Nhiều biển báo giao thông trên các tuyến đường ở TP.HCM như thách đố cánh tài xế, làm cho không ít tài xế không thể nào chạy xe đúng luật. Hậu quả cánh tài xế phải lãnh là bị cảnh sát giao thông phạt, thậm chí bị tịch thu bằng lái xe, giam xe. Đây thực sự là những cái bẫy đang rình rập cánh tài xế hàng ngày hàng giờ.[/b]
Bẫy giăng khắp nơi
Ngồi uống cà phê với phóng viên, anh Linh vẫn còn tức anh ách vì bị phạt lỗi chạy xe vào đường cấm. Anh cho biết anh là dân Bình Dương, đâu thuộc hết những đường nào cấm ở TP.HCM, chỉ đi theo sự chỉ dẫn của biển hiệu giao thông mà thôi.
Biển báo tốc độ 50 km/giờ được đặt ngay dưới chân cầu vượt bằng thép tại vòng xoay Hàng Xanh trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh)
Mới đây, anh chạy xe 12 chỗ ngồi xuống TP.HCM thăm một người bạn, đang bon bon từ đường Trường Chinh (quận Tân Bình) đi thẳng đến đường Cách Mạng Tháng Tám, khi vượt qua ngã tư Bảy Hiền, anh mới nhìn thấy biển báo cấm xe trên 9 chỗ lưu thông. Anh không kịp đánh tay lái rẽ phải sang đường Lý Thường Kiệt thì đã bị cảnh sát giao thông chốt ngay đó thổi còi xử phạt.
Anh Linh phân trần: “Biển báo cấm đặt ở ngã tư phía bên đường Cách Mạng Tháng Tám, tôi từ Trường Chinh băng qua, làm sao thấy được. Phải vượt qua gần hết ngã tư mới thấy, khi thấy thì đã muộn làm sao xử lý kịp. Đặt kiểu đó chẳng khác nào gài bẫy tài xế”.
Trong số những cái bẫygiăng trên các tuyến đường ở TP.HCM, có lẽ bẫy quy định tốc độ khiến cánh tài xế khiếp sợ nhất. Trên tuyến đường xa lộ Hà Nội (đoạn từ ngã tư Bình Thái đến ngã ba Tân Vạn) được thay đổi tốc độ hai lần.
Đoạn từ ngã tư Bình Thái đến ngã tư Thủ Đức được phép chạy 80 km/giờ, đến đoạn từ cầu vượt ngã tư Thủ Đức đến ngã ba Tân Vạn chỉ được phép chạy 50 km/giờ, nhưng các biển báo tốc độ đặt ở góc khuất và rất nhỏ khiến cánh tài xế lần đầu qua đây khó biết được.
“Khi bước vào ngã tư Bình Thái, tốc độ cho phép chạy 80 km/giờ, tôi không nghĩ ra ngoài ngã tư Thủ Đức tốc độ chỉ còn 50 km/giờ, vì đoạn đường này rộng không thua kém gì đoạn đường trước đó, thậm chí nhà cửa ở đây còn thưa hơn đoạn trước nên tôi cứ vô tư đánh tốc độ giao động từ 70 đến 80 km/giờ mà không để ý đến các biển báo tốc độ, vì các biển báo này nằm quá khuất”. Anh Hùng, chủ một doanh nghiệp trên địa bàn quận 12 lý giải việc anh chạy xe ô tô chạy quá tốc độ bị cảnh sát giao thông ở đây xử phạt.
Trước đó, trên đường Điện Biện Phủ, gần chân cầu Điện Biên Phủ, một biển báo giao thông ghi tốc được được phép chạy là 80 km/giờ
Từ ngày cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Hàng Xanh được đưa vào sử dụng, không ít cánh tài xế bị xử phạt vì lỗi chạy quá tốc độ. Con đường Điện Biện Phủ, đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã tư Hàng Xanh, dài chưa đầy một cây số nhưng tốc độ thay đổi chóng mặt, từ 80 km/giờ xuống còn 50 km/giờ.
Điều đáng nói tốc độ cho phép khi vào cầu vượt bằng thép là 50 km/giờ, nhưng đến ngay chân cầu biển báo này mới được đặt. Anh Thanh, một tài xế xe tải phân trần: đoạn đường này được phép chạy 80 km/giờ, bỗng dưng đến ngay chân cầu vượt bằng thép lại hạ xuống còn 50 km/giờ, nhưng trước đó không có một biển báo nào cho biết đến cầu này chỉ được phép chạy 50 km/giờ để tài xế chủ động giảm tốc độ.
Trong lúc tốc độ đang chạy là 80 km/giờ, đùng một cái giảm xuống 50 km/giờ sẽ rất nguy hiểm, nhất là đối với xe tải càng nguy hiểm hơn. “Đặt biển báo tốc độ như thế, còn người thực thi công vụ lại thường xuyên đứng ngay điểm giao nhau tốc độ để bắn tốc độ, làm như thế chẳng khác nào gài bẫy, canh me”, anh Thanh tỏ ra bức xúc.
Phải có vùng đệm
Chia sẻ về điều này, ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải TP.HCM cho rằng đối với những tuyến đường thay đổi tốc đô chênh lệch cao như vậy cần phải có một vùng đệm. Vùng đệm có thể từ 300m đến 500m cách biển báo tốc độ, làm bằng vạch sơn ở giữa đường thông báo giảm tốc độ để tài xế biết điều chỉnh tốc độ giảm dần.
“Đặt biển báo tốc độ như nhiều nơi hiện nay là chưa hiểu về nguyên lý khoa học. Nếu xe thường xuyên phải giảm tốc độ đột ngột dễ gây hư hỏng, thậm chí có thể gây tai nạn và ùn tắc giao thông. Đó là chưa kể đến việc gây ức chế cho tài xế”, ông Trung nói.
Dù đường rộng thênh thang, nhưng một biển báo giao thông nhỏ xíu được đặt nép bên vỉa hè sẽ rất khó để tài xế phát hiện
Theo một số chủ doanh nghiệp vận tải, trong điều kiện đường xá được mở rộng, nhiều tuyến đường có đến 5, 6 làn xe, nhưng các biển báo giao thông đặt lại đặt ở góc vỉa hè với diện tích nhỏ, rất khó cho tài xế phát hiện ra biển báo.
“Các biển báo giao thông phải rộng từ 1,2m đến 1,4m, chứ không chỉ có 0,8m như trước đây. Hơn nữa, hiện nay nhiều con đường rất rộng, nên đặt biển báo ở giữa đường dọc theo dãy phân cách, giúp tài xế dễ phát hiện”, anh Sơn, chủ một doanh nghiệp vận tải kiến nghị.
Nguồn:
http://motthegioi.vn/xa-hoi/nhung-bien-bao-giao-thong-bay-tai-xe/