Hạng B2
30/1/07
478
0
16
Em vừa copy được các bác đọc tham khảo nhé :
Chuyến nghỉ hè kỳ thú của Nhi và Bi
Mình đã từng thề sẽ không bao giờ viết nhật ký vì đó là việc dớ dẩn mất thì giờ nhất trần đời,
nhưng kỳ nghỉ hè vừa qua của gia đình mình kỳ thú đến nỗi mình đã quăng luôn lời thề, mải
miết say sưa với cái việc mình từng cho là dớ dẩn ấy. Từ lúc bắt đầu “cầm bút viết” cuốn
nhật ký này, mình đã thề là không bao giờ…thề nữa.
Thứ Ba
Cả nhà rục rịch chuẩn bị hành trình kỳ nghỉ cuối tuần. Thứ Bảy sẽ về Ngô Xá ăn cưới em chị
Bích (nhà mình không dùng từ “ô-sin” đâu nhá), rồi tiện đường đi tắm suối nước nóng.
Dù bận thế nào đi nữa, mỗi năm mình đều cố gắng thu xếp đưa hai con về quê chị Bích cho
chúng xem thế nào là đói, là nghèo, để chúng khỏi suốt ngày kêu gào đòi đi zì-zọt và đít-nilen.
Thế nên từ khi còn nhỏ xíu, con mình đã rất quán triệt tinh thần lá rách đùm lá tả tơi, hễ
chán cái gì là chúng thu vén gửi về quê chị Bích tuốt. Chị đã ngoài 30, ở nhà mình được 6
năm. Chị thề sẽ không lấy chồng và ở với hai em đến già, nên hai con mình thương chị lắm.
“Chị ơi, sao nhà chị nghèo thế? Để em bảo bố mua quần áo đẹp cho chị nhé. Em bảo bố em
xây nhà 2 tầng có cầu thang xoáy cho chị nhé”.
Thứ Tư
Chiều đi làm về, cô con gái 7 tuổi phàn nàn: “Mẹ ơi, hôm nay con suýt nôn ở trên xe buýt lúc
đi tham quan Bát Tràng đấy. Cả ngày con cứ đau đầu”. Phát hoảng, tâu với mẹ chồng: “Chết
rồi bà ơi, con Nhi nó còi thế, đang dịch dã thế này là dễ dính đạn lắm”. Bà quát: “Chỉ nói
nhảm, tưởng tượng là giỏi”.
Chị Bích tức tốc ra chỉ thị: “Mai cho con Nhi nghỉ học ở nhà đến cuối tuần. Đi học về lại ốm
lăn quay cho mà xem.” (chắc chị sợ mất dịp khoe đoàn khách VIP ở đám cưới đây). Mình
vốn xưa nay không sợ bố con thằng nào, cãi sếp như mẻ, nhưng hễ về đến nhà chị Bích nói gì
là theo răm rắp! Ừ, cho con Nhi nghỉ học.
Thứ Năm
Con bé ở nhà theo chỉ thị của chị Bích. Thằng cu vẫn đến trường.
Thứ Sáu
6h - Choàng tỉnh giấc. Tiếng chị Bích quàng quạc dưới nhà: “Bà ơi cháu ra xe về quê nhé. À,
con Nhi nó sốt đấy bà ạ”. Chết cha rồi. Phi ngay ra khỏi giường, chạy sang sờ trán con. Nó
sốt thật. Chạy xồng xộc xuống tâu với bà. Bà bảo: “Chắc nó đi tham quan bị cảm nắng thôi.”
(bà lại tự huyễn hoặc, nhưng giọng và bắt đầu ca-mơ-run).
7h - Gọi điện cho bệnh viện Việt-Pháp. May quá, hẹn được bác sỹ Hà lúc 11.15.
11h – hai mẹ con đeo rọ mõm cưỡi taxi vào Việt Pháp. Đến nơi, bị chặn ở cửa: “Chị và cháu
rửa tay trước khi vào. Có sốt không? Sốt thì vào phòng cấp cứu để bác sỹ khám”.
11h30 – “Mẹ ơi con đói”. “Im nào, sáng mẹ còn chưa ăn gì đây này!”.
11h45 – Bác sỹ Hà khám rồi phán: “Chắc sốt siêu vi trùng em ạ’’. Ôi nhẹ cả người. Úi,
nhưng cúm lợn cũng là siêu vi trùng mà! Lại run. “Thôi, đã vào đây rồi, cứ làm xét nghiệm
cúm A và B nhé”- Bác Hà nói.
12h30: Chạy vào căng-tin bệnh viện gọi cái bánh mỳ kẹp cá hộp. Ngồi chờ hơn nửa tiếng,
vẫn không thấy bánh mỳ. Thêm 15 phút nữa, vẫn lặng te. Tức, đã thế bà nhịn luôn. Trước khi
bỏ đi, ngoái lại buông một câu: “Chúng mày làm ăn như thời bao cấp!”. Thế là con bé đành
ăn vã… cái bánh mỳ bà nhét vào túi từ nhà.
14h30: Hai mẹ con thiu thiu ngủ ở phòng cấp cứu. Giật mình nghe tiếng y tá: “Bệnh nhân
Nga Nhi có kết quả dương tính cả cúm A và B”. Trời ơi con tôi, bao đắng cay cuộc đời con
đều lãnh đủ! Bác sỹ Hà xuống xem kết quả. Tiếng bác rền rĩ trong điện thoại: “Này em ơi,
trường hợp của cháu Nhi ghi cả A cả B dương tính là thế nào? Thế cúm A hay cúm B? Cúm
A hả, thế thì viết lại kết quả rồi gửi ngay xuống đây nhé”. Bác quay ra bảo mình: “Cúm A
dương tính nhưng chưa chắc có phải món kia (đến bác sỹ cũng tránh phạm húy!) hay không.
Cứ chuyển đi xét nghiệm tiếp và sang cách ly nhé.” ”Vâng ạ.”
Được cách ly ở Việt Pháp thì tốt quá – mình nghĩ. Tiếng y tá phát lệnh: “chuyển bệnh nhân
Nga Nhi. Tẩy trùng phòng cấp cứu’’, rồi chị y tá quay sang mình: “Thế hai mẹ con định đi
thế nào đây?” “Đi đâu hả chị?’’. “Sang bệnh viện Truyền Nhiễm và Nhiệt Đới. Chỉ ở đấy mới
làm được xét nghiệm H1N1”. “Thế ý chị là mẹ con em phải tự đi ạ?’’. Chị gật đầu. Mình cao
giọng: “Em muốn dùng xe cấp cứu của bệnh viện!’’.
Chưa đầy năm phút sau hai mẹ con chễm trệ trên xe cấp cứu của Việt-Pháp với một cô y tá đi
hộ tống. Ngồi trên xe, nước mắt mình bắt đầu rơi. Thương con thì ít, cay cú bọn Việt Pháp
thì nhiều. Từ ngày con Nhi ra đời, với tập bệnh án nặng bằng người nó bây giờ, nó đã đóng
góp một phần đáng kể vào doanh thu của bệnh viện này. Mình phải chờ gần 3 tiếng để được
làm cái xét nghiệm chỉ tốn khoảng 45 phút, nhưng chỉ mất chưa đầy 10 phút để bị tống ra
ngoài như thể mình đang mang mầm bệnh SARS. Được rồi, phen này bà sẽ tẩy chay….
14:50 – Vào khu tiếp đón ở bệnh viện có cái tên mà phải 2 tuần mình mới nhớ chính xác:
“Viện các Bệnh Truyền Nhiễm và Nhiệt Đới Quốc gia” (thôi cứ gọi là bệnh viện “Truyền
nhiễm” cho gọn). Bà y tá già niềm nở ngay từ cửa: “Tại sao lại vào đây? Phải sang viện Nhi
chứ. Mà ở đây làm gì còn giường”. Cô y tá Việt - Pháp nhỏ nhẻ gì đó, cuối cùng bà y tá già
cũng đồng ý tiếp nhận hồ sơ: “ra kia làm thủ tục đặt cọc 1 triệu đồng rồi quay lại đây”. May
quá, trong túi mình còn đúng 1 triệu 13 ngàn đồng.
15:15 – Ông bác sỹ có giọng eo éo đọc hồ sơ Việt - Pháp chuyển sang rồi phán: “Ở bển làm
test nhanh nên độ nhạy rất cao. Nghĩa là máy có thể đọc cúm A thành cúm B, hoặc B lại
thành A đấy. Thôi, vào cách ly ở đây rồi làm xét nghiệm H1N1 nhé”. Thở phào: Thế là yên
tâm rồi, mình đã đến đúng nơi an toàn!
16h –Y tá dẫn lên “phòng cách ly’’ bằng cầu thang máy trong đó đã có hơn chục người lăm
lăm rọ mõm. Con gái ngó nghiêng rồi cười hồn nhiên: “Cái thang máy này giống nhà vệ sinh
mẹ nhỉ”.
Đến tầng 5. Cửa thang máy mở, mình suýt ngã bổ nhào vào đám bệnh nhân nằm la liệt ở
hành lang. Hãi….
16h15: Hai mẹ con ngồi chờ xếp phòng. Một anh thanh niên dặt dẹo lân la làm quen, “chị cho
cháu bé vào đây làm gì cho lây bệnh ra”. “Cháu là bệnh nhân chú ạ. Thế chú bị cúm lợn à?”.
‘’Không, em bị sốt xuất huyết’’. Choáng... ‘Tôi tưởng chỉ những người nghi cúm lợn mới
vào đây?” “Không, đây là khu nghi nhiễm, nói chung đủ thứ bệnh lây, gọi là khu sàng lọc’’.
Oái….
16h30 : Mẹ con được dẫn vào một phòng rộng khoảng chục mét vuông với 4 giường đã có 14
người chồm hỗm trên đó. Mình được xếp vào giường sát cửa ra vào trên đó cả nằm cả ngồi cả
thảy …3 người đàn ông. Lạy chúa tôi, đến cả trong mơ mình cũng chưa từng tơ tưởng đến
một ngày trong đời mình sẽ được chung giường với những 3 người đàn ông….
Người đàn ông đang nằm ngồi phắt dậy nhường chỗ cho con bé. Dĩ nhiên là mình và ba ông
còn lại đành ngồi bó gối trên chiếc giường rộng tám chục phân ấy.
16h50 : 3 anh bạn cùng giường lân la bắt chuyện. Một anh khoe: “tôi đang chờ kết quả xét
nghiệm đây. 2 đứa con bị nhiễm H1N1 đang nằm dưới kia rồi’’. “Dưới kia?”. “À, ở khu điều
trị tầng dưới”. Mình vội thít chặt khẩu trang, suýt tắc thở…
Một chị cùng cô con gái chừng 8-9 tuổi đang nằm chung giường phía trong với một anh
thanh niên nhanh nhảu bắt chuyện, hỏi con mình học trường nào: “Hanoi Academy à? Có
một bạn tên Đ.M. lớp 2 trường cháu đang nằm phòng bên cạnh, nặng lắm.” Con gái bật dậy:
“Bạn Đ.M. học lớp con!” Thất vọng, cứ hí hửng con mình sẽ được xướng danh là học sinh
đầu tiên của trường nhiễm cúm lợn, thôi giờ đành về ngôi ớ hậu…
17h – Cả phòng nhao nhao nhận kết quả xét nghiệm. Ông bạn cùng giường có 2 con đang
“nằm dưới kia” có kết quả dương tính, thế là được sum họp với các con rồi. Một ông âm tính
được về nhà. Vậy là trên giường mình chỉ còn mỗi một ông. Thất vọng….
17h30 – Mình bắt đầu hoang mang vì cả phòng nói sớm nhất phải 1 ngày mới có kết quả xét
nghiệm. Mếu máo gọi điện cho chồng đang chuẩn bị bay từ Nha Trang ra. Chồng bảo cứ yên
tâm, sẽ có cách.
17h45 - Gọi cho chị nhân sự : “Em chuồn về nhà đây. Phải chờ 1-2 ngày ở chỗ này, không bị
cúm lợn cũng thành cúm heo, lợn lành thành lợn què”. Chị động viên: “Không được trốn. Cứ
bình tĩnh.’’. Mình bắt đầu rưng rưng. Ngu thật, ai lại đi gọi cho nhân sự….
18h – Gọi điện khắp nơi đưa tin nóng, trừ mẹ. Không dám cho mẹ biết chẳng phải vì cái bệnh
tim mạch của mẹ, mà vì mẹ có biệt tài biến những chuyện rất bình thường trở thành bi
thương, huống hồ cái nạn dịch đang nóng hầm hập cả địa cầu này.
18h30 – Y tá phát hai viên thuốc. Lúng túng đi tìm nước cho con uống. Mọi người bảo:
“Xuống siêu thị mà mua”. “Hả ???? Thế ăn ở đâu?’’. “Cũng ở siêu thị, cái gì ở đấy cũng
có.”. “Siêu thị cho khu cách ly này thôi á?”. Không, cho cả bệnh viện Bạch Mai.” Ngã ngửa
người, may có anh cùng giường đỡ vội.
18h40- liều mình phi xuống tầng 1 mua nước. Trời mưa. Lại ngược tầng 5. Y tá dòm vào quát
“Phát thuốc từ nãy giờ không cho con uống!”. Hàng xóm có đầy nước, nhưng ai dám cho và
ai dám xin nước của những kẻ nghi nhiễm?
19h – Xuống siêu thị mua được bình nước. Con bé nhắm mắt uống ực hết nguyên cả viên
Tamiflu.
19h15- Nhân viên y tế đến lấy nước mũi và nước dãi con bé để xét nghiệm. Hẹn 6h chiều
hôm sau có kết quả. Chúa ơi…..
19h30 – Bác Thủy mang cơm vào cho hai mẹ con, đem theo khẩu trang chuyên dụng cơ quan
mình vừa phát. Thay rọ mõm. Con khen: ‘Trông mẹ giống con Khoang’’.
20h – Ăn cơm xong. Con đòi đi tè. Gõ cửa nhà vệ sinh, bác giường bên cạnh đang xì xoẹt.
Bác bị tiêu chảy cấp, cứ 10 phút vào đấy một lần, mỗi lần 20 phút. Thôi đành lén lút cho con
lấy buồng tắm làm nhà vệ sinh.
20h10- Người mình bắt đầu tỏa hương. Tiếc thay ai ai cũng khẩu trang kín bưng nên không
được thưởng thức cái mùi hương trời cho ấy. Đi tắm, nhưng nhà tắm chẳng có móc treo quần
áo. Đành bỏ bộ quần áo sạch vào túi ni-lông treo tòng teng trên cái vòi hoa sen. Vừa treo
xong, cái túi ngã lộn ngửa xuống sàn. Quần áo bẩn hết. Thôi đành làm con chồn hôi vậy. Mà
nhà tắm này đâu phải để tắm. Vòi hoa sen bị ngã gãy cổ đang nằm bất tỉnh trên sàn từ thuở
nào….Cố vớt vát, vặn vòi nước rửa chân. Nước chảy nhè nhẹ vào xô có màu cà phê sữa.
Nước chảy xối xả tạo thêm bọt, cà phê sữa chuyển thành Capuccino.
20h30 – May quá, con bạn cùng cơ quan có bà chị chồng làm ngay trong khoa sàng lọc này.
Chị bảo cứ yên tâm đi, chỉ sáng ra là có kết quả xét nghiệm. Hy vọng chan chứa...
21h –Y tá vào truyền dịch cho con. Chọc 2 phát mới trúng ven, mặc dù con bé quanh năm
suốt tháng nổi ven đầy hai tay hai chân. Ruột đau như cắt. Ước gì được cầm kim chọc vào
mặt ả y tá vụng thối thây kia….
21h 15 – Rỗi việc. Bắt chuyện với anh cùng giường. Anh tự hào giới thiệu là thầy chủ nhiệm
của em học sinh ở trường Lô-mô-nô-xốp là học sinh đầu tiên ở Hà nội nhiễm cúm lợn. Bất
giác, mình đưa tay thít chặt thêm rọ mõm. Chuyển ngay sang gọi anh là Thầy. Thầy rất dễ
mến. Thầy khoe có chục em học sinh đang ở “dưới kia”. Các học trò của thầy sôi nổi năng
động lắm, tối tối các em lại rời khu cách ly ra ngoài sinh hoạt với cộng đồng.
Mình bảo với thầy ra viện mình sẽ viết một bài báo để mọi người biết thực trạng của cái gọi
là cách ly ở đây là gì. Thầy mỉm cười độ lượng. Rồi mình sẽ kiện Việt-Pháp nếu kết quả xét
nghiệm của con mình không phải cúm A như ông bác sỹ ở đây cảnh báo. Thầy lại mỉm cười
nhìn bà mẹ có nhiều hoài bão….
21h30 - Con bé kêu máu chảy ngược lên ống truyền. Gọi y tá. Lại chọc lấy ven khác. Mũi
kim đang luồn trong ven đột nhiên xuyên thủng da con bé làm một lỗ thứ hai rồi vươn thẳng
lên trời, lộ thiên! Tay con mình vẫn còn 2 lỗ cách nhau hơn 1cm. Con bé hỏi tại sao có những
hai lỗ, mình bảo con đấy là kỹ thuật lấy ven đời mới: kiểu kim khâu đột .
22h00 – “Mẹ ơi, nước lại chảy ra ngoài ống”. Lại chọc phát nữa. Sau này, lúc ra viện rồi,
nhìn dáng lẻo khẻo với hai cánh tay đầy vết chích của con bé, đố ai dám bảo nó không phải
con nghiện?
22h10 – Thầy Lô-mô-nô-xốp có kết quả âm tính. Thầy được xuất viện. Mình chúc mừng thầy
nhưng lòng chạnh buồn. Chẳng phải vì thầy không chung giường với mẹ con mình nữa, mà vì
thấy người ta “âm tính” nên mình tủi….Trước khi về, mình không quên xin thầy địa chỉ
email để gửi mấy bài báo mà mình định đăng. Thầy kỷ niệm lại cho hai mẹ con 1 hộp bánh
với 3 cuộn giấy toa-lét.
22h20 - Chồng gọi điện từ sân bay: Ông nội triệu tập cuộc họp đại gia đình khẩn cấp để bàn
kế hoạch tác chiến. Ông là tướng về hưu, từng chỉ huy cả một sư đoàn hùng mạnh thời đánh
Mỹ, trận chiến này phải để tay ông...
23h00- Tắt đèn đi ngủ.
24h – Mắt mình lim dim, hai tai vểnh lên thưởng thức dàn hợp xướng có đủ kèn, trống, sáo
tây sáo ta phát ra từ hàng trăm cái cổ họng của đội nhạc công lão luyện vọng lên từ mấy chục
căn phòng, từ hành lang, từ tầng trên, tầng dưới. Lúc nhanh, lúc chậm, lúc bổng, lúc trầm, lúc
rền rĩ, lúc tắc nghẹn, lúc kèn kẹt, lúc lại diết dóng thiết tha. Bản hòa tấu đêm của Khoa Sàng
Lọc các bệnh truyền nhiễm… nó đặc sắc đến nỗi mình không dám ngủ vì biết rằng sẽ chẳng
có nhiều dịp như thế trong đời, nên phải cố thức mà cảm thụ. Cứ say sưa thưởng thức đến lúc
mê đi…..
Còn nữa...
 
Hạng B2
30/1/07
478
0
16
Tiếp theo & kết thúc :

Thứ Bảy
2h - Giật mình khỏi cơn mê. Dàn hợp xướng bỗng im bặt. Nghỉ giữa giờ? Không phải, tiết
mục lĩnh xướng bắt đầu. Một giọng nữ cất lên cao vút, dễ bà này phải dùng đến 5 cái mi-cờ-
rô: oo….e….ẹ ẹ…..ợ ợ……ụ…ụ…ụ o…oã…ạ.. Lạ lắm, cứ mỗi lần dứt một hơi, giọng bà lại
vống lên thành dấu ngã, rồi chuyển ngay sang dấu nặng. Tiết mục lĩnh xướng trong màn đêm
với ánh đèn tranh tối tranh sáng, nghe rờn rợn ly kỳ như nhạc phẩm “Thriller” của Michael
Jackson.
3h – Phần lĩnh xướng kết thúc. Nghỉ giữa giờ. Dàn hợp xướng lại khe khẽ bắt đầu….
4h - Ngồi dậy đập muỗi chui ra từ gậm giường. Lúc tối xin mượn màn, y tá bảo “ở đây làm gì
có muỗi mà cần màn. Mà ở đây cũng không có màn đâu”. Ừ vài con muỗi chả sao, có phải
muỗi nào cũng truyền bệnh sốt xuất huyết đâu.
Mệt….Hòa giọng với dàn đồng ca đêm.
6h30 - Chồng vào, rọ mõm kín mít, tiếp tế đồ ăn sáng.
Xếp hàng mãi chả đến lượt vào toa-lét. Từ đấy con gái chuyển giường thành nhà vệ sinh. Vệ
sinh xong, giường chuyển thành bàn ăn sáng.
7h30 – Cô giáo gọi: “bạn Đ.M. có kết quả dương tính rồi chị ạ.” Ôi, lo quá!
8h- Y tá phát thuốc, dặn viên Tamiflu phải chia 2 lần một ngày. Chết rồi, hôm qua có ai dặn
thế đâu nhỉ, lại còn giục cho nó uống luôn cả viên. Thế là con uống thuốc quá liều.
11h - vẫn chẳng thấy tăm hơi kết quả xét nghiệm. Thế mà chị bạn mình bảo cứ yên tâm đến
sáng là có. Chồng bắt đầu gọi điện tìm mối.
12h. Chồng mang cơm trưa vào. “Em dặn anh nhờ bà mua tôm tươi sao lại làm tôm khô”?
“Tôm tươi đấy chứ. Anh cho vào lò vi sóng quay, lúc bỏ ra nó lại thành tôm khô”. Á à, hóa ra
chồng nấu, lần đầu trong đời! Con bé nhai trệu trạo, mếu máo cười: “Con thấy ngon đấy chứ
mẹ!”
13h- Chồng vẫn mải miết quan hệ ở ngoài ban công. Có mối rồi: một bác ở Bộ Ngoại giao
quen ông trưởng khoa chống độc Bạch Mai thân với ông phó giám đốc bệnh viện truyền
nhiễm là bạn học với bà phó khoa sàng lọc có thể giúp con mình làm xét nghiệm sớm. Chồng
mình quả là thiên tài!
15h – Bác Hứa văn Suông ở Bộ Ngoại Giao thông báo vẫn chưa gọi được bác phó khoa
chống độc. Chồng ở nhà gọi điện sai mình vào thẳng phòng xét nghiệm mà quan hệ. Mình lò
dò hé cửa phòng xét nghiệm, thấy 3 người ngoài hành tinh xanh lét từ đầu đến gót chân ngồi
giữa một rừng thủy tinh, họ thấy động quay ra nhìn mình chừng chừng. Chết, người ngoài
hành tinh thì quan hệ sao đây? Báo cáo với chồng: “Nó đuổi”.
17h - Nhấp nhổm hết đứng lại ngồi.
19h – Mọi người đang xôn xao ngoài hành lang. Hình như đã có kết quả. Tim mình bắt đầu
loạn nhịp. Chồng ra xem kết quả.
19h10 – Chồng về, hô: “Dọn xuống tầng 2 đi thôi”. Thế là kế hoạch tác chiến của ngài cựu
Sư Đoàn Trưởng bắt đầu hiệu lực.
20h – Tầng 2 hết chỗ. Được xếp lên tầng 3: Khu Điều trị Viêm Gan. Y tá dẫn mẹ con mình
vào phòng có 3 giường đã có chủ nhân: 3 đàn ông! Đúng là tử vi mẹ con mình có cung Hồng
Loan, đi đâu cũng toàn gặp giai là giai.
Một cậu khoảng gần 30 tuổi đang ở trong phòng, niềm nở: “Chị cứ dùng cả hai giường đi.
Hai thanh niên kia chẳng bao giờ có mặt ở đây đâu, ra ngoài hòa nhập cộng đồng rồi”. Ớ,
ớ…..
Mình sục ngay vào phòng tắm kiêm nhà vệ sinh. Có mùi!!!! Nhưng có nước nóng: thế là
được ở khách sạn 4 sao rồi!
22h- Đi ngủ. Nhớ dàn hợp xướng ở khu sàng lọc đêm qua.
Chủ Nhật
6h30 - Giật mình tỉnh dậy. Cái loa chết tiệt, mới bảnh mắt đã eo éo đinh cả tai. Sao lại phát
nhạc vọng cổ vào giờ này nhỉ? Không phải vọng cổ. Chạy ra ban công, dòm. Nhạc sống hẳn
hoi: tò te tí te.Thì ra góc bên phải phòng mình là nhà tang lễ bệnh viện Bạch Mai.
