bài phân tích của TS. Khương Kim Tạo đúng sát với thật tế trong đó có nói về vấn đề điều kiện mặt đường, thắng xe...khách quan khác
Xử phạt vượt đèn vàng: Nên 'gỡ' bớt đèn cho đỡ... nặng cột?
Trước ý kiến của TS. Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc xử phạt 'vượt đèn vàng như đèn đỏ' là không phù hợp, nhiều độc giả cho rằng, nếu coi đèn vàng như đỏ thì nên bỏ bớt đèn cho đỡ... nặng cột (?!).
Theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ, từ ngày 1/8 sẽ xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn vàng. Cụ thể, phạt tiền từ 400.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy… và 2.000.000 đồng đối với ô tô.
Liên quan đến việc xử phạt đèn vàng, TS. Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, việc lái xe cơ giới vượt đèn vàng sẽ bị CSGT xử phạt như vượt đèn đỏ là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008 và không đúng với ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn vàng.
Cụ thể, khoản 3 điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định tín hiệu đèn giao thông có 3 màu với các ý nghĩa như sau: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Như vậy, người lái xe có thể đi qua vạch dừng khi đèn tín hiệu màu vàng là đúng luật, tín hiệu màu vàng chỉ cảnh báo cho lái xe nhanh chóng dừng lại trước vạch dừng vì sắp có tín hiệu đèn màu đỏ chứ không cấm người lái xe chạy qua vạch dừng.
Ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn tín hiệu màu vàng được xác định như sau: Khi lái xe đến nút giao phát hiện có tín hiệu đèn màu vàng sẽ nhanh chóng đạp phanh để dừng lại trước vạch dừng.
Ô tô không dừng được ngay mà phải di chuyển một đoạn đường là quãng đường phanh. Chiều dài quãng đường phanh phụ thuộc vào loại ô tô, chất lượng hệ thống phanh, tình trạng mặt đường và khả năng phản ứng của lái xe.
Đồng tình với ý kiến của TS. Khương Kim Tạo, độc giả Hoàng Kim Trọng, email: trongphanthiet@... cho rằng
: "Những quy định, nghị định cần thực tiễn và khoa học. Những văn bản không phù hợp nên sửa ngay. Nếu thấy cần phải áp dụng lỗi phạt đèn vàng thì Luật nên để đèn tín hiệu giao thông chỉ cần hai màu xanh và đỏ".
Theo độc giả Đăng Thuận, email: Dangthuan1971@... :
"Phạt đèn vàng là vô lý. Nếu thế sinh ra đèn vàng làm gì? Đèn vàng để báo hiệu sắp có đèn đỏ cấm vượt qua. Nếu đèn xanh xe đang chạy đột ngột chuyển sang đèn vàng mà bị phạt thì lái xe phanh gấp quá nguy hiểm".
Độc giả Đức Hưng, email: nguyenhungajc@... táo bạo đề xuất:
"Nếu coi đèn vàng như đỏ thì tháo 1 trong 2 đèn xuống cho đỡ nặng cột". Độc giả Trọng Sang, email:
Trongsangvietree@... cũng có cùng quan điểm: "Vậy theo mình thì bỏ luôn tín hiệu đèn vàng đi chứ nó còn ý nghĩa gì nữa đâu vì đèn vàng giờ cũng như đèn đỏ rồi".
Còn theo độc giả Tuấn, email Tuan@...:
Đèn xanh là đi, đèn đỏ là dừng, đèn vàng là cảnh báo. Vì phanh dừng xe cũng cần phải có thời gian tránh phanh đột ngột nguy hiểm và bị xe đi sau đâm nên ở nước ngoài họ quy định là khi đèn vàng nhấp nháy vài giây thì xe còn cách vạch dừng 4-5 thân xe, tức khoảng 10-20 mét (tùy tốc độ và đường đông hay vắng) được vượt luôn. Xe mà cách vạch trên 20 mét buộc phải phanh dừng. Lái xe phải tự điều chỉnh để khi đèn đỏ xuất hiện mà xe chưa vượt quá 2/3 ngã tư thì coi như phạm lỗi.