Thăm Bản Lác và Leo núi ở Mai Châu
Từ Hà nội đi 70km đến thành phố Hoà Bình. Ði tiếp hơn 60km nữa đến Mai Châu. Ở chặng thứ hai bạn sẽ vượt qua dốc Cun dài 12km. Gọi là dốc nhưng con đường quanh co rất nguy hiểm, có lúc bạn lầm tưởng như ôtô đang đi vào một biển mây. Khi lên đến đỉnh dốc, du khách qua đây lần đầu thường dừng lại ngắm cảnh. Đi tiếp đến đèo Thung Nhuối, từ trên đèo cao bạn đã thấy thung lũng Vàng, huyện lỵ Mai Châu xinh đẹp hiện ra dưới tầm mắt, một thung lũng với màu xanh của ruộng đồng, những nếp nhà của một thị trấn xinh xắn.
Tới thăm Bản Lác, nhà sàn ở đây cao ráo, sạch sẽ. Sàn nhà cách mặt đất khoảng 2m bằng những cột gỗ chắc chắn. Khách đến nhà xin mời múc nước rửa chân trước khi bước lên cầu thang. Sàn nhà bằng tre hoặc bương. Mái nhà lợp lá gồi hoặc lá mây. Các cửa sổ trong nhà có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, lồng chim cảnh.
Ngày trước, người Thái ở Bản Lác làm lúa nương, dệt thổ cẩm. Còn nay, Bản Lác được biết đến là một địa danh du lịch. Ngày bé, cắp sách đi học mà biết được Mai Châu qua bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của Quang Dũng: Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Giống nếp nơi đây thơm lừng, nấu nồi xôi mà hương thơm tỏa bay ngạt ngào khắp bản. Giờ nghe nói giống lúa nương Mai Châu đã có phần mai một, người Thái ở Mai Châu ít chú tâm đến làm lúa, dệt thổ cẩm nữa mà lo làm kinh tế.
Thị trấn Mai Châu là một phố huyện buôn bán tấp nập nằm dọc đường Quốc lộ 15. Theo hướng xe đi, phía bên trái là những dãy núi xanh trùng điệp, đỉnh núi mây mù phủ kín. Phía phải là thung lũng Mai Châu. Bản Lác hiện có trên 25 “Hotel” là nhà sàn được xây cất theo quy hoạch, đầu hồi nhà có đánh số. Nhà sàn Bản Lác cái nào cũng to, đẹp, nhưng rất tôn trọng truyền thống kiến trúc cổ.
Người Thái làm nhà sàn, dù cho kết cấu to nhỏ khác nhau nhưng cầu thang 9 bậc thì không thể thiếu bậc nào. Sàn nhà dát bằng tre rộng mênh mông, đệm gối sắp đều tăm tắp. Đây là gian nghỉ ngơi của du khách vào buổi đêm. Không có giường, khách “ngủ tập thể” trên sàn nhà, dân dã, ấm cúng.