7h – Chồng mang đồ ăn sáng, khoe bác Hứa ở Bộ Ngoại giao lại đang lo giúp thu xếp để con
mình được điều trị tại nhà. Chồng mình quả là người kiên định!
8h30 - Con cặm cụi vẽ. Nhờ có viên Tamiflu quá liều hôm trước, nó dứt sốt ngay tắp lự.
Mình bắt đầu đọc tiểu thuyết tình yêu. Chín năm ròng rã trôi từ ngày lên xe hoa, nay mới lại
được đọc truyện tình.
9h30 - Gọi điện bảo chồng mang laptop vào để viết nhật ký.
10h30 – “Thôi anh đừng mang laptop vào nữa nhé. Cậu cùng phòng vừa bảo em ở đây có
chủng virus cúm mới L1T1, chuyên tấn công máy tính xách tay. Máy nào bị nhiễm là mọc 2
chân trong vòng 2 phút, tự chạy ra khỏi phòng lúc chủ nó ngủ say hoặc đi toa-lét. Thôi một
bệnh nhân là đủ lắm rồi”.
15h –Chồng gọi: Cu Bi bắt đầu lên cơn sốt. Cuộc chiến thực sự giờ mới bắt đầu. Mình không
sợ chiến với con H1N1, mà ngán ngẩm cuộc chiến với quý tử 6 tuổi của mình cơ…
16h - Chồng vác quý tử vào phòng sàng lọc. Lại được xếp vào đúng cái giường cũ đã có hai
người đang nằm. Lấy mẫu nước mũi nước dãi xong, mình vác con xuống khu “dương tính”
cùng với con chị. Ở đây âm dương đâu có cách biệt!
17h - Lại vác con trai lên khu sàng lọc để lấy thuốc. Đi ăn cỗ về mất chỗ mất rồi. Giường
mình đã có một anh Tây đang nằm thù lù. Đi nằm nhờ giường khác vậy.
17h30 – Y tế phường đến tẩy trùng khắp nhà mình. Hàng xóm túm năm tụm ba: “lại vợ
chồng thằng con ông T. đi tây đi tàu mang họa về cho cả làng đây mà!”. Mình thấy oan cho
thằng con ông T. quá. Từ đầu năm đến giờ mình còn được hai chuyến đi Tây: tháng 3 lên Tây
Bắc, tháng 5 vào Tây Ninh, chứ thằng con ông cả nửa năm nay chỉ toàn ở nhà đọc tài liệu rồi
cãi nhau với sếp.
18h -Thằng cu sốt gần 40 độ. Ruột gan mình não nề. Đã thế, chồng lại bỏ đi chơi rồi lao bổ
vào phòng, cười khùng khục trong cái rọ mõm. Máu mình bắt đầu sủi: “Con ốm thế này mà
còn nhăn nhở được à?’’. “Ở phòng bên cạnh có một chị Tây đang nằm chung giường với một
anh Việt Cộng em ạ”. Nhét vội viên đạn vào đít thằng con. Phi sang phòng bên cạnh. Đứng
cửa sổ, dòm…..
Ừ, đúng là Tây thật. Nhưng chả rõ mặt. Thấy mỗi lọn tóc râu ngô ở đầu giường và cái cánh
phản ngoảnh ra ngoài. Giữa gấu áo và cạp quần trễ nải trên cái phản ấy thò ra một mảng lườn
trắng phớ. Tướng phồn thịnh thế này, chắc gái Mỹ đây. Còn cái anh bạn giường kia thì chìm
nghỉm ở … bên trong! Đầu anh bị cái bàn tọa (tục gọi là vòng 3) có chu vi áng chừng mét
mốt của chị che khuất, chỉ thấy mỗi một ống chân còm còm đầy lông đang chống trên giường
thò ra ngoài cái quần đùi kẻ ca-rô. Chiêm ngưỡng cảnh tượng lãng mạn ấy, tự dưng trong đầu
mình phọt ra thơ : “Anh du kích nhỏ giương cao súng. Ả Mỹ lênh khênh choán hết giường”.
Hà hà, ngày xưa Cụ Hồ đi ở tù bị kìm kẹp đủ đường, ức chế quá nó mới phọt thành tập thơ để
đời. Nay mình ở tù tự do hơn ở nhà mà vẫn hỉ mũi ra thơ thế này, mình xứng danh cháu
ngoan của Bác. Hậu sinh khả…ố !
18h10 - Xuống hiệu thuốc mua khẩu trang y tế cho con. Đi qua phòng khám, thấy một thằng
ngồi ở bàn Security đang bán khẩu trang 5 nghìn một cái. Ngứa mắt, xông vào: “Anh ơi, em
vừa mua ở hiệu thuốc cách đây 5m, 10 nghìn 5 cái. Ra đấy mà mua’’. Thằng security nó
lườm. Mình cũng lườm. Security còn bận bán khẩu trang, chả trách L1T1 nó hoành hành trên
phòng bệnh nhân.
19h – Đang đánh vật với thằng con trai, cô y tá chạy sang nhờ vả: “Chị ơi, chị biết tiếng Anh
hỏi anh Tây này hộ em có phải anh ấy muốn mượn cặp nhiệt độ không”. Mình hỏi thì anh
người Ý lắc đầu: ‘Không, tôi không xin cặp nhiệt độ. Tôi xin gặp đốc-tơ’’.
20h - Cậu cùng phòng dương tính ở tầng dưới gọi điện: ‘Chị ơi, về trông con gái nhé. Nửa
tiếng nữa em đi ra ngoài xem đá bóng đây’.
20h10- Lại vác quý tử xuống tầng 3. Cậu cùng phòng quần áo đầu tóc bóng mượt đang đong
đưa với người yêu trên điện thoại: ‘Thôi, em đừng có vào đây làm gì. Phải cách ly tuyệt đối
em ạ. Anh là người sung sướng thật đấy, người yêu cứ nằng nặng đòi vào chả sợ gì vi-rút.
Thằng bạn anh ở phòng bên cạnh vừa bị dương tính một cái, người yêu lặn mất tăm. Ít ra thì
cũng phải nài nỉ em vào anh nhé để người ta bảo thôi đừng mà em chứ lị. Ai lại cạn tình thế’’.
Buôn xong, cậu chào hai mẹ con đi xem bóng đá ở quán cà phê. Đẹp giai thế, ai lại đeo rọ
mõm.
Cậu đẹp giai này bảo cậu vào đây 14 ngày rồi. Ngày thứ hai đã hết sốt và khỏe mạnh như
bình thường. Nhưng chẳng hiểu sao thử lại 3 lần vẫn dương tính. Cậu bảo chắc vớ phải con
vi-zút chúa. Mình bảo đấy là con vi-zút ca-ve.
21h - Hết nước uống. Xuống siêu thị ẵm về một con 10 lít. Thằng security lúc nãy chặn lại:
“Hết giờ thăm bệnh nhân’. ‘’Bệnh nhân đây’’. ‘’Sao không mặc quần áo?’’. ‘’Thế tao đang
cởi truồng à ?’’ ‘’Quần áo bệnh viện!’’. ‘’Thì người nhà bệnh nhân đây’’. ‘’Sao không đeo
thẻ’. ‘’Ai phát mà đeo?’’. ‘’Á à, thế thì biến!’’. Mình chạy vội đến cầu thang máy, bấm một
phát rồi quay đầu lại: ‘’Thằng chó. Im mồm đi.’’. Nó xoạc cẳng chạy về phía mình. Mình cởi
phăng rọ mõm, vẫy tay: ‘Tiến thêm bước nữa đi, chị hôn em đấy. Hay thích chị hắt-xì-hơi
nào, nào?’. Nó khựng lại. Thoát.
23h – Mình ngủ với con gái ở khu ‘dương tính’. Chồng đang trông thằng con ở khu sàng lọc,
gọi: ‘Thằng ranh nó nhổ toẹt viên Tamiflu ra rồi’’. ‘’Đi xin viên khác ngay’’. Lúc sau chồng
gọi lại: “Bọn nó đếch cho. Lại còn mắng không biết dạy con’’.
Thứ Hai
7h – Đang ngủ, bỗng một giai xồng xộc vào phòng rồi nằm phịch xuống giường mình. Mình
ngồi phắt dậy nhìn chòng chọc. Hóa ra đây mới là chủ nhân chính thức của chiếc giường.
Trông cực tay chơi, vàng đeo đầy người. Mình gật đầu chào. Tay chơi gật đầu đáp lại, rồi
quay ra ôm…cái điện thoại: “Có phải anh có nhà số….phố Huế đang bán không ạ? Bao nhiêu
mét? Hướng nào? 2 tiếng nữa tôi đến xem nhà nhé!’’. Ới ông nhà phố Huế ơi, ông hứng sao
quả tạ rồi!
Tay chơi quay ra bắt chuyện, thoang thoảng mùi cồn, kể khổ nằm viện 15 ngày rồi mà thử đi
thử lại mãi vẫn dương tính. Choáng…..
8h – Y tá chạy xộc vào phòng, hô: “Tất cả mặc áo quần áo vào nhé. Viện trưởng chuẩn bị
vào….viếng’’. “Ơ, em đang mặc quần áo mà”. Lườm: “Thế con bé này là bệnh nhân sao
không mặc quần áo bệnh viện?”. “Ở đây làm gì có đồ cho trẻ con mà mặc’’. Y tá chả thèm trả
lời.
8h30 -Viện trưởng vào viếng mỗi phòng dăm phút. Bóng Ngài vừa khuất, mấy thanh niên
đồng thanh: “Một, hai, ba….cởi!’’. Con bé khoái trá cười khanh khách. Nó hứng chí uống ực
hết cốc thuốc đắng ngắt. Không có thuốc cho trẻ con, nó phải uống mỗi lần nửa viên con
nhộng ở dạng bột đắng gần chết. Bái phục!
9h – Chồng báo tin: có lệnh cấm đến văn phòng. May quá, thế là có anh giao liên kiêm hậu
cần. Kế hoạch tác chiến của ngài Sư trưởng quả là hoàn hảo.
9h15 - Con giai tuyên bố: “thuốc đắng không uống!”. Đành tự làm dược sỹ vậy: trộn Tamiflu
với mật ong thành si-rô. Nó chịu uống.
9h45 – Quý tử phun sạch bữa sáng cùng chỗ thuốc vừa uống (TV nói trẻ con uống Tamiflu
thường gây tác dụng phụ là ói mửa, ảo giác). Xin bác sỹ viên khác uống bù. Bác sỹ nói nửa
tiếng là đủ để thuố ngấm vào máu rồi. Y tá ghé tai: ‘gần 200 nghìn một viên lấy đâu mà phát
bù hả em’. Thế là con gái uống quá liều, con giai uống thiếu liều. Biết đâu thế lại hóa may.
11h - Chị y tá trò chuyện mỏi cả tay với anh người Ý. Chị lấy 3 ngón tay vê vê như đếm tiền,
rồi lại lấy 1 ngón chỉ chỉ vào bụng dưới của anh. Anh chàng ngơ ngác: ‘tôi không có tiền’.
Mình lại đành làm thông ngôn: “Ý chị nói là anh phải giữ tiền cẩn thận. Tốt nhất là để trong
người. Chỗ càng kín càng tốt’.
11h30. Anh người Ý có vẻ đói. Chồng mình hỏi anh muốn ăn gì sẽ nhờ hộ lý gọi giúp. Anh
đòi ăn cơm thịt gà. Hộ lý bảo “người ta không đưa một suất cơm, anh chị giúp anh ấy nhé”.
Thôi thế thì đành lá rách đùm lá tả tơi vậy. Từ đó, hậu phương nhà mình gửi ra tiền tuyến
thêm một suất cơm tình nghĩa. Bữa sáng thì mình qua siêu thị để mua cho anh này bánh và
sữa.
13h - Hết giấy chùi. Chạy sang siêu thị. Đang đi bộ trên vỉa hè, tự nhiên một con lợn xổng
chuồng chạy xồng xộc về phía mình. Ba chân bốn cẳng chạy thục mạng, càng chạy nó càng
lao về mình như hóa dại. Mình chạy vòng ra phía sau siêu thị ăn uống Bạch Mai, vừa chạy
vừa ngoái cổ nhìn nó, bỗng vấp phải cái hố ga, thụt chân, đập ngực rồi cả mặt vào thành
hố….rồi chẳng biết gì nữa…
Lờ mờ nghe thấy tiếng người kêu la, rồi tiếng mẹ khóc lóc thảm thiết. Thấy người bị bó cứng
ngắc. Hình như mình đang nằm trong…. quan tài. Rồi nghe rõ mồn một: “Gia đình thông gia
chuẩn bị vào…viếng”. Mình chồm dậy. Lần này nghe còn dõng dạc hơn: “Trân trọng kính
mời gia đình thông gia vào viếng”. Ừ, đoàn thông gia đang vào viếng thật, nhưng ở bên nhà
tang lễ bên cạnh, chưa phải đám ma mình. Hóa ra mình ngủ mơ. Mẹ cha con lợn!
17h- Sếp nhắn tin an ủi. Trước khi về nước nghỉ hè, sếp giao cả đống việc mà mình chả thích
tẹo nào. Giờ có lý do chính đáng để giao lại việc cho sếp. Ai bảo cúm lợn là đáng ghét nhỉ?
18h - Y tá báo tin chiều hôm sau mới có kết quả xét nghiệm của con trai. Thế là thằng bé
phải chờ đợi hai ngày. Bác họ Hứa ơi, bác ở đâu ????
Cóc cần, ẵm con giai xuống khu ‘dương tính’. Thế là cả nhà mình chính thức chuyển địa chỉ
vào bệnh viện Truyền Nhiễm.
Thứ Ba
7h – Yên ắng quá nhỉ. Thấy thiêu thiếu cái gì. À, nhạc sống tò te tí te! Hôm nay chẳng có ai
chết à? Chạy ra hành lang dòm sang nhà tang lễ: vẫn đông nghẹt người. Hôm nay không có
dàn nhạc sống.
9h – Một bác bên Vệ sinh Dịch tễ đến phỏng vấn vợ chồng mình. Trường hợp đặc biệt có cả
hai con nhiễm bệnh nên được quan tâm đặc biệt. Bác hỏi: ‘Nhà ở quận Thanh Xuân hả? Thế
có nuôi lợn không?’’. ‘Dạ, chỉ có mỗi một con 70 cân đang ngồi cạnh bác đấy ạ. Nhà em
không nuôi nó. Nó nuôi cả nhà em đấy!’. Anh chồng tuổi Hợi của mình cười thẹn thùng.
10h – Con vi-zút ca-ve cuối cùng cũng buông tha cậu đẹp giai cùng phòng. Cậu sung sướng
thu xếp về với người yêu sau gần 15 ngày xa cách. Cậu béo ở phòng VIP đối diện cũng được
về đoàn tụ gia đình sau 10 ngày ở khu ‘cách ly’ này. Cậu hoan hỉ ra về, chỉ hơi buồn một nỗi
là mấy hôm trước con iPhone của cậu bị nhiễm vi-zút M1B1 nên nó bỏ cậu nó đi lúc cậu ngủ
quên.
11h – Cả nhà mình rục rịch chuyển từ khách sạn 4 sao sang 5 sao – phòng VIP của cậu béo.
Có một cái TV, nhưng cứ hễ mở ra là lại ra rả liên khúc cúm lợn. Có một cái tủ lạnh nhưng
mình không dám chạm tay vào vì nghe nói con H1N1 có thể sống trong đó được 30 ngày.
Phòng 5 sao có giá 200 ngàn một đêm/bệnh nhân, gọi là phòng ‘’tự nguyện’’. Mình hỏi có
hóa đơn không, chị y tá mắng: ‘Không hiểu thế nào là tự nguyện mà còn đòi hóa đơn hả? Học
cho lắm chữ lắm nghĩa mà tối dạ’.
16h30 - Cậu ở cùng phòng sàng lọc nhắn lên xem kết quả cho con giai. Vừa thoáng thấy
mình, các bác sỹ đã nhận ra ngay. Mình đã trở thành nổi tiếng ở khu sàng lọc này từ khi nào
không biết. Một anh bác sỹ đến an ủi: ‘Mẹ cháu Thành phải không? Cháu có kết quả dương
tính rồi chị a. Thôi cứ bình tĩnh, đừng lo lắng nhé’. Anh thật chân tình, mình thấy cảm động.
19h- Ba mẹ con ăn tối ở phòng 5 sao. Cơm chị Anh nhà bác Thủy nấu ngon tuyệt. Bình
thường chị lười chảy thây, vậy mà giờ chị được phong chức đội trưởng đội hậu cần, chị thức
khuya dậy sớm cần mẫn hết chỗ nói.
