Công nghệ hiện đại ngày càng tiên tiến nên việc các bác sở hữu con xe cao cấp luôn đi kèm với nhiều tính năng an toàn.
Và sau bao tháng ngày miệt mài tiếp xúc và chia sẻ với khách hàng em luôn gặp nhiều câu hỏi liên quan đến tính năng này.
Hôm nay em muốn chia sẻ với các bác anh em OS vài đặc điểm của tính năng an toàn và cách sử dụng hiệu quả nhất qua bài viết em đúc kết và sưu tầm trên các tài liệu.
Cùng chia sẻ với anh em:
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS
Chức năng chính của ABS là chống hiện tượng bánh xe bị bó cứng khi phanh gấp (má phanh không nhả khi phanh gấp) khiến bánh xe không quay dẫn đến việc tài xế không thể kiểm soát và mất lái. Những xe được trang bị phanh ABS giúp lái xe có thể duy trì khả năng kiểm soát hướng lái khi phanh, hệ thống ABS sẽ tự động ấn/nhả đĩa phanh khoảng 15 lần/giây, đảm bảo sao cho bánh xe không bị bó cứng và giúp lái xe có thể điều khiển (đánh lái sang trái, phải bình thường). Việc kích hoạt ABS cần có những điều kiện nhất định. Chẳng hạn, khi gặp tình huống nguy hiểm, lái xe cần phải đạp mạnh, dứt khoát chân phanh, không đạp phanh kiểu nhấp/nhả như trên xe không có ABS. Khi đó, các cảm biến phát hiện ra sự giảm tốc đột ngột và bộ điều khiển trung tâm mới kích hoạt hệ thống, ABS làm việc sẽ tạo nên những lực tác động trở lại chân phanh thành tiếng lục cục. Cùng lúc với động tác phanh, lái xe phải kiểm soát cả hướng lái. Theo các chuyên gia: “Trong trường hợp phanh khẩn cấp, những lái xe chưa quen với kiểu phanh ABS thường chú ý hết vào quá trình phanh mà quên rằng xe có hệ thống ABS vẫn có thể điều khiển được hướng lái (chỉ phanh mà không điều khiển) nên đã dẫn đến những tai nạn không đáng có...”
Cân bằng điện tử ESP
Hệ thống ESP có thể kiểm soát độ cân bằng của xe trong những tình huống đánh lái đột ngột khi cua gấp hay gặp chướng ngại vật trên đường. Hướng dẫn lái xe an toàn sử dụng hiệu quả hệ thống ESP các chuyên gia đã yêu cầu những người lái thử xe phải đi với tốc độ 80 km/h, không sử dụng chân ga và đột ngột đánh lái. Lúc này, hệ thống ESP sẽ được kích hoạt và tự động phanh những bánh xe bị trượt để tạo độ bám đường. Dưới sự hỗ trợ của ESP, xe vẫn giữ được độ cân bằng cần thiết, trong một số tình huống, ESP còn tự động giảm công suất động cơ để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, trong một số trường hợp ESP không thể vượt qua được các giới hạn vật lý. Ví dụ, một cú đánh lái quá nhiều ở tốc độ cao sẽ khiến trọng tâm xe vượt qua giới hạn cân bằng và khiến xe vẫn có thể bị lật.
Hỗ trợ phanh gấp BA
Hệ thống hỗ trợ phanh gấp BA là công nghệ giúp lái xe tác động một lực đủ lớn lên chân phanh trong những tình huống khẩn cấp nhờ một cảm biến sẽ ghi nhận trạng thái người lái bỏ chân ga sang chân phanh đột ngột để kích hoạt BA, cung cấp thêm lực phanh để đạt độ an toàn hơn trong những cú phanh gấp. Chẳng hạn, khi gặp tình huống khẩn cấp, người lái thường chỉ tác động được 80% lực phanh tối đa, 20% còn lại BA sẽ cung cấp thêm, làm giảm quãng đường phanh để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hệ thống BA khá nhạy nên tài xế không nên chủ quan nghĩ nó hoạt động trong mọi tình huống. Nếu quá trình chuyển chân ga sang phanh không nằm trong vùng kích hoạt, BA sẽ không hoạt động.
Hệ thống kiểm soát hành trình và áp suất lốp
Ngoài khả năng tự duy trì tốc độ ổn định, hệ thống kiểm soát hành trình thông qua cảm biến và rada có thể điều chỉnh bướm ga và phanh để duy trì một khoảng cách an toàn với xe đi trước nếu có một sự thay đổi tốc độ đột ngột của giao thông. Trong trường hợp phát hiện ra nguy cơ va chạm, hệ thống này sẽ tự kích hoạt phanh gấp và siết chặt dây an toàn. Khi giao thông an toàn trở lại, hệ thống sẽ đưa xe về tốc độ như cũ hoặc lái xe cũng có thể điều chỉnh tốc độ bằng việc sử dụng chân phanh.
Những xe được trang bị hệ thống kiểm soát áp suất lốp sẽ phát tín hiệu âm thanh hoặc đèn cảnh báp trên taplô nếu áp suất lốp nằm ngoài giới hạn an toàn cho phép.
Chúc các bác lái xe an toàn!!!