Quy định thời hạn này được nêu trong dự thảo sửa đổi Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), đơn vị này đang gấp rút hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT. Theo đó, dự thảo Thông tư mới sẽ bổ sung quy định yêu cầu đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết Luật Giao thông đường bộ đối với các hạng giấy phép lái xe ô-tô cũng phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng; giáo viên dạy thực hành lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 cũng phải có giấy phép lái xe hạng tương ứng. Đối với xe tập lái, phải bảo đảm tối thiểu 60% niên hạn sử dụng; Ô tô tải để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên…
Đặc biệt, tại dự thảo thông tư, thời hạn của giấy phép lái xe đã được nâng lên đáng kể. Nếu trước đây các hạng A4, B1, B2 đều có thời hạn là 5 năm thì dự thảo đã tính đến yếu tố độ tuổi. Đối với người lái xe là nữ có tuổi dưới 55 và dưới 60 đối với nam thì thời hạn được nâng lên là 10 năm, còn với nam trên 60 và nữ trên 55 thì vẫn giữ ở mức thời hạn 5 năm. Người có giấy phép lái xe bị mất, hỏng nếu còn hồ sơ gốc thì sẽ được cấp lại.
Về cấp đổi GPLX, dự kiến bổ sung thêm nội dung quy định về hành vi sử dụng GPLX giả. Các trường hợp giả khai báo mất hoặc tẩy xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; sử dụng GPLX hoặc hồ sơ lái xe giả; có hành vi cố tình gian dối khác để được đổi, cấp lại GPLX, ngoài việc bị cơ quan quản lý ra quyết định tịch thu GPLX và hồ sơ gốc còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép trong thời hạn 5 năm.
Người có GPLX bị mất, hỏng nếu còn hồ sơ gốc thì sẽ được cấp lại. Cũng trong trường hợp này, nếu còn thời hạn sử dụng nhưng không còn hồ sơ gốc nhưng có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch thì sẽ chỉ phải dự sát hạch lý thuyết để cấp lại thay vì phải thi lại cả lý thuyết và thực hành như hiện nay. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này là Sở GTVT thì phải có dự báo nhu cầu sát hạch lái xe tại địa phương để đề xuất UBND cấp tỉnh cho phép đầu tư xây dựng mới trung tâm sát hạch lái xe tránh chồng chéo, gây lãng phí trong đầu tư xây dựng...
Dự thảo đã bổ sung, thay đổi nhiều quy định. Cụ thể, bổ sung quy định mới là yêu cầu đội ngũ giáo viên dạy lý thuyết về Luật GTĐB đối với các hạng GPLX ôtô cũng phải có GPLX hạng tương ứng; giáo viên dạy thực hành lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 cũng phải có GPLX hạng tương ứng.
Đối với xe tập lái, dự thảo đưa ra tiêu chuẩn: “Phải bảo đảm tối thiểu 60% xe có niên hạn sử dụng (tính từ năm sản xuất) không quá 10 năm; Kiểu loại thông dụng, kích thước phù hợp kích thước xe cơ giới dùng để sát hạch trong trung tâm sát hạch lái xe; Ôtô tải được đầu tư mới để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải là xe có trọng tải từ 1.000kg trở lên, chiều dài cơ sở từ 2,5m trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng B tương ứng của cơ sở đào tạo.
Theo các chuyên gia, các quy định này nhằm nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ giáo viên đào tạo, sát hạch GPLX, từng bước nâng cao chất lượng xe tập lái, bởi hiện đang có quá nhiều xe cũ nát tại một số trung tâm đào tạo.
Về nội dung giáo trình giảng dạy, Thông tư sửa đổi điều chỉnh một số quy định theo hướng bổ sung thêm các nội dung về ATGT và kỹ năng lái xe như: Báo hiệu tuyến đường bộ đối ngoại; Thực hành cấp cứu đối với tất cả các hạng đào tạo; Tập lái trên đường với xe ôtô có hộp số tự động đối với hạng B1, B2, C.
Tại Thông tư sửa đổi lần này, các tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở vật chất của các trung tâm sát hạch cũng được nâng lên. Cụ thể, quy định về trách nhiệm của trung tâm sát hạch là phải bảo đảm cơ sở vật chất, ôtô sát hạch thuộc quyền sở hữu của trung tâm, có niên hạn sử dụng không quá 10 năm.
Theo ông Nguyễn Thắng Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam): “Bộ GTVT vừa tổ chức các cuộc họp cuối cùng để thảo luận, hoàn thiện nội dung dự thảo. Dự kiến Thông tư sửa đổi sẽ chính thức được ban hành trước ngày 31/3/2011”.