[H5]Tạm tham khao tin trên Radio France Internationale vậy[/H5] [H2] [/H2] [H2]Nỗi tuyệt vọng của nhân viên Pháp dẫn đến nhiều vụ làm liều[/H2] Thanh Hà
Bài đăng ngày 04/08/2009 Cập nhật lần cuối ngày 04/08/2009 15:53 TU
Đâu là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng leo thang trong cuộc đọ sức giữa một bên là giới làm công ăn lương và bên kia là giới chủ công ty tại Pháp ? Về lâu về dài những hình thức đấu tranh triệt để này sẽ mang lại những hậu quả nào cho nước Pháp ?
In bài
Gửi bài
Bình luận bài
Đốt vỏ xe phản đối kế hoạch sa thải của Continental
(Ảnh : Reuters)
Cho đến giữa tuần trước, tập đoàn New Fabris chuyên cung cấp phụ tùng xe hơi đã chiếm hàng đầu phần trang thời sự kinh tế và xã hội ở Pháp, do nhân viên dọa cho nổ nhà máy nếu như giới chủ không bồi thường thỏa đáng cho 366 công nhân bị sa thải.
Từ đầu năm đến nay, toàn cảnh xã hội Pháp nóng bỏng với hàng loạt các vụ công nhân, nhân viên bắt giữ lãnh đạo, phá hoại công cụ sản xuất đe dọa cho nổ nhà máy để phản đối các kế hoạch sa thải nhân viên.
Những hành động vi phạm luật pháp nói trên lan rộng ra nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, nhiều vùng trên toàn nước Pháp : chi nhánh của Sony tại Pháp ; hãng Molex nằm giữa hai thành phố lớn ở miền Nam nước Pháp là Bordeaux và Toulouse chuyên về các linh kiện điện tử ; nhà cung cấp máy móc sản xuất cho các xí nghiệp Caterpillar gần thành phố Grenoble ; Nortel mà công ty mẹ đặt trụ sở tại Canada ; tập đoàn sản xuất lốp xe Continental tại Clairoix, vùng Picardie ở miền Bắc nước Pháp.
Một số nhân viên bị đẩy vào bước đường cùng “làm liều” hoặc đe dọa “làm liều” vừa để thu hút chú ý của công luận vừa để có thêm trọng lượng trong các vòng đàm phán với giới chủ.
Đâu là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng leo thang trong cuộc đọ sức giữa một bên là giới làm công ăn lương và bên kia là giới chủ tại Pháp ?Tại sao đôi bên không chịu cùng ngồi chung một bàn như từ trước đến nay để thương lượng ?
Về lâu về dài những hình thức đấu tranh triệt để này liệu có nguy cơ trở thành một hình thức đấu tranh mới để bảo vệ giới lao động hay chúng là khúc dạo đầu của giai đoạn “phi công nghiệp hóa” tại một quốc gia công nghiệp lâu đời như nước Pháp ?
Thái độ triệt để : chiến lược để thương lượng hay thể hiện nỗi tuyệt vọng của người lao động ?
Khuynh hướng sử dụng những “biện pháp mạnh” để gây áp lức với chủ tại Pháp, có thể nói là đã khởi đầu với vụ nhân viên chi nhánh của tập đoàn Sony vào tháng ba/2009 đã bắt lãnh đạo trong nhiều ngày, buộc họ xét lại kế hoạch sa thải lao động.
Theo lời nhà xã hội học Guy Groux, giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu chính trị tại Trường Chính trị Kinh doanh, Siences Po Paris, mẫu số chung của tất cả những biện pháp mạnh, từ việc cầm giữ chủ nhân đến đập phá công cụ sản xuất, rồi đi xa thêm một bước nữa là đe dọa cho nổ nhà máy … tất cả đều xuất phát từ quyết định giải tán chỗ làm, cho nhân viên nghỉ việc.
Tại Pháp, người ta nhận thấy là giới lao động ngày càng có phản ứng triệt để trước những kế hoạch sa thải nhân viên. Thái độ triệt để đó nói lên điều gì ?
Thứ nhất là nỗi công phẫn của một thành phần lao động trước quyết định đóng cửa nhà máy, hay dẹp bỏ một phần các hoạt động không mang lại nhiều lợi nhuận. Sự phẫn nộ ấy lại càng đậm nét khi mà công ty vẫn kiếm ra lời nhưng dưới áp lực của cổ đông luôn tìm những lợi nhuận tối đa phải quyết định một kế hoạch cắt giảm chi tiêu.
Đây là trường hợp của tập đoàn dược phẩm Sanofi Aventis : lợi nhuận của công ty này chỉ riêng trong quý hai vừa qua tăng gần 5%, đặt hơn một tỷ euro. Hội đồng quản trị đã hân hoan báo tin vui trên đồng thời tuyên bố luôn kế hoạch đóng cửa 8 trung tâm nghiên cứu chủ yếu là tại Pháp và Anh. Đây là một trong số những biện pháp để tiết kiệm ít nhất là hai tỷ euro từ nay cho đến năm 2013.
Bất công về đối xử
Lý do thứ nhì giải thích cho cương lĩnh hành động của một số nhân viên ở Pháp là vào lúc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành, cơ quan môi giới lao động ANPE của Pháp lo ngại trong năm 2009 có đến hơn 650 ngàn người bị mất việc, thì một số các công ty lại quyết định “tái cấu trúc các hoạt động”, đóng cửa những khâu sản xuất không mang lại nhiều tiền lời mà không hề quan tâm đến số phận của hàng trăm, hàng ngàn nhân viên, cũng như những hậu quả tài chính đối với cá nhân những người này và gia đình của họ.
Trong lúc đó đối với nhiều trường hợp, mất việc làm là mất đi tất cả và điều đó lại càng đúng hơn nữa trong giai đoạn khó khăn kinh tế chung toàn cầu như hiện nay.
Cộng thêm vào đó là cảm tưởng của một số thành phần bị đối xử bất công.
Một công nhân làm 35 giờ một tuần với mức lương tối thiểu nghĩ gì khi những ông chủ “làm bậy”, đầu tư bất cẩn để gây nên những khoản lỗ lã khổng lồ tính đến hàng tỷ đô la, khi “bị cách chức” lại ra đi với những khoản bồi thường là một vài triệu đô la ? Đây là trường hợp đã từng xảy ra đối với nhân vật số một và số hai tập liên doanh Alcatel Lucent của Pháp và Mỹ.
Giới lao động nghĩ gì khi vào một buổi sáng, họ nghe đài phát thanh, đọc báo và hay tin hãng của họ bị đóng cửa, chủ doanh nghiệp bỏ trốn để lại gia tài là một núi nợ và một vài tháng lương còn chưa thanh toán cho nhân viên ?
Có dễ tìm lại việc làm mới hay không ?
Trong những kế hoạch tái cấu trúc nhà máy, cơ sở sản xuất, nếu như những thành phần có bằng cấp cao, có chuyên môn chẳng hạn như về tài chính, quản trị có thể dễ dàng bay nhẩy từ một sở này sang một sở khác, từ một lĩnh vực này sang một lĩnh vực khác.
Ngược lại một công nhân đã mấy chục năm gắn liền với một khâu sản xuất như ngành đóng tàu, ngành luyện kim hay lắp ráp xe hơi chẳng hạn thì chẳng dễ tìm ra một công việc mới.
Nói cách khách quyết định đóng của nhà máy, giải tán hàng chục, hàng trăm công việc làm đẩy nhiều người vào chân tường.
Theo các nhà phân tích, đây là nguyên nhân xâu xa dẫn đến các kịch bản “làm liều”.
Nhân viên New Fabris biểu tình trước trụ sở Renault
(Reuters)
Đấu tranh để được bổi thường Gần đây nhất các phương tiện truyền thông ở Pháp đã nhắc nhiều đến đe dọa của tập đoàn New Fabris, chuyên chế tạo phụ tùng xe hơi.
Do ảnh hưởng dây chuyền trong ngành công nghệ xe hơi, New Fabris đã bị hai khách hàng chính là hãng Renault và Peugeot PSA bỏ rơi. Bị phá sản hãng này buộc phải sa thải toàn bộ 366 nhân viên.
Vấn đề đặt ra là giới lao động kêu gọi Peugeot và Renault chú ý đến số phận của những nhân viên này, giúp cho họ có được một khoản bồi thường thỏa đáng. Trước sự lãnh đạm của cả Renaul lẫn Peugeot, cũng như của giới chủ, nhân viên New Fabris dọa cho nổ nhà máy ở Chatellerault, miền tây nước Pháp.
Thái độ quyết liệt kể trên đã khiến chính phủ Pháp phải can thiệp. Cuộc đọ sức của công đoàn New Fabris và giới chủ, đã kết thúc nhờ sự dàn xếp của bộ trưởng công nghiệp Christian Estrosi, nhưng đại diện của công đoàn CGT trong nhà máy Chatellerault, Guy Eyerman không khỏi thất vọng :
“ Đối với tôi, bộ trưởng công nghiệp Pháp, ông Christian Estrosi làm đúng bổn phận của mình. Đây là một bước tiến nhỏ để tháo gỡ tình hình.
Tuy nhiên ông Estrosi đã không thỏa mãn được đòi hỏi của anh em chúng tôi : chúng tôi muốn mỗi một công nhân ra đi được bồi thường 30 ngàn euro. Khoản tiền này xứng đáng với công lao chúng tôi. Ông bộ trưởng không muốn nhượng bộ trước sức ép của giới chủ.
Bây giờ mỗi người chúng tôi chỉ được có 12 ngàn, thì chúng tôi cũng thất vọng chứ. Chúng tôi xứng đáng để được nhận một số tiền lớn hơn như vậy, nhất là những người đã gắn liền suốt cuộc đời với công ty. Nhưng mà thôi, đối với chúng tôi, được đồng nào là quý đồng đó”
Thế còn ở cấp toàn quốc, các công đoàn lớn của Pháp nghĩ gì trước những thái độ triệt để của giới lao động ?
Trả lời phỏng vấn đài Europe 1, và đã được RFI lấy lại bà Maryse Dumas lãnh đạo công đoàn CGT không tán thành việc đe dọa cho nổ nhà máy của nhân viên New Fabris nhưng bà thông cảm với nỗi căm phẫn của nhân viên :
« Tôi xin nói rõ là các hành động cực đoan như vậy không thể có tương lai. Nhưng mặt khác thì tôi thông cảm với giới lao động, vì đây là phương tiện duy nhất cho phép họ tháo gỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán với giới chủ.
Ở địa vi lãnh đạo công đoàn toàn quốc, tôi không khuyến khích công nhân, nhân viên có những hành vi triệt để vì chúng có thể dẫn đến ngõ cụt. Tuy nhiên một khi mà đa số nhân công đã chọn lấy một con đường để buộc chủ nhân phải quan tâm đến họ, thì công đoàn CGT luôn ở bên cạnh giới làm công ăn lương.
Chúng ta không nên nhầm lẫn các mục tiêu : chủ nhân và các chính quyền mới chính là những người đã tạo nên tình cảnh bế tắc, đẩy công nhân vào thế đường cùng »
Theo một cuộc ttham dò dư luận do viện IFOP thực hiện được công bố hôm 31/7, một nửa những người được hỏi cho biết họ thông cảm với nỗi tuyệt vọng và căm phẫn của giới lao động nhưng không hưởng ứng hành động triệt để của giới này
Bước kết tiếp của phong trào đấu tranh
Nhìn xa hơn một chút đâu là những bài học rút ra được từ các vụ bắt giữ chủ nhân, phá hoại công cụ sản xuất ở Pháp trong những tháng gần đây ?
Không ai phủ nhận rằng nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai phạm luật pháp nhu trên thường bát nguồn từ chỗ giới làm công ăn lương cảm thấy họ bị đối xử bất công, công việc của họ có được hay không tùy thuộc vào sức ép của thị trường tài chính.
Nhưng bên cạnh đó thì cũng có nhiều vấn đề đang được nêu lên.
Theo phân tích của nhà xã hội học Guy Groux thuộc viện nghiên cứu Sciences Po Paris, các hiện tượng bạo hành như trên chỉ giới hạn ở một phần nhỏ trong giới làm công ăn lương. Mục tiêu của những người này là để đánh động dư luận và kêu cứu chính quyền ở cấp địa phương cũng như quốc gia can thiệp để cho họ đỡ bị thiệt thòi.
Thêm vào đó đây cũng là một chiến lược mới để mặc cả với giới chủ làm thế nào để những người phải ra đi được hưởng những điều kiện thuận lợi nhất.
Đáng chú ý hơn nữa theo nhà xã hội học này là tiến trình đối thoại trong xã hội Pháp nói chung, và trong lĩnh vực lao động nói riêng, đang chuyển hướng.
Vào những thập 70 thế kỷ trước, giới công đoàn đấu tranh để bảo đảm công việc làm cho người lao động. Công đoàn đấu tranh để duy trì công việc làm cho công nhân. Giờ đây các phong trào đấu tranh chỉ nhằm bảo đảm cho những người bị sa thải được ra đi trong những điều kiện thuận lợi nhất, tức là được bồi thường thỏa đáng.
Và cũng phải nói là cho đến nay các cuộc đọ sức gay go kể trên đều mang lại kết quả chờ đợi, có nghĩa là nhân viên được bồi thường.
Vấn đề còn lại là các cuộc đấu tranh mạnh bạo như trên một mặt làm xấu đi hình ảnh của nước Pháp trong mắt các nhà đầu tư và giới tư bản quốc tế. Mặt khác hiện tượng ấy có nguy cơ dẫn đến một giai đoạn gọi là “phi công nghệ hóa” ở Pháp : một số các cơ sở sản xuất sẽ có khuynh hướng dời các hoạt động ra nước ngoài tìm đến những nơi mà nhân công rẻ hơn,và họ lại ít bị luật pháp rang buộc hơn.
Cái bẫy sau cùng của thái độ triệt để trên là một số chủ doanh nghiệp có thể sẽ dễ dàng nhượng bộ, bồi hoàn cho nhân viên để tránh mọi phiền hà.
Giải pháp tài chính, theo một số nhà quan sát vừa dễ thực hiện và lại vừa đỡ tốn kém hơn hết. Có điều nó có thể đẩy đến những bất công giữa những người làm công ăn lương : làm cho hãng lớn thì được bồi thường nhiều, làm cho hãng nhỏ thì có thể ra đi tay không !