Có tiếng người khóc ầm ĩ ở tầng dưới. Chồng bảo chắc lại có người chết ở khu điều trị tích
cực. Khiếp nhỉ, nhưng chắc không phải cúm lợn.
Thứ Tư
Sáng - Con gái có kết quả âm tính. Chẳng ai ngờ nó đã khỏi bệnh trong vòng chưa đầy 5
ngày.
Quý tử ở lại một mình. Nó bắt đầu giở trò. Dù sợ con vi-zút L1T1 phát khiếp, mình vẫn phải
nhờ chồng vác laptop vào cho nó xem phim và chơi game. Mình nghĩ ra một kế chống L1T1 :
dùng laptop để gối đầu khi ngủ. Chả là ở bệnh viện này không có gối, chỉ phát một chăn cho
bệnh nhân. Nếu dùng chăn làm gối thì khỏi đắp chăn. Nếu muốn đắp chăn thì khỏi phải gối.
Chồng đem gối vào viện, bị chặn ở cửa không cho mang vào với lý do: viện đã có đủ!
Chiều - Vùng kín của mình bắt đầu ngứa ngáy từ hai hôm trước. Cố nén, không sờ không
gãi. Nhưng đến bây giờ thì không kìm được nữa, bèn cởi phăng….cái khẩu trang và say sưa
gãi như thể trong đời mình chưa biết đến cái lạc thú ấy. Ừ, cái “tứ khoái” mà người ta vẫn lưu
truyền từ bao đời nay lẽ ra phải là “ngũ khoái” chứ nhỉ! Tại sao người ta lại không coi cái
đang làm mình sướng phát điên lên thế này là một trong những lạc thú lớn nhất của đời
người? Chả thế mà thằng con mình mới 6 tuổi, cứ lên giường đà đòi “Gái, gái!!!! Chố này
này, mạnh vào!”.
Chồng thấy mình đang tự….khoái, quát: “mặc vào ngay, để tơ hơ ra thế mà “dính” thì tự xử
lý đấy nhé. Không ai mang cơm vào cho mà ăn đâu. Sang siêu thị ăn uống Bạch Mai cho
khỏe chân!”. Ức, nhưng vẫn vùng vằng mặc lại cái rọ mõm, làu bàu: “nóng thế này mồ hôi
không thoát ra được, lúc nào cũng… ướt .” Chồng bảo: “đỡ phải bôi kem dưỡng da, giữ ẩm
tốt thế còn gì.”
(chú thích: tiếng Việt của ta phong phú thế, nào là mặc váy, đi tất, đeo cà vạt, đội khăn, khoác
áo, mang giày… nhưng chồng mình vốn tính giản đơn, hễ cái gì dính vào người đều gọi là
“mặc” tuốt. Có lần đi Sài Gòn về còn hồn nhiên khoe: “Hôm qua mấy thằng bạn rủ đi tắm
hơi, anh chỉ mặc mỗi cái…nhẫn cưới”).
Thứ Năm
15h - Sếp lại nhắn tin an ủi. Tuần sau sếp về. Mình nhủ thầm không biết lần này hội ngộ Sếp
có dám ôm mình hôn chút chít như mọi khi nữa không nhỉ. Hôm trước, chị Nhân sự gửi lệnh
khẩn tới toàn thể nhân viên về việc cấm ôn hôn, khi nói chuyện phải đứng cách xa ít nhất 1
mét. Riêng sếp cứ phớt lờ lệnh cấm. Người Hà Lan có kiểu hôn rất hóm: túm cái vai, nghiêng
cái đầu, áp cái má hờ hờ giả vờ hôn ba phát. Riêng sếp mình người gốc Hà Lan, nhiều năm
sống ở Pháp, nên người có nụ hôn kiểu Pháp… lai Hà Lan, nghĩa là cũng túm, cũng nghiêng,
cũng đủ ba phát nhưng không áp má mà tru cái môi chạm vào má người ta cho kêu đánh
“chu….út”. Không kêu, làm lại từ đầu. Mỗi lần sếp đi xa về, cả đám đàn bà con gái ở văn
phòng xếp hàng một, lần lượt chìa má để sếp làm má lúm đồng tiền. Xong, ả nào ả nấy xoa
xoa xuýt xuýt: “he made my day”. Riêng mình thì rú rít: “he made my entire month!”. Thế
nên lúc nào mình cũng mong sếp đi công tác đều đều, dài dài.
16h - Chồng làm thủ tục ra viện cho con gái, được hoàn lại toàn bộ 1 triệu đồng đặt cọc. Vậy
là nhà mình được bao cấp trăm phần trăm. Nếu không chọn phòng “tự nguyện” thì tiền phòng
ở cũng không mất một xu. Mắt mình bỗng rưng rưng, lòng tràn ngập một niềm biết ơn Đảng
và Chính phủ.
Thứ Sáu
Hôm nay vừa tròn một tuần kể từ ngày bắt đầu “kỳ nghỉ”. Chẳng còn gì nhiều để mà khám
phá, mà ớ mà á nữa. Tụt hứng. Đổi món.
Mình vốn xưa nay quen sống hời hợt, thực dụng, thế mà giờ đây bỗng dưng khám phá ra
mình chẳng những biết làm thơ, viết văn, lại còn đam mê triết lý nữa cơ chứ!
Mấy ngày nay mình nhận thấy một điều là hễ ai sa chân vào kỳ nghỉ bất đắc dĩ này cũng bị
hai chữ “dương tính” nó ám ảnh ngày đêm. Trong tiếng Anh, “dương tính” gọi là “positive”.
Từ này trong tiếng Việt thường được dịch thành “tích cực”. Đấy, về sâu xa chữ “dương tính”
nó có mang nghĩa xấu đâu nào! Trái lại, từ “âm tính” là “negative” lại thường được hiểu là
“tiêu cực”. Không, mình ứ thích cái từ này!
Khắp khu “dương tính” mà mình đang ở, người nào cũng ngong ngóng cái tờ giấy xét nghiệm
với hai chữ “âm tính” để được về hòa nhập cộng đồng. Nhiều thanh niên cao to lực lưỡng
nhưng thử đi thử lại mãi vẫn chưa âm tính, họ buồn, họ sốt ruột, họ đi uống bia. Cậu đẹp giai
cùng phòng cũ với mình còn khuyến khích: “chị cứ cởi…. khẩu trang ra đi. Em ở đây được
đúng 2 tuần, coi như sắp âm tính rồi. Chị khỏi lo!”. Có chị ngoài 40 tuổi bề ngoài phốp pháp
ngồi ôm mặt khóc hu hu vì mãi vẫn dương tính, có anh thanh niên nằm ở hành lang hễ có ai
vào thăm lại kêu muốn...chết.
Ấy nhưng lại có đứa trẻ chỉ mới 7 tuổi biết mình mắc bệnh nhưng vẫn vô tư ngày ngày tập
vẽ, tập hát, tập múa, vẫn đều đặn uống hết những viên thuốc đắng ngắt dành cho người lớn,
không một lời than vãn về cái nóng, cái buồn, cái…mùi ở một nơi mà chẳng ai muốn đến như
thế này. Và rồi nó trở thành một trong những người chóng khỏi bệnh nhất ở đây. Nhiều người
bảo nó “điếc không sợ súng”, nhưng mẹ nó lại bảo đó là vì nó có thái độ sống tích cực, nói
theo đúng ngôn ngữ thời cúm lợn, thì đó là thái độ sống đầy…dương tính.
Ừ, sao bây giờ mình mới nghiệm ra cái sự đối lập mà hài hòa một cách hoàn hảo của thuyết
âm dương nhỉ? Đúng rồi, muốn có âm thì phải có dương. Cùng dấu là nó đẩy nhau đấy. Mình
quyết định trở thành dương tính theo cách riêng của mình…..
Thế là mình bắt đầu mon men theo cái vệt triết lý vu vơ ấy. Mình lần xuống tầng 1, nơi cả
dăm chục người vẫn ngồi xếp hàng chờ đến lượt khám, 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần.
