượt 280km, đoàn em đến thị trấn Mường xén vào buổi trưa ngày 5/09/2007. Trời mưa rả rích, các thành viên trẻ ái ngại nhìn nhau nghĩ về chặng 30km đường đất sắp tới.
(Đường vào Huồi Tụ)
Trời mưa thế này dễ bị sạt lở lắm, vào rồi có ra được không. Mọi người thi nhau kể về những kỷ niệm "nằm vùng" ở bản do sạt đường, xe lầy không thể ra được. Rồi trời dần hửng sáng, mọi người lại tiếp tục lên đường.
(Tranh thủ ghi hình khi xe dừng lại thay lốp)
Tại trung tâm xã Huồi Tụ, liền kề với UBND xã có 3 trường: Mầm non, cấp 1 và cấp 2 Huồi Tụ 1. Đó là điểm đặt chân gần nhất khi đoàn chúng tôi đến với Huồi Tụ. Trời mưa, đường lầy và trơn, còn 6km nữa mới có thể vào tới Huồi Tụ 2, chúng tôi quyết định chỉ dừng lại ở đây. Cách đây 6 năm, tôi cũng đã có dịp vào Huồi Tụ cùng Tỉnh đoàn Nghệ An và Huyện đoàn Kỳ Sơn trong đợt phát động "Xóa nhà tranh tre tạm bợ". Nay, Huồi Tụ đã có nhiều khởi sắc, nhìn xa về phía tổng đội, những nương chè trải dài, khu vườn ươm cũng đã mở rộng hơn, trải dần xuống chân núi.
(Giống bưởi mới đang trồng thử nghiệm tại Tổng đội 8)
Những năm qua, cái tên Huồi Tụ đã được biết đến với kỳ tích "Lên Cổng Trời kiếm bạc tỷ" (Báo Gia Đình). Nếu như trước đây, nói đến tiền tỷ ở Huồi Tụ thì người ta nghĩ ngay đến ả phù dung, cây Anh Túc,.... Nay tiền tỷ đang được người Huồi Tụ làm ra với cây chè Tuyết San, cây Hoa Ly. Hoa Ly ở Huồi Tụ đã là nguồn cung chủ yếu của người dân Tp Vinh hay Hà Tĩnh những dịp đón xuân về. Chè Tuyết San đã trở thành đặc sản của người dân xứ Nghệ với cái vị đắng ban đầu chuyển thành cái vị ngọt lùi khi đã nhấp xong một lượt, cũng giống như cái tình của người xứ Nghệ như câu hát "Người xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi mà sâu lắng, quen xứ Nghệ quen lâu càng tình sâu nghĩa nặng".
(Vườn ươm chè)
(Trồng Hoa Ly ở tổng đội TNXP 8)
Bên cạnh kỳ tích đó, trong điều kiện khó khăn chung của huyện Kỳ Sơn, Trường cấp 1-2 Huồi Tụ vẫn còn chưa thể có một cơ sở khang trang, một khu ký túc xá ấm cúng cho các em bán trú. Vẫn còn đó lớp học bị lốc mái, đổ tường đã mấy năm rồi chưa thể sửa chữa, nay ngổn ngang cỏ cây hoang vươn mình vượt tường kênh kiệu với thời gian.
(Lán nhỏ cạnh trường)
Vẫn còn đó những lán nhỏ với những em học sinh bán trú với manh áo mỏng đối chọi với cái rét lúc về đêm. Vẫn còn đó, cô giáo mầm non hằng ngày chăm các cháu mà nghĩ về đứa con nhỏ ở quê nhà cùng tuổi, nửa năm trời mới được gặp mẹ đôi ngày.
(Nhà giám hiệu Trường mầm non Huồi tụ 1 - Cô Nguyễn Thị Hiền - áo dài đỏ - người Đô Lương đã gắn bó với Huồi Tụ hơn 12 năm)
(Toàn cảnh trường Câp 1-2 Huồi Tụ 2)
Tỷ lệ học sinh bán trú tại Trường Cấp 1-2 Huồi Tụ 1 là 340/448 học sinh. Nhưng cho đến nay, Huồi Tụ chưa thể có được một khu nội trú cho các em. Các em bán trú, thường được bố mẹ dựng cho những lán nhỏ cạnh trường, hay ven đường. Cứ cuối tuần, các em lại về nhà để lấy lương thực, băng đường mang gạo cho 1 tuần đi học, em nào ở xa thì hai ba tuần mới về một lần. Cái nghèo, sự vượt khó của các em để đến với cái chữ đã thực sự ghị lại trong tôi dấu ấn khó phai.
Trước khi thực hiện chuyến đi này, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã thông tin lại, đã chuẩn bị đủ cho các em sách, vở, đồ dùng học tập. Lúc hội ý về chuyến đi, khó khăn nhất là chọn đồ dùng cho các em. Mọi người cứ xuýt xoa kể về những em nhỏ trong những lán ven đường, đối chọi với cái rét buổi đêm bằng những manh áo mỏng. Năm nay, mùa Đông chắc lạnh hơn. Chúng tôi sẽ không đưa đến cho các em những sách, những vở, đồ dùng học tập mà chúng sẽ sẻ chia cùng các em những tấm chăn, những tấm chiếu, những chiếc áo ấm, cùng đồng hành cùng các em cùng đến với cái chữ, cái tình.
Kế hoạch đã lên, mọi công tác hậu cần đã được chuẩn bị xong hoàn chỉnh. 19h30, tối ngày 2/9, đoàn sẽ khởi hành ngược về miền núi phía Tây với quyết tâm sáng 3/9/2009 kịp có mặt chia vui cùng các em trong Lễ khai giảng năm học mới. Còn tôi, ngồi đây rà soát lại nội dung công việc, quyết định viết ký sự này. Năm 2008, tôi cũng đã chuẩn bị xong mọi việc cho chuyến đi nhưng lại đành bỏ dở vì phải đi công tác đột xuất ở phút cuối. Cái nghề của tôi nó là thế, cái gì mà chẳng cần mấy anh hậu cần cơm áo gạo tiền, ai bảo ông lo cái nồi cơm của cơ quan chứ. Cầu mong cho chuyến đi được thuận lợi, mong muốn trở lại Huồi Tụ của tôi sẽ trở thành hiện thực. Ngoài trời lại mưa!!!!