Toà án không chấp nhận đơn yêu cầu của Mường Thanh
Đơn của Mường Thanh yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp khi thành phố tổ chức cưỡng chế phần xây dựng trái phép đã không được toà chấp nhận.
Ngày 8/1, TAND TP Đà Nẵng cho biết thông báo không chấp nhận đơn đã được gửi đến Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên - chủ đầu tư Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà (quận Ngũ Hành Sơn). Lý do vì chưa đủ cơ sở "cho phép đặc biệt" áp dụng các biện pháp khẩn cấp.
Đơn này được doanh nghiệp gửi đến toà án đồng thời với đơn khởi kiện chính quyền về việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký quyết định cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ các hạng mục xây dựng sai phép ở khu căn hộ Sơn Trà. Hiện, toà đã hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung một số tài liệu vào hồ sơ vụ kiện để xem xét thụ lý.
Ông Nguyễn Đức Việt (Phó chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn) cho biết với trả lời trên của toà án, dự kiến cuối tháng 2 chính quyền tổ chức cưỡng chế do chủ đầu tư "không tự nguyện chấp hành".
Người dân đang sống trong các tầng có sai phạm khi di dời sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà trong bốn tháng với mức 5 triệu đồng mỗi hộ trong một tháng. Tổ trợ giúp pháp lý của thành phố đang làm việc tại UBND phường Mỹ An vào sáng thứ bảy hàng tuần để hỗ trợ các hộ dân.
|
Sai phạm của Mường Thanh xảy ra tại toà chung cư cạnh toà khách sạn ven biển. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Trước đó, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã gửi thông báo cho doanh nghiệp và dán niêm yết tại chung cư các biện pháp thực hiện cưỡng chế, trong đó có việc sẽ cắt điện, nước và di dời dân cư ra khỏi các căn hộ xây dựng sai phạm trước khi tháo dỡ.
Khi các biện pháp này chưa thực hiện, doanh nghiệp đã gửi đơn yêu cầu các biện pháp khẩn cấp tạm thời đến toà để mong có sự can thiệp nhằm chấm dứt các quyết định liên quan từ phía chính quyền.
Luật sư Lê Cao (Đà Nẵng) cho biết, theo Luật Tố tụng hành chính, người khởi kiện có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính để bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Tuy nhiên, trước khi chưa có bất kỳ văn bản có tính hiệu lực pháp luật nào từ tòa án, quyết định hành chính của Chủ tịch UBND Đà Nẵng vẫn phải được thi hành. Doanh nghiệp không thực hiện theo yêu cầu thì sẽ bị cưỡng chế.
Nếu tòa án tuyên doanh nghiệp thắng kiện, việc xử lý hành chính của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền là sai, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường thiệt hại do việc thực hiện quyết định hành chính sai.
Sai phạm tại Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và Căn hộ cao cấp Sơn Trà được phát hiện từ giữa năm 2018. Ngày 7/10/2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ phần xây dựng sai phép và hoàn trả công năng ban đầu.
Theo chính quyền, Mường Thanh đã cải tạo diện tích nhà để xe, nhà trẻ và sinh hoạt cộng đồng thành 104 căn hộ từ tầng hai đến tầng năm để bán; tại tầng 25 cho phép xây 5 phòng nhưng đã thay đổi công năng chuyển thành một phòng lớn và bố trí hai cửa ra vào.
Ở tầng 41 và 42, chủ đầu tư được phép xây dựng tầng kỹ thuật và tầng mái diện tích 531 m2 mỗi sàn, song đã mở rộng lên hơn 2.129 m2, bố trí lần lượt thành 26 và 23 phòng ở...
Không rõ có phương án nào khác để giải quyết và trường hợp này có mở đầu cho các sự kiện tiếp nối.
Theo Vnexpress