Mình nhìn kỹ các bác sỹ, nhân viên y tế và cả mấy gã security nữa. Vẫn những con người ấy,
vẫn những lời nói cử chỉ y như hôm mình đặt chân lần đầu tới đây, mà sao hôm nay họ cứ
khang khác. Họ chẳng khác, họ vẫn thế. Chỉ có mắt mình là khác đi vì nó đã không còn “âm
tính” như trước nữa rồi. Nhìn cả đám người chen lấn, giục giã, chốc chốc lại buông một câu
hỏi ngây ngô như…con cá rô, nghĩ nếu mình mà là bà y tá hay ông an ninh kia, mình không
những cáu bẳn mà không biết chừng còn bợp tai, đá đít bệnh nhân cũng nên. Mình mới ở đây
có một tuần, còn nhiều người trong số họ có lẽ sẽ làm việc ở đây cho đến ngày cầm cuốn sổ
hưu. Họ cũng có gia đình, hàng xóm, vậy họ không sợ lây bệnh truyền nhiễm hay sao?
Có bệnh nhân than vãn với mình: “tôi chờ từ 9h sáng đến giờ 3h chiều vẫn chưa đến lượt”. Ừ
nhỉ, nếu không có “bọn” Việt-Pháp đưa mẹ con mình sang đây, sao mình có thể được lên khu
sàng lọc chỉ trong vòng nửa giờ?
Có em sinh viên ngoại tỉnh nhập viện, không có người nhà cũng chẳng có tiền trong người,
chốc chốc lại có cô y tá đến đòi tiền đặt cọc. Mình thương quá, nhưng trong túi mình còn mỗi
13 ngàn đồng chẳng giúp được gi. Thôi thì lực bất tòng tâm, đành thương suông em vậy.
Lại nhớ bọn con gái ở văn phòng. Mình vẫn ghen với bọn nó là trong cả đám, chỉ nhõn mình
phải sống với bố mẹ chồng. Bây giờ không có ông bà, dễ mà nhởn nhơ ngồi viết nhật ký?
Giờ thì mình lại thương chúng nó đang nơm nớp lo phải đi “nghỉ cuối tuần” như mình. Tuần
tới ra viện, nếu bọn nó vẫn sợ không cho mình đi làm trở lại, mình quyết chuyển sang nghề
chăm sóc bệnh nhân cúm lợn. Thời buổi kinh tế khó khăn, chúng nó có thể thất nghiệp, mình
thì không!
Đang tản mạn với cái triết lý âm dương, tự nhiên mình nghe có tiếng người gào thét xé trời.
Cả khu “dương tính” xôn xao. Chắc lại có người chết? Mình chạy dọc ban công theo tiếng rú,
nhòm xuống phòng cấp cứu tầng 2. Ngay sát cửa sổ là một bà người nước ngoài đang gào
thét giãy giụa điên loạn, xung quanh là một ông “Tây” và khoảng 5 y tá và bác sỹ. Người ta
trói chặt 2 tay bà vào thành giường rồi…đóng bỉm. Một y tá tiêm cho bà cái gì đó, một lát sau
bà này thôi không hú nữa và được cởi trói. Mình bảo chồng: “phục những người làm nghề y,
nhất là ở cái bệnh viện này”. Chồng gật gù: “những người yêu và giỏi nghề này là những
người có phẩm chất hoàn toàn khác rồi’.
Cứ thế, con mắt mình giờ đã thành dương tính hẳn rồi. Mình bắt đầu thân thiện với các y bác
sỹ, thấy họ cũng thật ân cần và lịch lãm. Mình bảo chồng mua sẵn hai hộp bánh thật to chờ
ngày ra viện sẽ dắt con đi cảm ơn và tạm biệt các bác ở cả khu sàng lọc lẫn khu “dương tính”.
Ở đây, hầu như ai vớ được tờ “âm tính” đều cuốn gói chuồn cho nhanh, có khi quên cả...
quần. Mình là người có trước có sau, phải cư xử khác chứ nhỉ!
Thứ Bảy
Chưa có kết quả xét nghiệm của con. Lý do: hai máy chạy suốt ngày đêm, quá tải, một máy
đột quỵ. Thôi, cố chờ.
Chủ Nhật
Vẫn chưa có kết quả. Máy đột quỵ vẫn đang được hồi sức cấp cứu, chưa tỉnh. Chỉ còn một
máy đang ngắc ngoải xét nghiệm cả trăm bệnh nhân ở khu sàng lọc.
Cái con dương tính trong mình cứ trực trườn ngược về âm. Lấy chân đá đánh bụp vào mấy
hộp bánh: “đem về ăn, chả phải cảm ơn đứa đếch nào hết!”. Chồng vỗ về: “Đừng quá khích
thế. Tại máy chứ đâu phải tại người”. Ừ, lúc nào chồng cũng đúng, thế mới lại càng tức!
Bỗng một đoàn cỡ chục thanh niên rầm rập đổ bộ vào hai phòng kế bên. Cả bọn đều dương
tính rồi nên cứ vô tư quên rọ mõm, còn gì nữa mà mất! Còn mình thì cứ tơ hơ với vùng kín bị
ngứa thỉnh thoảng đòi cởi thế này, lần này chắc mình ‘bị’ mất. Quyết định tức thời: chuồn!
Chồng cưỡi con “Fò” đen bóng vào rước hai mẹ con về nơi cách ly an toàn: Ngã Tư Khổ. Là
người đàng hoàng, mình rất ghét hai từ “trốn viện”, nên mình gặp chị y tá để trả lại phòng
VIP. Chị bảo: “trốn viện có chuyện gì xảy ra thì phải chịu đấy nhé.” “Dạ em biết rồi bác ạ.
Con em có chết vì tay các bác em còn phải chịu, chả dám kiện, nữa là vì tay em! Em chào bác
em về cứ”.
Thứ Hai
Sáng nay mới có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm của con trai lấy từ hôm thứ 5 tuần trước. Kết
quả vẫn dương tính, vẫn tiếp tục uống thuốc. Ngộ nhỡ trong 4 ngày chờ đợi vừa rồi nó đã
thành âm tính rồi thì sao? Con mình lại uống thuốc oan rồi. Cho con uống thuốc tiếp thì xót
ruột, không uống thì lo ngộ nhỡ nó vẫn dương tính….Tặc lưỡi, thêm vài viên nữa không chết.
Thứ Ba
Vẫn chửa có tăm hơi. Con vẫn uống tiếp Tamiflu. Cái con dương tính trong đầu mình nó cứ
lăm le trườn về âm, mình nghiến răng kéo tuột nó quay trở lại.
Thứ Tư
Sáng - Chồng từ bệnh viện gọi về: “Cu Bi âm tính rồi nhé”. Nghe thấy thế, thằng bé thản
nhiên mở cửa phòng “cách ly”, chạy xuống nhà hòa nhập cộng đồng.
Chồng về kể chuyện đem hộp sô-cô-la lên tặng các y bác sỹ ở khu sàng lọc. Bác phó khoa
nói: ‘Hay nhỉ. Cảm ơn cơ à? Từ ngày có cúm lợn tới giờ, chưa có bệnh nhân nào cảm ơn
chúng tôi đâu. Anh là người đầu tiên đấy’. Cuối cùng thì nhà mình cũng được là người ‘đầu
tiên’.
Chiều - Sếp gọi điện chúc mừng. “Thế cô thế nào? Định bao giờ đi làm?” “Em vẫn…trơ trơ,
nhưng thứ Hai tuần sau đi làm cho chắc”. “Tôi nghĩ cô miễn dịch rồi. Mai đi làm nhé. Có
mấy việc gấp”. Ghét. Đang định nghỉ ngơi vài hôm. Biết thế giả vờ ốm….
Thứ Năm
Sáng đến văn phòng. Đeo rọ mõm len lén vào chỗ ngồi. Cô bạn người Châu Mỹ La Tinh
trông thấy mình, nhảy xổ tới…vồ. Mình xua tay. Nàng nhớ ngay đến lệnh cấm sờ mó, nhưng
vẫn cố buôn một lúc. Mình phải chuồn ngay. Yêu nhau phải giữ gìn cho nhau chứ nhỉ!
Vào phòng sếp. Sếp giang hai tay định vồ. Mình cũng giang hai tay cách sếp 2 mét, rồi
vồ….lấy cái ghế bành, chỉ tay ra lệnh cho sếp …ổn định chỗ ngồi cách 1 mét. Sếp bảo: “Tối
qua tôi gọi cô mãi không được. Sáng nay gọi cũng không được. Chả là, chả là…tôi cứ nghĩ
đơn giản….nhưng nhiều người lại không nghĩ đơn giản như tôi…họ có lý do hoàn toàn hợp
lý để lo ngại….tôi phải tôn trọng họ….nên tôi định gọi để bảo cô đừng đến nữa. Tôi xin lỗi.”
