<h2>Như Báo PLVN đã phản ánh, trong khi Hà Nội đề xuất lập trạm thu phí trên Đại lộ Thăng Long để hoàn vốn thì dường như thương vụ một liên danh các “đại gia” cam kết đầu tư 3.000 tỷ đồng cho con đường này đổi lấy “đất vàng” lại đang bị che đậy…</h2>Trạm “đặc thù” Hà Nội?
Tháng 8/2013, Báo Pháp luật Việt Nam đã có bài đề cập đến cuộc họp ngày 23/8/2013 của UBND TP.Hà Nội về việc quản lý giao thông trên tuyến đại lộ Thăng Long bằng công nghệ hiện đại. Theo đó, những ưu điểm của việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý giao thông được trình bày trong hội nghị này không nhận được sự quan tâm nhiều từ dư luận, mà thông tin quan trọng nhất được người dân đón nhận trong tâm trạng phấp phỏng, lo âu chính là… trạm thu phí.
Phối cảnh Khu đô thị Tây Mỗ và Đại Mỗ do Liên danh Vinaconex, Viettel, Hòa Phát,
ACB làm chủ đầu tư.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) lập Đề án xây dựng trạm thu phí trên đại lộ hiện đại nhất Việt Nam để thu phí đường bộ, hoàn vốn đầu tư cho công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc thu phí cũng sẽ rất hiện đại, không thu tiền mặt mà sẽ thu bằng “thẻ”, trừ thẳng vào tài khoản của các chủ phương tiện.
Trước đó, người dân vô cùng hoan hỉ đón nhận thông tin Chính phủ cho “dẹp” các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước, thu phí trả nợ vốn vay kể từ thời điểm việc đóng Quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực vì không thể một lần đi đường lại phải đóng hai loại phí.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ thì kể từ ngày 1/6/2012 (sau đó được lùi lại đến ngày 1/1/2013), sẽ thu phí sử dụng đường bộ thay thế phí đường bộ thu tại các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước. Với quy định này, các phương tiện đã “bình đẳng” với nhau trong việc nộp phí sử dụng đường bộ mà không phải cứ qua trạm thì trả tiền như trước nữa.
Liên quan đến việc này, Bộ GTVT đã xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ. Trong Công văn 2250/TTg-KTN ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao cho Bộ này xóa bỏ, dừng thu phí tại các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước và trả nợ vốn vay từ ngày 1/1/2013. Có thể nói từ năm 2013, ngoài các trạm thu phí giao thông của các dự án BOT thì trên các quốc lộ sẽ không còn bóng dáng các trạm thu phí giao thông nữa.
Theo Luật sư Ngô Trung Kiên - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hà Giang - trường hợp đường do Nhà nước đầu tư như Đại lộ Thăng Long mà lại đặt trạm thu phí như đề xuất chắc chắn là thu 2 lần phí. “Vì, khi tôi nộp phí sử dụng đường bộ thì đương nhiên tôi được sử dụng đại lộ do Nhà nước đầu tư mà không cần phải mua vé nữa” - Luật sư Kiên cho biết.
Có thật thiếu tiền?
Theo các thông tin mà truyền thông dẫn nguồn từ những đơn vị có trách nhiệm của Hà Nội thì trong tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, ngân sách trung ương là 1.840 tỷ đồng và vốn của Hà Nội là 5.687 tỷ đồng.
Việc Hà Nội đề xuất lập trạm thu phí trên tuyến cao tốc này được đưa ra với lý do hoàn vốn. Tuy nhiên, dư luận đang nghi ngại về tính hợp pháp của đề xuất này, cũng như băn khoăn về các nguồn tài chính mà một liên danh các nhà đầu tư đã cam kết với chính quyền thành phố trước đó.
Như Báo PLVN đã phản ánh, năm 2009 Liên danh các nhà đầu tư gồm Vinaconex (
VCG), Viettel, ACB và Hòa Phát (
HPG) đã được thành lập và cam kết góp 3.000 tỷ đồng để đảm bảo nguồn vốn xây dựng cao tốc Láng -Hòa Lạc cho kịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Với cơ cấu ngân sách đầu tư nói trên, nếu tính cả phần 3.000 tỷ đồng mà Liên danh “đại gia” do Vinaconex đứng đầu cam kết góp cho Hà Nội thì số tiền được nói để “rót” cho tuyến đường này đã đạt hơn 10.000 tỷ đồng (?).
Các DN này không tự nhiên đi góp 3.000 tỷ đồng cho Nhà nước. Đây là một thương vụ đầu tư, đổi lại, Hà Nội “đối ứng quỹ đất” cho Liên danh do Vinaconex đứng đầu làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị tại xã Tây Mỗ, Đại Mỗ với quy mô 292,7ha.
Sau đó, cuối tháng 12/2009, UBND TP.Hà Nội đã có công văn “đồng ý giao Vinaconex – Viettel lập nhiệm vụ và quy hoạch chi tiết xây dựng, đồng thời làm chủ đầu tư dự án khu đô thị mới tại xã Tây Mỗ và Đại Mỗ” cũng như chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này khi giao Vinaconex – Viettel (thay mặt Liên danh) lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng, làm chủ đầu tư và triển khai dự án này với quy mô 292,7ha.
Cho đến nay, thông tin đăng tải trên website của Vinaconex vẫn cho thấy một trong các dự án mà TCty này đang đầu tư là Khu đô thị tại xã Tây Mỗ và Đại Mỗ (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Theo đó, chủ đầu tư bao gồm Vinaconex – Viettel – Hòa Phát và ACB. Cơ cấu nguồn vốn trong Liên danh này được sắp xếp theo thứ tự Vinaconex chiếm 26% vốn điều lệ, Viettel chiếm 25%, Hòa Phát chiếm 24,5%, ACB chiếm 24,5%. Tuy nhiên, trong các báo cáo tài chính thường niên gần đây của Vinaconex, dự án Khu đô thị tại xã Tây Mỗ và Đại Mỗ cũng không được nhắc đến.
Chi tiết:
http://vietstock.vn/2014/02/lien-danh-cac-dai-gia-vcg-viettel-acb-hpg-va-dau-hoi-3000-ty-dong-763-331760.htm