Hạng B2
13/1/10
338
19
18
Lên đời ôtô xịn, coi chừng sập bẫy…
5:40, 19/05/2011
<hr/>

Vi vu trên những chiếc ôtô cao cấp láng coóng lướt trên đường phố không chỉ là “cái thú” của dân “chơi xe” sành điệu mà còn là một cách thể hiện đẳng cấp của những người có tiền. Thế nhưng bên cạnh nguồn ôtô nhập khẩu hợp pháp, nhiều loại xe đắt tiền được các đối tượng buôn lậu “phù phép” để bán cho người tiêu dùng, thu lợi bất chính. Không may mua phải những chiếc xe này, “đại gia” cũng coi chừng trắng tay…


Các thủ đoạn "phù phép" ôtô nhập lậu
C. "béo", một tay buôn ôtô chuyên nghiệp tại Hà Nội khẳng định như đinh đóng cột: Phần lớn những xe ôtô "xịn" nhập lậu vào Việt Nam được "xách" từ Campuchia về, vì với những người đã có dịp sang đất nước này mới thấy so với Việt Nam, Campuchia quả thật là "thiên đường" của các loại ôtô nhập lậu. C. "béo" giải thích, sở dĩ hiện nay, các tay buôn lậu chỉ tập trung vào dòng xe cao cấp do thị trường ôtô trong nước đã bão hòa do có nhiều nhà nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ôtô nhập khẩu về Việt Nam phải nộp 3 loại thuế: thuế nhập khẩu tuyệt đối + thuế VAT (10%) + thuế tiêu thụ đặc biệt = 50% x (giá xe + thuế nhập khẩu tuyệt đối + thuế VAT). Do đó, ôtô càng đắt tiền càng phải chịu thuế cao. "Phù phép" được một chiếc ôtô cao cấp, coi như có trong tay bạc tỉ khi trốn được các loại thuế tính ra bằng giá trị của chiếc xe. Hummer, Lexus, Prado, Land Rover… là những loại xe "xịn" mà đối tượng buôn lậu thường lựa chọn.
Những điều C. "béo" thông tin quả là có lý khi thời gian qua, Công an Hà Nội và TP HCM lần lượt phát hiện, bóc gỡ một loạt những đường dây buôn lậu ôtô cao cấp có nguồn gốc từ Campuchia, được hợp pháp hóa bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
Một trong những "trùm" buôn lậu có tiếng của đất Hà thành là Ngô Doãn Phúc (34 tuổi, trú tại tổ 2, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội). So với những "tay to" khác thì Phúc tuy ít tuổi hơn nhưng lại được giới buôn xe Hà Nội kính nể khi anh ta chỉ "chơi" dòng xe bạc tỉ, không thèm đếm xỉa đến dòng xe phổ thông. Đầu mối tìm ra đường dây buôn lậu ôtô này bắt nguồn từ một lá đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Phúc trong một thương vụ góp vốn buôn ôtô nhập khẩu.
Điều tra việc tố cáo này, đường dây buôn lậu ôtô tinh vi đã lộ diện với sự có mặt của hai cán bộ là Cao Vũ Cường (28 tuổi), nguyên Trung úy Công an Phòng PC46, Công an Bắc Giang và Nguyễn Xuân Thủy (38 tuổi), nguyên cán bộ Đội Quản lý thị trường số 10, tỉnh Bắc Giang. Thông qua Đỗ Mạnh Dũng (32 tuổi, trú tại xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và Phùng Văn Lực (36 tuổi, trú ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng), "ông trùm" buôn lậu ôtô Ngô Doãn Phúc đã được giới thiệu gặp 2 cán bộ này và nhanh chóng bắt tay nhau tạo thành "liên minh" chuyên "phù phép" ôtô nhập lậu.
Nút thắt đầu tiên của vụ án được gỡ vào cuối năm 2009, khi Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội phối hợp, Công an phường Đồng Mai, quận Hà Đông kiểm tra hành chính 2 xe ôtô nhãn hiệu Ford Mustang và Land Rover ở khu nhà xưởng của Phúc tại km17, Quốc lộ 6, phường Đồng Mai. Kết quả xác minh như sau: chiếc Ford Mustang BKS: 30H-9698 là của Ngô Doãn Phúc, theo hồ sơ gốc đã 2 lần sang tên đổi chủ; theo giấy tờ nhập khẩu là xe Ford Tempo đời 1988, nhập khẩu vào Việt Nam năm 1995. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng nhận thấy chiếc xe trên là Ford Mustang đời 1995. Các thông số kỹ thuật của xe không phù hợp với hồ sơ.
Tương tự là chiếc Land Rover, dù còn mới nhưng bộ hồ sơ của chiếc xe bạc tỉ này lại thể hiện là… xe vô chủ, bị "vứt" giữa đường và được lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang thu giữ tại địa bàn huyện Việt Yên ngày 23/5/2009. Tương tự như vậy, chiếc xe Hummer loại 7 chỗ là xe được sản xuất năm 2007, chất lượng rất mới, được tạm nhập - tái xuất qua cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh. Tờ khai phương tiện tạm nhập, tái xuất ngày 22/5/2009, của Hải quan cửa khẩu Cầu Treo, thời hạn tạm nhập đến ngày 20/6/2009 bỗng dưng biến thành xe "đồng nát" thanh lý với giá từ 31-33 triệu đồng/xe. Trong khi thực tế những chiếc xe này có chất lượng gần như mới, giá trên thị trường từ 80.000-130.000 USD/chiếc.
Theo dấu những bộ hồ sơ này, vai trò của Cao Vũ Cường và Nguyễn Xuân Thủy lần lượt được làm rõ. Theo phân công của các đối tượng trong đường dây, Phúc sẽ tìm các nguồn hàng là ôtô nhập lậu diện tạm nhập tái xuất có thời hạn tại Việt Nam, sau đó tìm xe cũ nát, đục cắt ghép, hàn số khung số máy trùng xe nhập lậu để giao cho Cường hợp thức hóa hồ sơ. Đầu tháng 5/2009, Phúc thu gom được 4 ôtô nhãn hiệu Hummer, Land Rover, Lexus, Toyota Prado và tìm 4 xe cũ nát, tập kết tại xưởng ôtô của Phúc để tân trang màu sơn, hàn cắt ghép số khung, số máy nhãn mác cho phù hợp 4 xe nhập lậu.

1_chiec1057-400.jpg
2_nhung1057-400.jpg
Những chiếc xe ôtô bạc tỉ trong đường dây buôn lậu của Ngô Doãn Phúc đã bị thu giữ.
Kịch bản "bắt giữ" 4 ôtô nhập lậu được Cao Vũ Cường tạo dựng một cách ngoạn mục với việc anh ta "lập công" đề xuất với lãnh đạo Phòng PC46 Công an Bắc Giang. Để việc bắt xe lậu này hợp lý, các đối tượng đã thuê xe cứu hộ kéo những chiếc xe "nát bét" này vận chuyển đến địa phận Bắc Giang và vứt dọc đường. Khi Cường dẫn người đi bắt đã kéo cả 4 chiếc xe về kho của Đội Quản lý thị trường số 10. Nhiệm vụ "phù phép" tiếp theo được giao cho Nguyễn Xuân Thủy.
Thời gian này, với vai trò là Đội phó Đội Quản lý thị trường số 10, Thủy đã giúp sức cho Cường hợp thức hóa hồ sơ để thanh lý xe. Không ai khác ngoài các đối tượng trở thành người "trúng" hồ sơ thanh lý xe cũ nát. Bước cuối của công đoạn, các đối tượng chỉ việc mang hồ sơ và 4 "con" xe "xịn" đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội và Nghệ An đăng ký. Sau một gian điều tra, đến nay Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố Ngô Doãn Phúc và đồng bọn về hành vi "buôn lậu".
Cũng trong năm 2010, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cũng đã làm rõ đường đi ngoắt ngoéo của 3 chiếc ôtô "xịn" nhập lậu được "phù phép" để lưu hành trên đường phố Hà Nội. Xác minh chiếc Lexus, BKS 52P... do ông Nguyễn Văn Châu, trú tại Ba Đình (Hà Nội) sử dụng, tại Phòng CSGT Công an TP HCM cho biết, biển kiểm soát trên là của một chiếc xe ôtô Ford màu đen, sản xuất năm 2001 của một người dân sống ở TP HCM. Số khung, số máy của chiếc xe này trùng với đăng ký xe nhưng không hề có trong lưu trữ hệ thống máy tính của Phòng CSGT Công an TP HCM. Giám định đăng ký của xe này cho thấy được làm giả rất tinh vi, nhưng quá trình làm giả, các đối tượng đã "mắc lỗi" rất sơ đẳng: thời gian cấp ghi trong đăng ký là tháng 8/2008, trong khi đồng chí Trưởng phòng CSGT ký tên trong đăng ký này đã nghỉ hưu cách đó vài tháng.
"Cái kim trong vỏ bọc" tiếp tục bị lộ khi theo ông Châu trình bày thì chiếc xe trên là của ông Nguyễn Văn Hoàng, trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM ủy quyền cho ông Châu sử dụng từ tháng 11/2008 vì ông Châu cho ông Hoàng vay số tiền 21.000USD. Nhưng thực tế khi Công an quận Đống Đa tiến hành điều tra thì phát hiện ông Hoàng đang bị Công an tỉnh Vĩnh Long bắt theo lệnh truy nã về tội đưa hối lộ từ ngày 1/8/2009. Tại Trại giam Công an tỉnh Vĩnh Long, ông Hoàng phủ nhận không quen biết ông Châu, cũng chẳng biết vì sao đăng ký xe lại mang tên mình vì bản thân bị mất CMND từ lâu…
Tại TP HCM, Cơ quan CSĐT cũng vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP truy tố Nguyễn Hồng Quang về tội "Buôn lậu" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". Do là Giám đốc Công ty TNHH HQQ trụ sở tại TP Phnôm Pênh, Quang thường xuyên sang Campuchia làm ăn, buôn bán và quen một người tên Tùng (không rõ lai lịch). Nghe Tùng giới thiệu có bán ôtô nhập lậu từ Campuchia với giá rẻ, bao vận chuyển qua Việt Nam nên từ năm 2004 đến năm 2008, Quang mua từ Tùng 2 ôtô hiệu Toyota Camry, 1 ôtô hiệu Toyota Lexus RX 330 với giá gần 1,9 tỉ đồng.
Sau khi lấy xe về, Quang thuê Đỗ Chí Hào, Đoàn Minh Phương làm hồ sơ, giấy tờ xe giả (sổ chứng nhận đăng kiểm, giấy đăng ký xe, tem kiểm định) để hợp thức hóa việc sử dụng các xe trên. Sau đó, Quang bán lại 2 ôtô hiệu Toyota Camry cho người khác, hưởng lợi khoảng 10.000USD.
Tham ôtô xịn giá rẻ, có ngày trắng tay
Một cán bộ lực lượng chống buôn lậu Công an Hà Nội phân tích: Ở mỗi giai đoạn mà hình thức buôn lậu ôtô có sự "biến thể" khác nhau. Cách đây trên 20 năm, khi ôtô còn hiếm thì tội phạm buôn lậu ôtô dưới hình thức nhập khẩu khung gầm có gắn động cơ đã qua sử dụng nhằm lách luật. Khi đó, các đối tượng buôn lậu ôtô đã qua sử dụng từ Mỹ, đưa về Việt Nam bằng đường biển. Trước khi lên tàu, ôtô nguyên chiếc được "làm thịt" để sao cho phần khung gầm, động cơ đi qua một cửa khẩu; các bộ phận còn lại được trà trộn trong hàng lương thực, thực phẩm để đi qua một cửa khẩu khác. Sau khi trót lọt, các bộ phận này được thợ lắp ráp lại thành ôtô nguyên chiếc hoàn chỉnh.

3_doc1057-400.jpg
Đọc lệnh bắt giữ đối với Ngô Doãn Phúc (ngoài cùng, bên trái).
Tiếp đó là thủ đoạn "hạ đời" xe bằng cách phù phép trên giấy tờ hải quan để được hưởng mức thuế thấp. Rồi lợi dụng chính sách thuế ưu đãi đối với loại xe bán tải, các đối tượng tìm các loại xe du lịch nhãn hiệu Korando có kiểu dáng giống xe bán tải ở nước ngoài, tháo toàn bộ hàng ghế sau để nhập khẩu vào Việt Nam. Sau khi đăng ký, hàng ghế này lại được trả về vị trí cũ, xe bán tải thành xe du lịch 4 chỗ vi vu trên đường phố. Thời điểm Campuchia miễn thuế đối với ôtô nhập khẩu, các tay buôn lậu ô tô tại Việt Nam lại nghĩ ra "mánh" buôn ôtô "xuyên" biên giới từ Campuchia sang Trung Quốc dưới hình thức xe tạm nhập vào Việt Nam.
Đối với thị trường trong nước, lợi dụng sơ hở trong chính sách tạm nhập, tái xuất xe ôtô qua biên giới Việt Nam với Lào, Campuchia, các đối tượng đã nhập nhiều xe ôtô loại đắt tiền từ nước ngoài vào Việt Nam dưới dạng tạm nhập, tái xuất. Sau đó, dùng thủ đoạn gắn nhãn mác, đục lại số khung, số máy của xe ôtô cũ trùng với những thông số của xe ôtô nhập lậu, rồi móc nối với một số cán bộ trong các cơ quan chức năng để "hợp pháp hóa" đi đăng ký xe, hoặc làm giấy tờ giả để "phù phép" đeo biển số cho xe nhập lậu, bán ra thị trường.
Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an Hà Nội cũng đang điều tra đường dây buôn lậu ôtô lớn từ Campuchia do một giám đốc công ty TNHH tại Thanh Hóa cầm đầu, thu 7 xe ôtô các loại nhãn hiệu Lexus, Camry… Những chiếc xe này được mua tại Campuchia với giá chỉ vài trăm triệu/chiếc. Sau khi vào Việt Nam, các đối tượng sử dụng hồ sơ của những chiếc xe thuộc loại "đồng nát" để hợp thức, làm giả con dấu, chữ ký trên giấy tờ của các cơ quan Hải quan, Thuế, UBND các địa phương trong các bộ hồ sơ thanh lý để mang đi đăng ký xe. Những chiếc ôtô nhập lậu sau khi có biển kiểm soát "xịn" được bán cho người sử dụng với giá tiền tỉ. Tuy nhiên, để khách hàng dễ cắn câu, các đối tượng thường bán rẻ hơn so với giá thị trường từ 5.000 đến 10.000 USD/xe.
Mới đây nhất, từ việc làm thủ tục sang tên mua bán ôtô, một đường dây chuyên buôn lậu ôtô hạng sang tại Hà Nội đã "lộ diện". Vụ việc được phát hiện khoảng 10h30’ ngày 22/4, tại cơ sở đăng ký phương tiện số 1 thuộc Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội (địa chỉ 86 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đại úy Nguyễn Minh Thúy, cán bộ tiếp dân Đội Đăng ký, quản lý tiếp nhận 1 hồ sơ xe ôtô BKS 30M... của ông Đào Ngọc Sơn trú tại Bác Cổ, Hoàn Kiếm đến làm thủ tục sang tên. Kiểm tra hồ sơ thấy đăng ký xe có dấu hiệu làm giả, Đại úy Thúy đã báo cáo Ban chỉ huy Đội Quản lý xe tiến hành xác minh dữ liệu trên máy tính và hồ sơ gốc thấy toàn bộ thông tin ghi trên đăng ký không trùng khớp với hồ sơ gốc và trên máy quản lý vi tính.
Phòng CSGT đã phối hợp và bàn giao Công an quận Hoàn Kiếm hồ sơ đăng ký xe ôtô và 2 người liên quan trên, gồm chủ bán xe là ông Hoàng Thủ Định ở Đông Mỹ, Thanh Trì), bên mua xe là ông Đào Ngọc Sơn. Công an quận Hoàn Kiếm đã tạm giữ 3 xe ôtô hiệu Lexus 5 chỗ ngồi, biển kiểm soát 30M… được xác định là sử dụng đăng ký giả, số kiểm định giả. Vụ việc đang được Công an quận Hoàn Kiếm khẩn trương làm rõ để xử lý, truy tận gốc "chủ nhân" của số ôtô "xịn" được nhập lậu trên.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, xe ôtô là tài sản có giá trị lớn, vì vậy khi quyết định mua xe, cần kiểm tra kỹ thực tế sản phẩm và so sánh với hồ sơ, giấy tờ để tránh những sai sót mà phần thiệt hại luôn nghiêng về phía người tiêu dùng. Trường hợp biết rõ xe có nguồn gốc nhập lậu nhưng vẫn cố tình mua sử dụng, không những bị tịch thu xe, chủ sở hữu còn phải đối mặt với việc bị xử lý hình sự
reddot.gif
 
Hạng D
26/10/10
1.676
14.498
113
ACE mua xe cũ phải coi chừng nhất là chiếc nào rao bán với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường .