Nặng gánh ân tình
Hồi nhỏ, trong những bài học địa lý, được dạy ở trường tiểu học cộng đồng,hình ảnh đất nước Việt Nam với hai đồng bằng lớn – Bắc Bộ và Nam Bộ – được ví như hai thúng lúa nặng trĩu, còn miền Trung là đòn gánh nối liền hai đầu. Hình ảnh ấy thật đẹp, vừa giản dị, vừa thân thương.
Nhưng hôm nay, gánh lúa ấy dường như đã phai mờ. Không còn nhiều hình ảnh những cánh đồng lúa trĩu bông hay những người nông dân cười rạng rỡ trên ruộng đồng. Thay vào đó, trên đường phố, trong những con hẻm nhỏ, là hình ảnh những gánh hàng rong, của những chị, những mẹ, những phận đời đang oằn mình gánh nặng mưu sinh.
Những thúng lúa xưa, biểu tượng của sự no ấm, giờ đây được thay bằng những gánh hàng rong, biểu tượng của sự chật vật, nhọc nhằn giữa đô thị hoa lệ. Nhưng cũng chính từ những gánh hàng ấy, ta thấy được sức nặng ân tình của người mẹ Việt Nam. Đó là sự hy sinh thầm lặng, là lòng kiên trì để giữ lấy chút bình yên, no ấm cho gia đình, dù đôi vai gầy đã mỏi.
Vai gầy gánh nặng sớm hôm,
Quang gánh chở cả nỗi buồn lặng thinh.
Ân tình mẹ gói trọn mình,
Mồ hôi đổi lấy an bình đời con.
Chợ nhóm, phố nhỏ mỏi mòn,
Đường dài nắng tạt, gió dồn chẳng nao.
Nặng gánh ân nghĩa thanh cao,
Đời mẹ gầy guộc, nhưng trao mãi đầy.