(TBKTSG) - Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (MCC) vừa phát đi thông báo sẽ áp dụng mức phạt hơn 86,7 triệu ringgit (hơn 20 triệu đô la Mỹ) đối với Grab. Có thể nói, đây là phản ứng chính thức đầu tiên của MCC sau khi khoanh tay đứng nhìn Grab và Uber tiến hành thương vụ sáp nhập từ năm ngoái. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã tiến hành rà soát thương vụ sáp nhập giữa Uber và Grab ngay từ đầu, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
| Grab có thể bị Ủy ban Cạnh tranh Malaysia phạt hơn 20 triệu đô la Mỹ do cạnh tranh không lành mạnh. Nguồn: businessinsider.my |
Đây là mức phạt dự kiến được đưa ra khi MCC cho rằng Grab đã thực hiện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Trên thực tế, Grab đã áp đặt điều khoản giới hạn nhằm ngăn chặn tài xế tiến hành quảng bá hay cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các đối thủ của Grab. Theo MCC, đó chính là cách mà Grab đã tạo ra rào cản gia nhập và mở rộng hoạt động kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh, và đây chính là một trong những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị ngăn cấm được nêu ra tại điều 10 Luật Cạnh tranh nước này.
Đương nhiên, để đưa ra quyết định đó, MCC cũng đã khẳng định rằng Grab đang nắm giữ sức mạnh thị trường mà cụ thể là có vị trí thống lĩnh thị trường trên thị trường gọi xe tự động ở Malaysia. Theo MCC, thương vụ sáp nhập với Uber vào năm ngoái cũng chính là tiền đề mang lại lợi thế thị trường cho Grab.
Tuy nhiên, ở thời điểm mà Philippines, Singapore và cả Việt Nam tiến hành rà soát thương vụ nói trên, MCC đã im hơi lặng tiếng. Thực ra, Malaysia là quốc gia sớm sửa đổi các luật có liên quan và đưa ra các quy định mới cho hoạt động gọi xe tự động. Và một lần nữa, mô hình kinh doanh mới trên cơ sở các nền tảng đa diện (multi-sided platforms) cũng đã được MCC đề cập khi phân tích tác động bóp méo cạnh tranh bởi các giới hạn thị trường của Grab.
Nhưng ngược lại, Malaysia nằm trong tốp các quốc gia ban hành Luật Cạnh tranh khá muộn. Và đạo luật cạnh tranh năm 2010 (có hiệu lực từ năm 2012) đến nay vẫn chỉ khoanh vùng kiểm soát hai nhóm hành vi: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Nói cách khác, ngay cả ở thời điểm hiện tại, vấn đề sáp nhập vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật cạnh tranh Malaysia. Thay vào đó, khi thương vụ sáp nhập diễn ra, MCC đã từng tuyên bố, vì lợi ích chung, cơ quan này sẽ tiếp tục giám sát hoạt động của Grab trước nguy cơ các hành vi kiểm soát giá hay hạn chế cạnh tranh khác có thể xảy ra. Cuối cùng, điều gì phải đến cũng đã đến, dù có phần muộn màng hơn chút.
Thực ra, đây chỉ là dự thảo phán quyết và mức phạt dự kiến của MCC. Theo luật định, Grab sẽ có 30 ngày để có ý kiến phản hồi với MCC và quyết định chính thức sẽ được ban hành sau đó.
Trong khi chờ, có thể nhìn về Việt Nam. Việt Nam đi trước nhưng hình như chưa về sớm. Việt Nam đã ban hành Luật Cạnh tranh sớm hơn Malaysia (vào năm 2004), kiểm soát sáp nhập ngay từ đầu, và cũng đã tiến hành rà soát thương vụ sáp nhập giữa Uber và Grab nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Nguy hiểm hơn là khoảng trống kiểm soát cạnh tranh đã xảy ra khi hơn ba tháng qua, kể từ ngày Luật Cạnh tranh sửa đổi năm 2018 có hiệu lực (ngày 1-7-2019). Ngoài văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh ban hành cuối tháng trước, Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh theo luật mới vẫn chưa được thành lập, trong khi về mặt pháp lý các cơ quan cạnh tranh thành lập theo Luật Cạnh tranh năm 2004 đã hoàn thành sứ mệnh kể từ ngày 1-7-2019.
Trở lại với hoạt động kinh doanh của Grab lần này. Câu hỏi là liệu Grab có áp đặt điều khoản giới hạn đối với tài xế ở Việt Nam như những gì họ đã thực hiện ở Malaysia? Chỉ có cơ quan cạnh tranh mới có đủ thẩm quyền điều tra và tìm ra bằng chứng. Nhưng về phía người dùng là hành khách, họ đã nhận được thông báo thu phí mới được Grab gửi đến đúng vào ngày MCC phát ra thông cáo nói trên.
Cụ thể, kể từ ngày 10-10-2019 hành khách gọi xe qua Grab ở Việt Nam sẽ phải trả mức phí “xe chờ quá năm phút” nếu đến điểm đón sau tài xế năm phút. Đương nhiên, vấn đề sẽ chẳng có gì quan ngại nếu Grab tiếp tục bảo đảm các chính sách bảo đảm quyền lợi đối ứng của hành khách như Grab đã từng tuyên bố. Đó chính là câu chuyện hành khách phải chờ khi xe và tài xế không đến điểm đón đúng như dự kiến.
Thực tế, pháp luật cạnh tranh Việt Nam cũng tầm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và khả năng rà soát vụ việc với các hành vi tương tự nói trên có thể xảy ra. Chỉ có điều, khẳng định cuối cùng về khả năng vi phạm pháp luật cạnh tranh Việt Nam của Grab đối với nhóm hành vi này, tương tự như việc sáp nhập và thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thuộc thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh Việt Nam.
https://www.thesaigontimes.vn/29513...sia-viet-nam-di-truoc-nhung-chua-ve-som-.html |