Lượng tiền chờ giải ngân trong tài khoản nhà đầu tư tại thời điểm 30/6 đã hụt khoảng 20.000 tỷ trong đó phần lớn các CTCK đều ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng sụt giảm mạnh, thậm chí đến hàng nghìn tỷ đồng so với cuối quý trước.
Thị trường chứng khoán đang trải qua một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ khi làn sóng nhà đầu tư mới đổ bộ cách đây 2 năm. Thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm, từ những phiên khớp lệnh tỷ USD nay chỉ còn bình quân 12.000 - 13.000 tỷ mỗi phiên trên cả 3 sàn. Không loại trừ khả năng một lượng tiền lớn đã được nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường.
Theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý 2/2022 đạt khoảng 80.000 tỷ đồng, giảm 20.000 tỷ đồng so với con số kỷ lục vào cuối quý trước và là mức thấp nhất kể từ quý 1/2021. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/6/2022.
VPS tiếp tục là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất lên tới gần 22.700 tỷ đồng và cũng là cái tên hiếm hoi trong top đầu ghi nhận sự gia tăng ở khoản mục này. Dù vậy, mức tăng cũng chưa đến 600 tỷ đồng, chậm lại rõ rệt so với con số hàng nghìn tỷ trong các quý trước. Dù đã có dấu hiệu chững lại trong quý 2, VPS vẫn dẫn đầu về thị phần môi giới trên cả 3 sàn và thị trường phái sinh. Do đó, việc có lượng lớn tiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản cũng không quá bất ngờ.
Phần lớn các CTCK đều ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng sụt giảm mạnh, thậm chí đến hàng nghìn tỷ đồng so với cuối quý trước. Điển hình như VNDirect, con số này đã giảm gần 1.800 tỷ xuống còn 8.200 tỷ đồng vẫn xếp ở vị trí thứ 2. Theo sau lần lượt là SSI (5.764 tỷ đồng), MBS (4.054 tỷ đồng), FPTS (4.015 tỷ đồng),... TCBS là CTCK có số dư tiền gửi của nhà đầu tư giảm mạnh nhất trong quý 2 với gần 2.600 tỷ đồng.
Bên cạnh sự vơi đi của lượng tiền trong tài khoản nhà đầu tư, dư nợ cho vay tại các CTCK cũng đã giảm mạnh sau khi chạm đỉnh vào cuối quý trước. Số liệu thống kê cho thấy con số này thời điểm cuối quý 2/2022 ước tính đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, giảm 50.000 tỷ so với đỉnh hồi cuối quý 1. Cần phải lưu ý, đây là dư nợ chưa bao gồm cho vay 3 bên và nếu tính thêm từ nguồn này, con số thực tế có thể lớn hơn.
Xu hướng giảm của thanh khoản thị trường, số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư và dư nợ vay tại các CTCK trái ngược hoàn toàn với sự bùng nổ về số lượng tài khoản chứng khoán mở mới. Theo thống kê, nhà đầu tư trong nước đã mở mới đến hơn 1,8 triệu tài khoản trong 6 tháng đầu năm, vượt xa so với con số kỷ lục trong năm 2021 trước đó.
Về cơ bản, số tài khoản mở mới đã không còn phản ánh sát thực lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường khi mà một người có thể dễ dàng mở tài khoản tại nhiều CTCK khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chứng khoán đang dần trở thành một kênh đầu tư ngày càng phổ biến trong dân số. Triển vọng lạc quan trong dài hạn của thị trường được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư mới trong tương lai.
Xem thêm: