(PLO)- Kết quả nghiên cứu báo cáo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp” cho thấy, cứ ba doanh nghiệp thì có một sẵn sàng trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu.
Doanh nghiệp phải chi trả các khoản chi phí không chính thức để các bước chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thẩu được trơn tru hơn. Có những trường hợp doanh nghiệp từ chối không chi trả các khoản này, khiến cho tiến độ hoàn thành hồ sơ bị chậm trễ, không nộp được hồ sơ dự thầu, gây tổn thất lớn hơn khoản chi trả trên.
Đây là một trong những ý kiến các doanh nghiệp tham gia khảo sát nêu trong báo cáo "Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16-6.
Ông Trương Đức Trọng, Ban Pháp chế VCCI cho biết, tình trạng doanh nghiệp chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu là khá phổ biến. Khoảng 34,4% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu. Tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng trả chi phí ngoài quy định để đảm bảo trúng thầu có mối quan hệ mật thiết với độ mở của hình thức lựa chọn nhà thầu gói thầu mà doanh nghiệp tham gia.
Đối với hình thức lựa chọn nhà thầu có số lượng hạn chế như đấu thầu hạn chế hay chỉ định thầu, tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng chi “hoa hồng” để có mặt trong danh sách nhà thầu cũng như để tăng khả năng trúng thầu là cao hơn. Trong khi với hình thức đấu thầu rộng rãi, tỉ lệ doanh nghiệp sẵn sàng chi trả “hoa hồng” thấp hơn do loại hình này mang tính chất cạnh tranh và không hạn chế nhà thầu tham gia.
“Đáng nói, 50% doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế đồng ý với nhận định về tình trạng chi trả hoa hồng để trúng thầu”, ông Trương Đức Trọng chia sẻ.
Đặc biệt, có tới 58,9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết, việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là “luật bất thành văn” mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu. Khoảng 30% doanh nghiệp cho biết họ chủ động thực hiện. Khảo sát của VCCI cho thấy, 10% việc này được thực hiện do cán bộ phụ trách thầu gợi ý. Tỉ lệ này ở lĩnh vực y tế cao hơn, lên tới 21,3%.
Rõ ràng, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu công tại địa phương, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký VCCI nhấn mạnh khi chia sẻ về nghiên cứu này.
Theo ông Tuấn, doanh nghiệp vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Một trong những nguyên nhân chủ yếu tại sao doanh nghiệp lựa chọn giải pháp không kiến nghị xem xét lại khi có vướng mắc là họ e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp.
Các lý do khác được doanh nghiệp đưa ra bao gồm chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại, lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai, chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền và xử lý tố cáo của cơ quan quản lý nhà nước.
PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho hay, đấu thầu là để lựa chọn người làm phù hợp đưa ra sản phẩm, công trình chất lượng. Do đó, luật cần minh bạch và làm rõ sản phẩm xây dựng không thể đồng nhất với các sản phẩm khác. “Tiêu cực sẽ không xuất hiện nếu làm tốt quản lý sau đấu thầu”- Ông Chúng nêu.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, đấu thầu mua sắm công nảy sinh nhiều vấn đề thực tế, như chưa đồng bộ giữa Luật Đấu thầu với các luật khác. Theo rà soát của VCCI, có sự chồng chéo với luật khác tương đối lớn. Quy trình đấu thầu khiến đầu tư công chậm, đấu thầu chưa thực sự thuận lợi... Sắp tới sẽ diễn ra kỳ họp Quốc hội để sửa đổi Luật Đấu thầu, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 5, tháng 5-2023. Vì vậy, việc tổng kết đánh giá thực hiện Luật rất cần thiết để xem có điều gì cần khắc phục.
Theo:
Báo điện tử Pháp Luật