Chuyên
16/6/22
630
538
93
TPHCM - Nhiều người dân vẫn đang gặp khó khăn với việc xin tách thửa vì vướng quy định không cho phép tách thửa “đất ở xây dựng mới”, “đất sử dụng hỗn hợp”.
Người dân TPHCM gặp khó khi đi xin tách thửa vì vướng đủ kiểu quy định
Anh Nguyễn Văn ngụ tại quận 12, TPHCM cho biết gia đình anh có một khu đất ở quận 12 thuộc dạng đất nông nghiệp không sử dụng đã lâu, nay muốn tách thửa để xây dựng nhà ở cho người thân trong gia đình thì lại bị vướng.

Cụ thể vào năm 2016 anh cũng đã xin tách thửa nhưng theo Quyết định 33/2014/QĐ-UBND được áp dụng ở thời điểm đó thì chỉ cho phép đất có nhà ở mới được tách thửa. Do khu đất của anh bỏ trống nên không thể tiến hành tách thửa. Đến năm 2017, Quyết định 60/2017/QĐ-UBND được TPHCM ban hành để thay thế cho Quyết định 33 nhằm hạn chế tình trạng một số “đầu nậu” đã lợi dụng chính sách này để phân lô bán nền, kinh doanh bất động sản trái phép. Với quy định mới, anh Văn lại một lần nữa xin tách thửa nhưng lại tiếp tục vướng vì quy định đất nằm trong khu dân cư xây dựng mới nên không được tách thửa.

Tình trạng trên cũng đang là vấn đề đau đầu cho người dân tại nhiều quận huyện. Tại TP.Thủ Đức, chính quyền nơi đây cũng có chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất đối với loại đất dân cư xây dựng mới từ đất nông nghiệp sang đất ở. Tuy nhiên, những người dân sống ở địa phương này cho hay họ lên nộp hồ sơ vẫn rất “phập phù”, nơi được nơi không và nhiều hồ sơ được cán bộ tiếp nhận nhưng yêu cầu chờ văn bản hướng dẫn.

Theo thống kê của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, hiện nay, TPHCM có gần 14.000 ha đất hỗn hợp và đất ở xây dựng mới, tập trung chủ yếu tại TP. Thủ Đức, quận 7, 12, Bình Tân và 3 huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn. Thế nhưng, các quy định pháp luật đất đai hiện hành lại chưa có khái niệm về loại hình đất này. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho hay, Quyết định 60 một mặt góp phần ngăn chặn tình trạng “đầu nậu” núp bóng chủ đất để phân lô bán nền trái phép, nhưng mặt khác cũng làm ách tắc hoạt động tách thửa đất trên địa bàn Thành phố, nhất là tại khu vực ngoại ô và vùng ven đô, khi không cho phép tách thửa “quy hoạch đất ở xây dựng mới”, “đất sử dụng hỗn hợp”.

Ngay trong văn bản gửi UBND TPHCM góp ý sửa đổi Quyết định 60, Sở Tư pháp TPHCM cho rằng, quyết định này có quy định đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới và quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) thì không được tách thửa. Tuy nhiên, luật Đất đai 2013, luật Quy hoạch đô thị 2009, luật Xây dựng 2013, luật Quy hoạch 2017 và các Nghị định của Chính phủ liên quan đến quy hoạch, được quy định tại quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung của TPHCM đều không có sử dụng các thuật ngữ này. Như vậy, với việc thành phố “đẻ” ra các khái niệm trên trong Quyết định 60 đã hạn chế quyền tách thửa của người sử dụng đất. Nội dung quy định không phù hợp với luật Đất đai 2013 và Nghị định 01/2017/NĐ-CP khi quy định các trường hợp không được tách thửa.

UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành trên địa bàn Thành phố đánh giá tính khả thi của Quyết định 60, tham mưu điều chỉnh sao cho phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Theo phản ánh từ một số quận huyện, hơn một năm nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc không tiếp nhận đối với các hồ sơ tách thửa đất có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật nên một số quận huyện cho biết cũng tạm ngừng nhận hồ sơ tách thửa đối với loại hình đất này, cho dù nhu cầu rất lớn. Điều này khiến người dân rất bức xúc, bởi họ có đất ở nhưng vẫn phải xây dựng tạm và không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, thậm chí người dân có đất trong đất hỗn hợp còn không được cấp phép xây dựng, không được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo: Báo Lao Động

Xem thệm: