HĐND TP HCM đề nghị chính quyền TP khi triển khai thực hiện thu phí ôtô vào trung tâm cần sự đồng thuận người dân, có lộ trình cụ thể, đồng bộ trong việc kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân
Nghị quyết về thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn vừa được HĐND TP HCM thông qua tại kỳ họp thứ 20.
Phải đồng bộ với hạn chế xe cá nhân
Theo nghị quyết, HĐND TP HCM tán thành việc xây dựng Đề án tăng cường VTHKCC kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Cụ thể: Thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm TP trong giai đoạn 2021-2025 (dự kiến chỉ áp dụng đối với ôtô đi vào trung tâm, không thu chiều ra); phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030; tổ chức quy hoạch phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) tại các khu vực phát triển đô thị mới, các đầu mối giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030.
Đường 3 Tháng 2 (quận 10, TP HCM), một trong những tuyến đường thuộc vành đai thu phí hiện khá hẹp và ùn tắc giao thông cũng thường xảy ra .Ảnh: GIA MINH
HĐND TP HCM đánh giá đây là đề án quan trọng, có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của người dân TP. Quan điểm của HĐND TP HCM là phát triển giao thông công cộng (GTCC) phải kết hợp với hạn chế số lượng phương tiện cá nhân; phát triển VTHKCC là điều kiện để kiểm soát xe cá nhân; trong đó, phát triển VTHK khối lượng lớn (metro, monorail…) là điều kiện bảo đảm phát triển VTHKCC bền vững. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo (bao gồm đầu tư hạ tầng và vận hành khai thác), bảo đảm hệ thống GTCC bền vững.
HĐND TP HCM cũng nêu rõ quá trình thực hiện cần toàn diện, đồng bộ trong việc kiểm soát sử dụng phương tiện cá nhân (ôtô con, môtô và xe máy). Thực hiện từng bước, có lộ trình cụ thể và sự đồng thuận người dân. TP cần đáp ứng điều kiện hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe máy điện, xe đạp điện... trước khi đưa ra biện pháp hạn chế xe cá nhân. UBND TP HCM phải tổ chức triển khai tăng cường VTHKCC kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.
Tổng thể các giải pháp
Bên cạnh việc tổ chức thu phí ôtô vào trung tâm TP; thí điểm kiểm tra khí thải với xe máy…, trong tờ trình gửi HĐND TP HCM trước đó, UBND TP đưa ra 17 giải pháp tăng cường VTHKCC: hình thành mạng lưới xe buýt hiệu quả vào năm 2030; hoàn thành đúng tiến độ các tuyến metro số 1, 2, 5 và một tuyến buýt nhanh (BRT); đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm, xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; triển khai dịch vụ xe máy điện và xe đạp điện công cộng; tổ chức làn đường riêng cho xe buýt; nâng cao chất lượng xe buýt...
Cùng với đó là các nhóm giải pháp hỗ trợ như quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển GTCC; thực hiện các dự án giao thông thông minh; tổ chức thêm không gian đi bộ ở trung tâm TP; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca...
Trong giai đoạn 2021-2025, TP HCM ưu tiên phát triển xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển VTHKCC khối lượng lớn; đưa ra một số giải pháp để kiểm soát xe cá nhân; tổ chức giao thông đối với xe máy ở khu vực trung tâm. Giai đoạn 2026-2030, TP HCM ưu tiên đầu tư phát triển VTHKCC khối lượng lớn và kiểm soát xe cá nhân. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 393.800 tỉ đồng (gồm các dự án đang triển khai hoặc có chủ trương đầu tư). Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng hơn 47.600 tỉ đồng, còn lại từ các nguồn lực từ xã hội hóa hoặc vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức).
Theo một số chuyên gia giao thông, phương án thu phí đối với ôtô vào khu vực trung tâm TP cũng là một giải pháp góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong ITD - đơn vị từng được UBND TP chấp thuận cho nghiên cứu đầu tư dự án lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát và thu phí tự động đối với ôtô ra vào khu trung tâm, đánh giá so với đề án nghiên cứu trước, việc này cơ bản chỉ khác hình thức đầu tư. ITD lúc trước dự kiến thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nhưng theo đề xuất từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) sử dụng từ ngân sách.
"Vấn đề này cũng phù hợp bởi trước đây, đơn vị khi nghiên cứu từng đề xuất việc thu phí nên giao một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Còn việc bảo trì, vận hành hệ thống kỹ thuật..., có thể thuê tư nhân" - ông Quân nói và khẳng định chủ trương thu phí ôtô vào trung tâm là định hướng đúng trong bối cảnh hiện nay để giải quyết tình trạng kẹt xe, ô nhiễm.
Trong khi đó, theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, cần tập trung và tăng cường hơn các giải pháp ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông. Về lâu dài, ông Nguyễn Lê Ninh cho rằng cần quy hoạch những khu dân cư khép kín, đáp ứng đầy đủ các tiện ích, từ đó nhu cầu đi lại sẽ tự động giảm.
Xây 34 trạm thu phí
Để thu phí ôtô vào trung tâm, hồi tháng 7-2019, Sở GTVT TP HCM đã đề xuất xây các trạm thu phí. Địa điểm mà Sở GTVT TP đề xuất thu phí là khu vực trung tâm, gồm các quận 1, 3 và giáp ranh với quận 5, 10. Hệ thống thu phí trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên ùn tắc.
Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với đường Cách Mạng Tháng Tám, đường 3 Tháng 2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng. Trên vành đai này sẽ bao gồm 34 cổng thu phí đa làn không dừng, một trung tâm điều hành với nhiệm vụ kết nối với các cổng thu, xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động của hệ thống. Dự án sẽ do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỉ đồng.
Theo
Báo Người Lao Động