Mình thấy tội cho sếp, cứ nói đi nói lại từ ‘xin lỗi’, ngại ngần lo mình tự ái (sếp vẫn chưa
hiểu mình nhiều!). Mình bèn bảo sếp: “Dù sao tôi cũng đã mạo muội đến đây rồi, cứ giao
việc rồi tôi đem về nhà làm.”
Trên đường về nhà mình cứ tự hỏi không biết ông Tây này quá hiểu biết để không sợ, hay là
ông ấy quá kém hiểu biểt để mà không biết sợ! Ông ấy cho rằng lẽ ra mình phải phát bệnh từ
cách đây 1 tuần rồi. Ừ, nhưng biết đâu con mẹ này nó chả giống ai, lại ủ bệnh gấp đôi thời
gian người bình thường thì sao nào? Mình cứ tin chắc là mình sẽ phát bệnh và còn mong bị
sớm để được điều trị cùng với con luôn một ‘mẻ’. Nhưng chờ mãi nó chẳng ngó tới mình.
Trong thâm tâm mình biết con H1N1 nó ghét mình. Mình phát hiện ra nó thích bọn giai trẻ
khỏe, sành điệu, uống Tamiflu trộn cà phê, trộn bia và rượu cơ. Cái loại đàn bà chanh chua
như mình, sểnh ra là súc miệng nước muối òng ọc, nó chả thèm.
Tiện đường ghé qua siêu thị Thái Hà mua vài thứ lặt vặt. Lúc chờ thanh toán, một chị đứng
ngay sau lưng mình nói chuyện ông ổng qua điện thoại: “Mẹ à, con nghỉ phép hết tuần. Một
thằng ở văn phòng con có con bị cúm lợn mới xuất viện tuần trước, cứ đến ngồi lù lù, sợ bỏ
sừ. Thôi con ở nhà cho chắn ăn”. Mình không thể nhịn được cười, liền ngoái lại nhe răng
nhìn chị– và đương nhiên là mình không đeo khẩu trang vì mình có bị cúm lợn và đang ở
bệnh viện truyền nhiễm đâu nào! Dĩ nhiên là chị kia cũng tơ hơ không rọ mõm vì đã cách ly
“cái thằng kia”, chắc ăn rồi. Chị ta nhìn mình đang cười ngẩn cười ngơ, chắc nghĩ mình vừa
trốn trại tâm thần….
Đoạn kết
Câu chuyện nào cũng phải có hồi kết. Theo văn hóa Á Đông, thì đó phải là một cái kết có
hậu. Câu chuyện của mình không những kết thúc có hậu, mà còn rất hậu. Cái hậu to nhất là
sau ba tuần, ngoài hai đứa trẻ, nhà mình chẳng có ai bị nhiễm bệnh và cũng chẳng ai sợ cái
bệnh này nữa. Cả đại gia đình gồm 9 người nhà mình đang sẵn sàng cho một kỳ nghỉ thực sự
vào dịp 2-9 tuần tới.
Ngày hai con mình khỏi hẳn bệnh cũng là ngày tựu trường chính thức của Hanoi Academy.
Đó là một cái hậu lớn thứ hai. Các thầy cô hồ hởi đón hai dũng sỹ vừa từ tiền tuyến trở về.
Con giai mình lại đánh vật với môn tiếng Việt, nó chỉ thích học tiếng Anh để về dạy chị Bích.
Con gái thì đánh vật với môn tiếng Anh, vì nó chỉ thích học vẽ để về vẽ chị Bích. Mình đánh
vật với con bé cũng vì tiếng Anh, bởi nó học trước quên sau, nhưng có một câu mẹ chỉ dạy
một lần nó đã thuộc làu làu: Not everything big is strong. Not everything strong is big. Nó
không những thuộc mà còn hiểu ý nghĩa sâu xa của câu này. Sau kỳ nghỉ vừa rồi ở nơi con bé
gọi là ‘Khách sạn Truyền Nhiễm’, nó lại càng thấm thía câu tiếng Anh mẹ dạy.
Những ai biết con gái mình thường chỉ nhớ đến nó như một đứa con gái siêu còm, 7 tuổi nặng
17 cân. Chẳng ai ngạc nhiên khi nó bị mắc bệnh cúm lợn vì nó là đứa trẻ suy sinh dưỡng từ
trong bào thai, đau ốm là chuyện của trời. Ai cũng biết nó là nguyên nhân gây ra bao nỗi lo
lắng, nhọc nhằn cho cả hai gia đình nội ngoại, nỗi e sợ cho láng giềng và cả những người
đồng nghiệp của bố mẹ nó trong suốt hai tuần vừa qua. Nhưng ít ai biết đến nó như một đứa
trẻ có nghị lực phi thường, một đứa trẻ ốm yếu mà suốt bốn năm nay hầu như không phải
dùng đến một viên thuốc kháng sinh. Thứ kháng sinh duy nhất mà nó uống mỗi khi ốm là
nước lá diếp cá trộn với lá chanh, lá nhọ nồi và tía tô bà trồng ngoài vườn. Cái thứ sinh tố
lợm giọng ấy nó đều đặn uống mỗi ngày hai cốc cho tới khi khỏi ốm. Và khi điều trị ở viện
truyền nhiễm, không những uống hết những viên thuốc dành cho người lớn, nó còn uống
ngày 2 lít nước theo đúng lời dặn của bác sỹ. Liệu có bao nhiêu người nặng gấp ba nó uống
đủ từng ấy nước mỗi ngày?
Con bé còm ấy còn trở thành biểu tượng sức mạnh cho đứa em trai của nó, đứa bé gặp ai
cũng vỗ ngực ‘cháu 6 tuổi, chị cháu 7 tuổi. Cháu nặng hơn chị cháu 6 cân’, và khi mẹ
nói ‘con phải thêm: cháu nhát hơn chị cháu 6 lần’ thì nó lại càng hãnh diện. Từ một đứa trẻ
sợ tiêm, sợ uống thuốc, thằng bé đã cương quyết phấn đấu để được khỏi bệnh sớm giống chị
Nhi.
Con bé siêu còm ấy còn có khả năng làm tiêu tan mọi nỗi lo. Nó đã cho mẹ nó thấy rằng,
ngoài cái thế giới đầy bệnh dịch mà mẹ con nó đang sống còn có một thế giới khác – một thế
giới của những câu chuyện cổ thích thần tiên. Ngày ngày, nó dắt mẹ vào cái thế giới
ấy…‘Ngày xửa ngày xưa, có một cô công chúa xinh đẹp. Mẹ cô mất sớm, cha đi lấy vợ
khác….’. ‘con không thích mẹ chết sớm đâu’. ‘Con yên tâm đi, Mẹ không dễ chết thế đâu.
Thế con muốn khi nào mẹ chết?’. ‘Khi nào mẹ đủ già’. ‘Thế nào là đủ già?’. ‘Bằng bà ấy.’
Mình chẳng dám hỏi tiếp là bà nào vì biết chắc nó sẽ chọn bà ngoại vì tóc mẹ mình trắng xóa.
Nhiều năm nay, con bé đã quá miễn dịch với những câu hỏi làm quen: ‘Cháu mấy tuổi rồi?
Sao còi thế? Mẹ ăn hết phần của con rồi à?’. Dù nó đã thuộc làu câu tiếng Anh ‘Not
everything big is strong. Not everything strong is big’, những câu hỏi làm quen chẳng hề ác ý
kia vẫn cứ vô tình làm đau lòng nó, đau lòng cả những người đã trót sinh ra nó. Vậy từ nay,
nếu bác nào gặp cháu thì thay vì hỏi thăm về cân nặng, hãy động viên cháu rằng một đứa con
gái xinh xắn, thông minh và can đảm như nó sau này lớn lên sẽ có nhiều người để nó chọn
làm chồng, không nhất thiết phải đòi cưới bố hoặc em Bi nhé.
Hà Nội, 25/8/2009
 
Hạng F
6/12/08
9.716
33
48
Ukraine
Một thực tiễn đáng buồn hệ thống dịch vụ y tế nước nhà .

Bác nào có bà cả như mợ viết nhật ký chắc cũng buồn
033102bebe_1_prv.gif