Không khó bắt gặp những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Điều này khiến ùn tắc và TNGT luôn nhức nhối và khó kéo giảm…
Văn hóa của người tham gia giao thông chưa được nâng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, TNGT (Trong ảnh: Ùn tắc trên đường Khuất Duy Tiến chiều 12/6)
Mạnh ai nấy đi
17h15 ngày 12/6, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên đường Khuất Duy Tiến, cả đoạn dài hàng trăm mét từ nút giao Lê Văn Lương đến Nguyễn Trãi rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng, ô tô phủ kín mặt đường.
Dù đường tắc nghẽn, hàng chục chiếc xe máy BKS 29X3 - 274.27; 29V1 - 155.76; 29H1 - 767.96; 29Y5 - 397.85... vẫn cố tình luồn lách qua khe hở của ô tô. Hàng trăm xe khác lại tìm cách cho xe chiếm vỉa hè của người đi bộ để di chuyển.
Một chiến sĩ thuộc Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết, 2 năm trở lại đây, dù mặt đường Khuất Duy Tiến đã được mở rộng 12 - 20m mỗi bên, song cứ vào giờ tan tầm, tuyến đường lại bị… tê liệt.
“Nguyên nhân do sự vô tổ chức trong lưu thông của một bộ phận người tham gia giao thông. Ai cũng muốn đi trước nên thiếu sự nhường nhịn và phớt lờ sự điều tiết của lực lượng chức năng”, chiến sĩ này nói.
Lâu nay, vào giờ cao điểm buổi chiều hàng ngày, nguy cơ TNGT lại thường trực tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương bởi tình trạng xe máy đi ngược chiều nhằm thoát ùn tắc.
Lúc 17h45 ngày 12/6 có mặt tại đây, PV ghi nhận liên tiếp các xe máy BKS 29N5 - 3920; 29C1 - 831.85; 37E1 - 398.07; 14Y1 - 193.40; 29K1 - 285.45... đang đi hướng Tố Hữu - Lê Văn Lương, đến ngã tư thay vì xếp hàng chờ đèn đỏ đã rẽ sang làn đường ngược lại đứng chờ đèn để được đi trước khi đèn chuyển xanh.
Việc lưu thông thiếu ý thức đó khiến nhiều người từ nội thành về phía Hà Đông tỏ thái độ bức xúc.
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, người tham gia giao thông tại Việt Nam còn có rất nhiều hành động thể hiện ý thức văn hóa kém như: Dừng, đỗ xe trên cung đường có biển cấm; chở hàng quá khổ, quá tải, lùi xe trên cao tốc; đặc biệt là sử dụng rượu, bia, chất ma túy trước khi điều khiển phương tiện.
Tất cả hành vi đó đều có thể dẫn đến những vụ TNGT thương tâm, thảm khốc.
Chia sẻ tại một tọa đàm mới đây, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) thẳng thắn nói: “Không ở đâu trên thế giới có việc người tham gia giao thông một tay điều khiển xe máy, một tay nhăm nhăm chiếc điện thoại di động như ở Việt Nam.
Hay khi có va chạm giao thông, nhiều người dừng xe giữa đường chỉ để tranh cãi, phân bua đúng sai mà không cần quan tâm đến những người xung quanh”.
Đừng chỉ đổ lỗi cho người dân…
Ở một góc độ khác, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để có văn hóa giao thông phải thực hiện 4 vấn đề cốt lõi: Quy định pháp luật gồm các quy tắc tham gia giao thông; hoạt động tuyên truyền đưa luật đến với người dân; thiết kế kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông; kiểm tra và xử lý vi phạm.
“Nếu có 3 yếu tố đầu mà xử lý không nghiêm thì người ta vẫn nhờn luật. Nhưng nếu không có yếu tố đầu tiên thì người dân sẽ làm theo cảm tính.
Do vậy, để hình thành văn hóa giao thông, hạ tầng kết cấu giao thông phải tốt, tổ chức giao thông phải phù hợp với đặc thù khu vực (lưu lượng, địa hình), quy tắc ứng xử phải được thể chế hóa và xử phạt vi phạm phải nghiêm minh”, ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông Minh, xử phạt chỉ là khâu cuối cùng, văn hóa giao thông còn “khoảng trống” không có nghĩa lỗi chỉ thuộc về người dân mà các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận thấu đáo 3 vấn đề còn lại đã tốt chưa, phải xem xét môi trường để người dân thực thi đã thuận lợi chưa.
“Đơn cử, hiện nay, ở nhiều nút giao trong giờ cao điểm ùn tắc đến 15 - 20 phút, đây chính là cái cớ để xe máy “trèo” lên vỉa hè lưu thông.
Đối với những trường hợp này, thay vì tiếp tục buộc người xe máy phải tuân thủ quy định dành vỉa hè cho người đi bộ và kiên nhẫn chờ đợi, lực lượng chức năng cần xem tổ chức giao thông đã hợp lý chưa, cần có biện pháp gì để khơi thông ùn tắc. Nếu thời gian ùn ứ giảm từ 20 phút xuống 5 phút, tôi tin rằng sẽ không một xe máy nào đi trên vỉa hè”, ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, hiện nay, mức phạt như Nghị định 100/2019 của Chính phủ về cơ bản đã khá cao, quan trọng nhất vẫn là cách xử phạt.
“Bên cạnh giải pháp phạt nguội đang phát huy hiệu quả, cơ quan chức năng cần học hỏi hình thức phạt lũy tiến của các nước tiên tiến. Lần đầu vi phạm không cần phạt cao nhưng nếu tái phạm lần hai, lần ba mức phạt sẽ tăng lên.
Về công cụ kinh tế, áp dụng chính sách lái xe an toàn trong thời gian dài sẽ được mức bảo hiểm thấp, những lái xe thường xuyên vi phạm hoặc gây TNGT phải đóng mức bảo hiểm cao”, ông Minh gợi ý.
Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu các mô hình xây dựng văn hóa giao thông của các nước.
Ví dụ ở Hà Lan, các bé 3 tuổi trở lên đều được khuyến khích trở thành cảnh sát. Các bé được dạy khi phát hiện ra các hành vi vi phạm giao thông của người lớn thì có quyền đến báo với cảnh sát gần đó.
Sau đó, cảnh sát sẽ kiểm tra camera để truy lại vi phạm và xử phạt. Biện pháp này vừa giúp ngăn chặn kịp thời hành vi nguy hiểm, vừa đánh vào sự xấu hổ của người trưởng thành khi bị trẻ em nhắc nhở.
“Hay tại một quốc gia khác, một người vi phạm giao thông phải học cách làm CSGT, đứng ở vị trí của người CSGT cho đến khi tìm thấy một người vi phạm khác.
Biện pháp này vừa đánh vào tâm lý sợ mất thời gian, công việc của người vi phạm, đồng thời, giúp người đó hiểu sự vất vả của lực lượng CSGT trong việc quản lý trật tự xã hội trên các tuyến đường bộ, từ đó tự giác điều chỉnh hành vi, tuân thủ pháp luật”, Thượng tá Thu dẫn chứng.
Xử lý hơn 120 nghìn vụ vi phạm giao thông
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và Giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an), sau 26 ngày thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ (tính đến 11/6), lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý gần 30.000 trường hợp vi phạm tốc độ, hơn 64.000 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 11.000 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 234 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.
P/S: em khoái nhất là " một người vi phạm giao thông phải học cách làm CSGT, đứng ở vị trí của người CSGT cho đến khi tìm thấy một người vi phạm khác"
))
https://www.atgt.vn/lam-gi-lap-khoang-trong-van-hoa-giao-thong-d469086.html