Trong khi các khách hàng miền Bắc có xu hướng ưa chuộng các dòng xe nhỏ gọn thì người miền Nam lại đặc biệt yêu thích xe to có 7 chỗ ngồi. Đây là cách chọn xe đối lập giữa 2 miền mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát được trên đường phố.[pagebreak][/pagebreak]
Ở miền Bắc, xe Hàn đã phát triển khá mạnh mẽ như một lựa chọn thay thế cho xe Nhật, đặc biệt ở phân khúc xe nhỏ, dành cho người mua xe lần đầu. Nhưng bức tranh này lại không dành cho miền Nam, nơi khách hàng vốn có tâm lý chuộng xe càng nhiều chỗ càng tốt, gầm càng cao càng thích.
Thời tiết miền Bắc khắc nghiệt nên ước mong có xe hơi thiết thực hơn miền Nam. Đồng thời, văn hóa khách hàng ở đây muốn thể hiện địa vị xã hội, đẳng cấp bản thân, coi ô tô là tài sản lớn, nên nhu cầu mua xe lớn hơn, đặc biệt ở phân khúc xe cỡ nhỏ, nơi những khách hàng mua xe lần đầu dễ với tới nhất.
Ngược lại, người phía Nam thường không quá quan trọng việc "phải mua được ôtô" nếu tích lũy tài chính chưa đủ lớn. Khí hậu hài hòa khiến xe máy vẫn là một phương tiện dễ dàng chấp nhận. Hơn nữa, người phía Nam có thói quen chi tiêu cho cuộc sống thường ngày hơn là quan tâm xây đắp tài sản lớn như nhà, xe.
Đường phố Sài Gòn đa phần là xe to.
Điều đó có nghĩa, khách hàng miền Nam thường có xu hướng đã mua xe là mua xe to, chở được nhiều người. Người dân ở đây thường thích di chuyển nhiều người như gia đình, bạn bè vào dịp cuối tuần, bên cạnh đó, nhiều nhà máy, cơ quan, tổ chức cần sử dụng nên nhu cầu mua xe để kinh doanh cũng tăng đáng kể, giải thích cho việc Innova và Fortuner, hai dòng xe đa dụng bán chạy gấp đôi miền Bắc.
Kiểu mua xe này còn thấy rõ qua chiếc Kia Grand Sedona của Thaco. Kết thúc năm tài chính 2016, Kia Grand Sedona bán được tổng cộng 1.759 xe trên cả nước, trong đó khu vực miền Nam đã chiếm hết 1.189 xe, miền Bắc chỉ có 509 xe được bán ra, cuối cùng là miền Trung chỉ vỏn vẹn 61 chiếc, dù đây là nơi Grand Sedona được Thaco sản xuất.
Còn đối với mẫu xe cỡ nhỏ Kia Morning, cả năm 2016 có 14.872 xe được bán ra nhưng lại có tới 8.428 xe được bán ở miền Bắc, trong khi đó ở miền Nam chỉ có 5.693 xe.
Một nguyên nhân nữa khiến cho hầu hết các mẫu xe trên đường phố Hà Nội đều là xe nhỏ là do điều kiện đường xá, các con phố ở đây đều khá nhỏ nên những mẫu xe to khó luồn lách hơn, khó tìm được chỗ đậu hơn so với các con đường trong Sài Gòn.
Xe Taxi cỡ nhỏ phủ sóng toàn Hà Nội.
Quan sát trên đường phố, có thể dễ dàng nhận ra xu hướng chuộng xe to của người miền Nam có thể hiện qua các loại xe Taxi. Nếu như ở TPHCM đa phần là các dòng xe từ Toyota Vios hay Innova, thậm chí có cả Fortuner của các hãng taxi thì ở Hà Nội, các dòng xe taxi chủ yếu đến từ Kia Morning, Hyundai Grand i10 chạy đầy đường.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp không đúng với kiểu mua xe này, ví dụ như chiếc Ford Ranger lại được người dân phía Bắc khá ưa chuộng, doanh số bán ngang ngửa với thị trường miền Nam trong năm 2016. Cụ thể hơn là Ford Ranger phiên bản 4x4 bán được 6.681 xe trong năm 2016, trong đó thị trường miền Nam chiếm 2.776 xe, trong khi đó miền Bắc cũng bán được tới 3.030 xe. Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng đề cao sự tiện lợi đang dần dịch chuyển sang các dòng xe bán tải, thêm một lý do nữa là dòng xe này có mức phí trước bạ thấp chỉ có 2% nên hấp dẫn những khách hàng mới.
Dẫu vậy, khoảng cách doanh số bán xe giữa hai miền Nam - Bắc đang ngày càng được rút ngắn do quan niệm "tậu" xe ô tô của thế hệ trẻ càng gần nhau hơn và nhu cầu mua xe để kinh doanh tăng mạnh. Một vài năm trở lại đây, Taxi, Grab, Uber, cho thuê xe có lái hay tự lái... là những hình thức đang phát triển nhanh và mạnh khiến lượng xe ở miền Nam cũng tăng theo.
Một thông tin hay khác: trong số 10 thương hiệu thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô - VAMA, miền Bắc vượt trội ở hầu hết các thương hiệu, còn miền Nam chuộng Chevrolet và Isuzu hơn. Đáng chú ý, 2 thương hiệu đến từ Nhật Bản Toyota và Honda có tỷ lệ khách hàng ở Bắc - Nam ngang nhau.