Để đẩy nhanh tiến độ của các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, hiện bộ GTVT đang trong giai đoạn mạnh tay loại bỏ những nhà thầu yếu kém, không đủ năng lực đúng tính chất "ai không làm được thì đừng sang một bên" của tân bộ trưởng bộ GTVT.
Một cây cầu dân sinh bắc qua cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Nhiều dự án giải ngân chậm
Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), dự kiến hết tháng 11/2022, Bộ GTVT sẽ giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm) gồm: 31.174 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 63% và 3.709 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 68,2%. Mặc dù vậy, nhưng ngành Giao thông đến thời điểm này vẫn còn tới 24 dự án chưa đáp ứng kế hoạch giải ngân.
Đáng chú ý, với tiến độ triển khai của 4 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải thông xe kỹ thuật trước 31/12/2022, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2022 được giao. Trong đó, 2 dự án Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn phải tập trung tối đa nhân lực, máy móc, tăng cường thi công “3 ca, 4 kíp” đảm bảo khánh thành, đưa vào khai thác ngày 31/12/2022. Hai dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải dồn lực để đạt được mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay và đưa vào khai thác từ tháng 4/2023.
Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45
Để đạt được mục tiêu phấn đấu giải ngân 95 - 100% kế hoạch trong 2 tháng cuối cùng của năm kế hoạch 2022, Bộ GTVT cần phải giải ngân khoảng 20.150 tỷ đồng.
Mạnh tay loại nhà thầu yếu kém
Thời gian này, không còn là những chỉ đạo trên giấy, tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiên quyết loại bỏ các nhà thầu yếu kém về năng lực ra khỏi dự án, trong đó chỉ mặt điểm tên cụ thể Công ty cổ phần 456, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đại Hiệp.
Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 49 km, đi qua Nghệ An và Hà Tĩnh dự kiến hoàn thành xây lắp trong tháng 5/2024. Nhưng cho đến nay, dự án thi công rất chậm, chỉ tương đương 16% giá trị hợp đồng mặc dù đã triển khai hơn 17 tháng, gần nửa thời gian của hợp đồng.
Bộ GTVT yêu cầu các chủ thể tham gia thực hiện dự án nhận thức trách nhiệm điều hành để đảm bảo tiến độ, chất lượng, nhà đầu tư dự án khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, thiết bị, bổ sung đủ các mũi thi công trên công trường theo đúng kế hoạch tiến độ đã được doanh nghiệp dự án chấp thuận, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chỉ đạo các nhà thầu làm tăng ca để bù lại tiến độ bị chậm.
Trước đó, trong buổi thực địa kiểm tra công trường dự án cao tốc Diễn Châu - Nghi Sơn, Nghi Sơn - QL45 và Mai Sơn - QL45 vào ngày 18/11, bộ trưởng GTVT cũng trực tiếp yêu cầu loại 1 nhà thầu yếu kém, thi công bết bát, không đảm bảo tiến độ. Cụ thể, tại gói thầu 12-XL cao tốc Mai Sơn - QL45, nhà thầu Hoàng Long bị loại khỏi dự án, đồng thời không được phép tham gia các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025).
Báo cáo mới nhất của Bộ GTVT cho biết tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành của các dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đến nay lũy kế đạt gần 56% giá trị hợp đồng. Trong đó, 4 dự án thành phần hoàn thành năm 2022 sản lượng lũy kế đạt khoảng 73,3% giá trị hợp đồng, 4 đoạn hoàn thành năm 2023 đạt khoảng 57,3% giá trị hợp đồng và 2 đoạn hoàn thành năm 2024 đạt khoảng 23,2% sản lượng thi công.
Đáng chú ý nhất, 4 dự án được chú ý nhất năm 2022 gồm đoạn Cam Lộ - La Sơn vào khai thác và thông xe kỹ thuật các đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây các đơn vị đã nỗ lực huy động tăng cường thiết bị, nhân lực, tăng ca, tăng kíp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, số 5 cũng như điều kiện thời tiết trong khu vực dự án còn mưa nhiều nên công tác tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác đắp đất và thảm bê tông nhựa.
Mục tiêu đặt ra của Chính phủ và Bộ GTVT là khởi công 12 gói thầu đầu tiên tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II trước 31/12/2022. Đến thời điểm này, hồ sơ thiết kế kỹ thuật của 12 dự án thành phần hiện đã hoàn thành trên 70%, trên cơ sở đó, các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, kiểm soát chặt việc lựa chọn nhà thầu thi công và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ trưởng Bộ GTVT.
Xem thêm: