Mercedes và Volvo hay chính xác hơn là Daimler và Geely đang có ý định hợp tác để phát triển động cơ đốt trong.
Khi mà ngày càng nhiều hãng xe đầu tư mạnh vào lĩnh vực xe điện, công nghệ pin thì Daimler và Geely lại quyết định hợp tác để phát triển động cơ đốt trong. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của mối quan hệ hợp tác này vẫn chưa được xác định.
Đại diện phát ngôn của công ty đều cho rằng bây giờ là quá sớm để nói về kế hoạch tương lai của Volvo. Dù vậy, họ cũng khẳng định mối quan hệ hợp tác này phát triển theo hướng tích cực.
Geely đã tăng cổ phần của họ tại Daimler lên gần 10%. Bên cạnh đó, công ty Trung Quốc này cũng đang sở hữu hãng xe thể thao Lotus. Do vậy, các mẫu xe Volvo tương lai hứa hẹn sẽ được thừa hưởng nhiều công nghệ tiên tiến hơn.
Dù nhiều người còn e dè với các thương hiệu tập đoàn Trung Quốc, nhưng đối với Volvo, sự có mặt của Geely giúp hãng xe Thụy Điển về nhiều mặt. Kể từ khi Geely mua Volvo Cars (từ tay Ford Motor) vào năm 2010, hãng xe Volvo đã có nguồn lực tài chính mạnh mẽ hơn để thực hiện các bước chuyển mình về thiết kế và công nghệ.
Trước đó, Daimler và Geely đã từng hợp tác 50:50 để phát triển các mẫu xe Smart chạy điện thế hệ mới. Hai hãng cũng hợp tác phát triển ứng dụng chia sẻ xe cao cấp tại Trung Quốc. Và với việc công ty mẹ của Volvo là Geely hiện đang có 10% cổ phần trong Daimler (công ty mẹ của Mercedes-Benz), mối quan hệ giữa 2 "đại gia" này lại càng khăng khít hơn.
Sự hợp tác giữa các hãng xe lớn không còn là chuyện quá xa lạ hiện nay. Theo đó, xu hướng bây giờ là "hợp tác hoặc là chết". Ngoài việc hợp tác chia sẻ công nghệ, ông chủ của các hãng xe cũng có xu hướng mua cổ phần của nhau để tạo thế vững chắc về tài chính. Đồng thời, đây là hậu phương vững chắc để các kỹ sư yên tâm cống hiến và phát triển các công nghệ "tương lai".
Daimler đã và đang có rất nhiều dự án liên minh với các thương hiệu khác. Hãng xe Đức có hàng chục dự án với liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi về động cơ xăng cỡ nhỏ, động cơ dầu cỡ nhỏ. Hãng này cũng hợp tác với Infiniti. Hồi giữa năm 2019, Daimler AG, BMW và Audi cũng từng gây sốt khi hợp tác phát triển hệ thống hỗ trợ người lái và lái xe tự động. Từ đó, tiến tới hệ thống tự lái cấp 4 trong thang gồm 5 cấp độ của xe tự lái được quốc tế công nhận.
Ngoài Geely, một công ty khác của Trung Quốc là BAIC cũng sở hữu 5% Daimler AG.
Các bác nghĩ gì về xu hướng hợp tác của các hãng xe hiện nay? Đặc biệt là sự tham gia sâu rộng của các tập đoàn xe Trung Quốc vào các thương hiệu nổi tiếng như Daimler?