Hãy tưởng tượng bạn đang đi đi trên đường cao tốc hoặc xuống một con dốc thì phát hiện phanh ôtô bị mất (hỏng) hoặc trục trặc. Làm thế nào để dừng xe an toàn? Bài viết dưới đây sẽ có một số gợi ý hữu ích cho bạn.
Khi phát hiện mất phanh, việc trước tiên là phải hết sức bình tĩnh, hoảng loạn sẽ càng làm tình huống trở nên tồi tệ khó cứu vãn Hệ thống phanh trên ôtô ra đời và gần như đồng hành song song với lịch sử chế tạo ôtô. Đó là hệ thống an toàn đầu tiên và cũng là duy nhất mà đến ngày nay khó có thể thay thế trên ôtô. Vì một sự cố nào đó, chiếc xe của bạn có thể mất phanh (hỏng tác dụng phanh) khi đang di chuyển trên đường.
Để an toàn, người lái xe phải tìm cách giảm tốc độ của xe xuống dần. Những bước gợi ý sau đây có thể sẽ giúp ích cho tài xế trong tình huống mất phanh, nhưng trước khi thực hiện, nên nhớ bạn phải hết sức bình tĩnh. Ngay khi thấy dấu hiệu phanh không hoạt động, lập tức nhả chân ga. Nếu xe có hệ thống ga tự động cruise control thì phải tắt nút điều khiển trên vô-lăng (nếu đang kích hoạt chế độ này) Tiếp tục đạp phanh và cảm nhận nguyên nhân. Nếu phanh mềm và đạp sát tận sàn, có thể mất dầu do hỏng đường ống. Thử đạp lại nhiều lần để có cơ may hồi phục áp suất. Nhưng nếu chân phanh cứng đanh thì hệ thống phanh đang bị tắc đường dẫn thủy lực, hoặc phanh bị bó cứng. Nhưng đôi khi cũng có thể do vật nào đó chặn ở dưới (như chai nước rơi vào khe, thảm sàn...) Đạp phanh liên tục. Việc đạp nhả phanh liên tục để tìm kiếm cơ hội may mắn hồi phục hệ thống, nhất là với xe có ABS thì hành động này có thể giúp ABS được kích hoạt.
Chuyển về số thấp (xe số tự động là các số 1,2 hoặc S, L...). Số thấp giúp xe chậm lại nhờ lực hãm bánh răng của động cơ. Với xe số sàn (số tay), việc chuyển số thấp phải theo từng bước, không được đột ngột về ngay số 1,2 mà phải xuống dần nếu đang ở số cao tùy thuộc theo tốc độ vận hành. Về số quá thấp ở tốc độ cao có thể phá hủy hệ truyền động và lực quán tính làm mất khả năng kiểm soát. Nên nhớ, không bao giờ được tắt động cơ bởi khi đó hệ thống lái mất dần trợ lực nên rất nặng và khó điều khiển. Ngoài ra ở tốc độ cao, động cơ ngừng đột ngột sẽ làm xe mất kiểm soát do lực quán tính.
Sử dụng phanh tay. Phanh này còn được gọi là phanh đỗ xe (khi xe dừng). Nhưng vì phanh này chỉ tác dụng ở bánh nên chỉ được kéo từ từ để đủ lực hãm, làm đột ngột có thể khiến xe mất lái, văng đuôi do bánh sau bị khóa bánh. Cần giữ núm bấm chốt nhả phanh tay để hạ xuống khi cảm thấy xe có hiện tượng mất kiểm soát. Giữ quan sát phía trước để tránh chướng ngại vật hoặc các phương tiện khác để có thêm thời gian an toàn xử lý sự cố mất phanh. Nhanh chóng bật đèn khẩn cấp (đèn hazard, có biểu tượng tam giác) để cảnh báo các phương tiện khác.
Có thể nháy pha, nhấn còi liên hồi để gây sự chú ý. Nếu có người ngồi ghế phụ hay yêu cầu họ mở cửa sổ và phát tín hiệu bằng miệng (ở nơi đông phương tiện). Đánh võng nếu có thể. Nếu xe có khoảng trống, việc lái sang trái rồi tạt phải liên tục có thể giúp giảm tốc độ của xe. Lưu ý không làm điều này ở tốc độ cao bởi có thể bị lật xe nếu tay lái yếu. Dùng vật cản để giảm tốc độ. Đây là một trong những phương án hạn chế sử dụng bởi xe của bạn sẽ phải nhờ xe khác hoặc vật cản để giảm tốc độ. Có thể tận dụng cây cỏ ven đường, đường bùn lầy để đưa xe đi vào.
Thậm chí có thể dùng cả dải phân cách giữa đường hoặc vỉa hè để cà xe tạo lực ma sát. Đâm có chủ đích. Phương án cuối cùng khi không còn cách nào khác là bạn phải gây tai nạn với một vật cản. Ưu tiên hàng đầu là cây cỏ ven đường, bồn cát, bồn nước (trên cao tốc ở Mỹ có đặt bồn nước cứu hộ).