Bên cạnh đó, chung cư cũng là phân khúc ghi nhận mức độ quan tâm tại hai thành phố lớn nhất cả nước. Cụ thể, ở Hà Nội mức độ quan tâm tăng 3% còn TP.HCM mức độ quan tâm tăng 15%.
Về giá bán, giá bán chung cư TP.HCM gần như đi ngang trong cả năm nay, chỉ tăng nhẹ khoảng 2 đến 4%. Còn giá bán tại Hà Nội ghi nhận biến động mạnh ở phân khúc trung cấp, tăng 13% so với hồi đầu năm, còn lại phân khúc bình dân và cao cấp tăng lần lượt 2% và 7%.
Nhìn nhận về sự phát triển của các phân khúc bất động sản trong thời gian tới, ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Kinh doanh miền Bắc của Batdongsan.com.vn cho rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ mở của room tín dụng, sự thay đổi về mặt chính sách.
Theo khảo sát thực hiện với các nhà môi giới cho thấy, tại thị trường miền Bắc 61% các môi giới được khảo sát nhận định căn hộ chung cư sẽ là loại hình bất động sản triển vọng nhất, 15% cho rằng nhà riêng sẽ phát triển mạnh thời gian tới, 12% cho rằng đó là nhà phố, 8% cho là đất nền, 4% cho là các loại hình bất động sản khác.
Còn tại thị trường miền Nam, 35% các môi giới được khảo sát cho rằng chung cư sẽ là loại hình triển vọng nhất, 28% các môi giới cho rằng đất nền sẽ phát triển và 21% chọn nhà phố, 13% cho là nhà riêng và 3% là loại hình khác.
Còn khi hỏi sản phẩm nào tiềm năng trong giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản BHS cho rằng: "Bất động sản có quy ước rõ ràng về giá trị: Vị trí, vị trí và vị trí. Và kể những lúc khủng hoảng hay thị trường tốt yếu tố này cũng không có gì thay đổi.
Bên cạnh đó, các dạng bất động sản phòng thủ sẽ tiềm năng. Chẳng hạn, thị trường Hà Nội và TP.HCM là nơi có bất động sản để ở thực. Còn những địa phương có tăng trưởng tốt, có nền tảng tốt về hạ tầng giao thông, có những định hướng tốt về kinh tế… thì bất động sản ở những nơi đó vẫn sẽ tốt".
Bàn về giải pháp “rã băng”, tìm nguồn vốn cho DN BĐS, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng các ngân hàng thương mại nên cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý, khi mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ), bởi lẽ nhiều năm qua, hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, phải khẩn trương có giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, có chính sách thúc đẩy hình thành các kênh dẫn như: quỹ đầu tư, tín thác, quỹ mua nhà ở cho người lao động... “Khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh BĐS, giúp dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá BĐS nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực. Bên cạnh đó cần hoãn nợ, hỗ trợ vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp” - ông Đính đặt vấn đề.
Nhận định thị trường BĐS năm 2023, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng thị trường sẽ chuyển biến khá thận trọng. Phân khúc nhà ở duy trì mức thanh khoản nhưng nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền người tiêu dùng. BĐS có tính chu kỳ, khi hết chu kỳ đi xuống sẽ bắt đầu phục hồi và đi lên. Nếu qua được chu kỳ như thế thì sau đó là hái quả ngọt. Tuy nhiên, để thị trường hồi phục phải cần một quãng thời gian đủ dài và có thể hết quý 1/2023 thị trường sẽ bước vào giai đoạn hồi phục.
Xem thêm: