Chuyên
16/6/22
633
544
93
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một chặng đường gập ghềnh trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán quốc tế cùng nỗi lo lạm phát kèm suy thoái toàn cầu. Trong nửa cuối năm, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng, thị trường chứng khoán trong nước sẽ có sự hồi phục.
Mirae Asset chỉ ra 8 nhóm ngành triển vọng nửa cuối năm
3 kịch bản VN-Index trong nửa cuối năm:

Trong báo cáo chiến lược "Triển vọng phục hồi", Mirae Asset Việt Nam đánh giá, sau một năm lợi nhuận tăng trưởng mạnh như năm 2021, mức tăng trưởng năm 2022 sẽ giảm tốc do một phần so sánh với mức nền cao của năm 2021. Gánh nặng lạm phát toàn cầu cũng sẽ tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, cũng như chi phí vận tải gia tăng. Rủi ro lạm phát và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh lãi suất sẽ tạo áp lực tăng lãi suất trong nước.

Trên cơ sở các giả định trên, nhóm nghiên cứu dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index xuống 17,5%, thấp hơn so với mức đồng thuận chung của thị trường theo thống kê Bloomberg là 18%. Dự phóng này nhìn chung phù hợp với kế hoạch tăng trưởng năm 2022 của các doanh nghiệp, với tổng lợi nhuận trước thuế của 320/402 doanh nghiệp (xấp xỉ 92% tổng vốn hóa thị trường) dự kiến tăng 15,8% so với thực hiện năm 2021.

Tương ứng với vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8 - 15,1x, Mirae Asset cho rằng VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 - 1.530 điểm trong nửa cuối năm. Do đó, các chuyên gia đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra:

Kịch bản xấu: VN-Index sẽ tiếp tục giảm điểm do tâm lý e ngại rủi ro chiếm ưu thế và tìm thấy ngưỡng hỗ trợ mạnh ở mức 1.060 điểm (tại mức P/E trung bình 10 năm trừ 2 độ lệch chuẩn là 10,5 lần).

Kịch bản cơ sở: VN-Index đã tìm thấy mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm và sẽ tiếp tục tăng lại mốc 1.300 điểm (mức P/E trung bình 10 năm trừ 2 độ lệch chuẩn là 12,8 lần).

Kịch bản tích cực: VN-Index sẽ lấy lại mốc 1.530 điểm, tương đương P/E trở về mức trung bình dài hạn.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, lạm phát và chính sách lãi suất là hai rủi ro chính mà nhà đầu tư cần theo dõi. Thị trường chứng khoán trong nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục biến động theo các thông tin lạm phát, lạm phát kỳ vọng, và hành động của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED.

8 nhóm ngành triển vọng nửa cuối năm

Nhóm bán lẻ: Trong nửa đầu năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ đạt xấp xỉ 2.174 tỷ đồng (tăng 11,4% so với cùng kỳ), trong đó, quý II/2022 đạt 1.112 tỷ đồng (tăng 17,3%). Tác động của lạm phát đối với doanh thu bán lẻ nói chung vẫn chưa đáng kể vì mức độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu (có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số CPI) là chưa lớn. Tuy nhiên, độ trễ của giá các mặt hàng thiết yếu so với giá xăng dầu có thể bị thu hẹp trong thời gian sắp tới.

Nhóm thực phẩm và đồ uống: Xuất khẩu thủy sản như kỳ vọng vẫn là nhóm doanh nghiệp sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt vượt trội trong năm 2022. Mirae Asset đánh giá quý II/2022 sẽ là giai đoạn doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bùng nổ. Đồ uống, xuất khẩu lương thực và sản xuất đường sẽ có sự tăng trưởng nhẹ trong năm 2022. Trong đó, đồ uống sẽ là nhóm doanh nghiệp tốt nhất vì nhu cầu nội địa có sự phục hồi từ vùng thấp 2021.

Nhóm dầu khí: Vào tháng 5/2022 trong buổi làm việc giữa Tập đoàn Dầu khí (PVN) và chính quyền TP. Cần Thơ, thông tin cho biết chuỗi điện khí Lô B - Ô Môn dự kiến sẽ có Quyết định đầu tư cuối cùng vào tháng 7/2022, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, nhà điều hành mỏ khí Lô B (Phú Quốc POC) cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở các gói thầu EPCI, mục tiêu sẽ trao các hợp đồng liên quan đến phát triển mỏ khí (hợp đồng EPCI, hợp đồng FSO…) ngay sau khi chuỗi Lô B nhận được FID.

Nhóm năng lượng điện: Theo EVN, sản lượng tiêu thụ điện Việt Nam tăng 5,3% so với cùng kỳ trong 5 tháng. Năng lượng gió là loại hình có mức tăng trưởng cao nhất với sản lượng tăng 480% trong tháng 5 và 382% trong 5 tháng. Huy động nhóm thủy điện cũng cải thiện 48% trong tháng 5 và 27% trong 5 tháng. Ngược lại, điện mặt trời có dấu hiệu chững lại trong tháng 5 với mức giảm 12% và đi ngang trong 5 tháng.

Nhóm bất động sản khu công nghiệp: Thị trường khu công nghiệp ở Bình Dương và Long An thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tiêu biểu là khu công nghiệp VSIP 3 mới khởi công nhưng đến nay có hơn 30 tập đoàn và công ty quan tâm tìm hiểu phát triển sản xuất, tương đương 175 ha đất công nghiệp. Long An cũng đón nhận dự án đầu tư nhà máy trị giá hơn 136 triệu USD của Coca Cola ở khu công nghiệp Phú An Thạnh và hai dự án Nhà kho xây sẵn đầu tiên của BWID tại khu công nghiệp Xuyên Á & Vĩnh Lộc 2.

Nhóm cảng biển: Trong nửa đầu năm, khối lượng thông quan cảng biển ước đạt 371 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Khối lượng container thông quan ước đạt 12,8 triệu TEU, tăng 0,5%. Hoạt động thông quan container duy trì mức tăng trưởng dương mặc dù tốc độ tăng đang có dấu hiệu chậm lại. Trong nửa đầu năm 2022, tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 371 tỷ USD, tăng 16,8%.

Nhóm dệt may: Trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ và 18,7 tỷ USD, tăng 21,6%. Hoạt động sản xuất mảng may mặc duy trì đà tăng trưởng mạnh khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 và 6 tháng tăng lần lượt 23,1% và 23,3% so với cùng kỳ.

Nhóm thép/Tôn Mạ:
Theo Fiinpro, trong tháng 5/2022, sản lượng thép và tôn mạ toàn ngành đã có sự sụt giảm 49% so với cùng kỳ, đạt 1,49 triệu tấn. Đến hết tháng 5, sản lượng thép toàn ngành đạt 10,48 triệu tấn, giảm 22%. Đối với mảng xuất khẩu, thép xây dựng là điểm sáng duy nhất về tăng trưởng, với sản lượng xuất khẩu tháng 05/2022 đạt 176.872 tấn, tăng 23%. Tổng sản lượng thép xây dựng xuất khẩu trong 5 tháng, đạt 1,03 triệu tấn, tăng 49%, nhờ đó giúp duy trì sản lượng thép xuất khẩu toàn ngành đạt 2,8 triệu tấn, giảm nhẹ trong 5 tháng.
Mirae Asset chỉ ra 8 nhóm ngành triển vọng nửa cuối năm
Theo: Báo Đầu Tư

Xem thêm: