Theo các chuyên gia, thông điệp "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lí" của Thủ Tướng mới đây sẽ tháo gỡ tâm lý cho thị trường bất động sản cuối năm đồng thời tạo xung lực thúc đẩy thị trường phát triển.
Tại "Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững" chiều 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lí". Đây là cách tiếp cận phù hợp với điều kiện của nền kinh tế hiện tại.
Thông điệp của người đứng đầu Chính Phủ đã tạo nên một luồng gió mới và tâm lý hồ hởi cho doanh nghiệp trên thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, nếu dòng vốn ngân hàng được kiểm soát một cách hợp lý sẽ giúp thị trường tiếp tục phát triển ổn định trong 2 quý cuối năm.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng một trong những rào cản lớn nhất hiện nay của thị trường bất động sản là dòng vốn.
"Hiện nay, bên cạnh những rào cản về thủ tục pháp lý, bị chi phối bởi khoảng 12 luật liên quan, thị trường bất động sản gần đây còn chịu tác động bởi chủ trương siết chặt tín dụng bất động sản với cả người mua và người bán. Khi tín dụng được mở ra một cách hợp lý sẽ tác động tích cực lên thị trường. Nếu bất động sản phát triển đúng mức, sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô cũng kéo theo", ông Hiệp khẳng định.
Ủng hộ thông điệp của Thủ tướng, tuy nhiên Chủ tịch một Tập đoàn BĐS lớn tại Hà Nội cũng thận trọng cho biết vẫn phải trông chờ vào những chính sách cụ thể từ NHNN và các NHTM. Bởi hiện nay một số ngân hàng vẫn còn hạn chế cho vay với bất động sản. Trong khi đó, theo một thống kê, 70% người đi mua nhà cần tới tiền vay ngân hàng.
"Khó tiếp cận được vốn ngân hàng được xem là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng gây khó khăn cả cho người mua nhà đất lẫn các nhà đầu tư bất động sản", vị này cho biết thêm.
Trong khi ấy, đánh giá về thông điệp mới của Thủ Tướng, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản VARS, cho biết các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn bất động sản dù ngân hàng nói không siết. Theo ông, thời gian qua, vốn để phát triển dự án BĐS, cho người có nhu cầu mua nhà ở thật không nhiều. Đây là bất cập, không tốt cho việc phát triển bền vững thị trường bất động sản.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang trên đà phục hồi tốt, mà chúng ta không dám bơm vốn, thì sẽ mất cơ hội".
Cũng theo tiến sĩ Thiên, dự án tốt cần được tạo cơ hội bơm vốn, còn dự án có vấn đề hay rủi ro thì phải có kiểm soát tốt hơn. Nếu lúc này các doanh nghiệp đang cần tiếp sức, bơm vốn mà chúng ta quá sợ lạm phát không dám bơm vốn, thì các doanh nghiệp đã vốn yếu, lại chịu lạm phát của thế giới cao, sẽ rất nguy cơ.
"Thị trường bất động sản - đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán – rất nhạy cảm với các thông tin "siết chặt tín dụng bất động sản". Phản ứng của thị trường chứng khoán mỗi lần có thông tin như vậy, hàng loạt cổ phiếu nhóm bất động sản giảm giá mạnh", ông Thiên cho biết thêm trên truyền thông.
Bàn về vấn đề tín dụng cho thị trường bất động sản, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: "Chúng ta không siết tín dụng bất động sản, nhưng có chọn lọc hơn dựa theo những đánh giá của phân khúc bất động sản, nhu cầu thực của người dân và xã hội, phân biệt các vấn đề phức tạp, khó khăn của một số dự án điển hình, một số dự án lớn cần quan tâm".
TS. Võ Trí Thành cho rằng, thách thức trong quản lý thị trường bất động sản là "làm sao cân bằng, không thiên lệch trong quá trình phát triển của thị trường bất động sản, chỉ thấy rủi ro, đầu cơ".
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản kiến nghị, nhà nước cần thúc đẩy nhanh việc sửa đổi luật để tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng. Về hoạt động tín dụng, kiểm soát dòng tiền nhưng cũng cần cân đối với việc hỗ trợ các loại hình có lợi cho hoạt động kinh tế tích cực như nhà ở xã hội, du lịch… VARS cũng cho rằng, nhà nước nên tạo hành lang thuận lợi cho kênh phát hành trái phiếu, quỹ đầu tư, tín thác… để đa dạng nguồn vốn.
Xem thêm: