Mùa mưa đã tới, chủ xe cần quan tâm tới các bộ phận trên xe như cần gạt mưa, nước rửa kính, kiểm tra phanh, lốp…để có những chuyến đi an toàn, thoải mái.
Khu vực Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và miền Nam đã bước vào mùa mưa. Những cơn mưa trên diện rộng thường diễn ra vào giờ tan tầm và đôi khi kéo dài suốt đêm. Trải nghiệm chạy xe dưới mưa mà tầm nhìn hạn chế thật chẳng dễ chịu chút nào, đặc biệt khi trời tối.
Dưới đây em xin nêu ra các bộ phận cần kiếm tra, thay mới để đối phó với mùa mưa và ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc.
1. Cần gạt mưa
Đối với xe ô tô đi mưa, bộ phận quan trọng nhất hỗ trợ tầm nhìn cho người lái khi trời mưa chính là
cần gạt mưa.
Sau mùa hè nóng bức hay sau thời gian sử dụng, cần gạt mưa có thể bị lão hóa phần cao su trên đó, hoặc trường hợp các khu vực nằm trong tầm hoạt động mà gạt nước bị bỏ sót do lưỡi gạt đã bị cong, ép không chặt vào bề mặt kính chắn gió. Lò xo trên cần gạt nước bị yếu dẫn đến hiện tượng cần gạt bị rung khi hoạt động.
Trên thị trường, cần gạt mưa ô tô chia làm 2 loại chính bao gồm: gạt mưa cao su (giá từ 120-400.000 đồng) và gạt mưa silicon (giá từ 240-500.000 đồng). Nếu muốn sử dụng cần gạt mưa loại “xịn” các bác có thể tìm kiếm sản phẩm của Bosch hoặc Michelin hoặc thay thế tại các xưởng dịch vụ của các hãng xe.
Nên: Kiểm tra và thay thế cần gạt vào mùa mưa để đảm bảo tầm nhìn hiệu quả.
2. Nước rửa kính
Song song với cần gạt mưa,
nước rửa kính cũng góp vai trò không nhỏ trong việc cung cấp tầm nhìn tốt cho tài xế.
Nên: Kiểm tra mực nước và chú ý đổ đầy bình nước rửa kính. Pha thêm dung dịch lau kính để nhanh chóng làm sạch những vết ố trên kính do mưa đầu mùa thường có hàm lượng Axit cao gây ra.
3. Phanh (Thắng)
Một hệ thống khác cũng rất quan trọng cho sự an toàn của chủ xe đó là hệ thống phanh. Bác tài cần chắc ăn rằng các má phanh vẫn đủ lực ma sát và hệ thống phanh tuân thủ các thông số kỹ thuật của nhà sản xuất. Dầu phanh đủ để “bơm” cho quá trình hãm tốc.
Đối với những mẫu xe sử dụng phanh tang trống, sau khi đi mưa và để qua đêm dễ xảy ra hiện tượng phanh dính chặt lại.
Nên: Kiểm tra đất cát, bụi bẩn trên bề mặt đĩa phanh, dùng dung dịch vệ sinh phanh để làm sạch bộ phận này để đảm bảo hiệu quả và tuổi thọ phanh.
4. Lốp (Vỏ xe)
Đây là bộ phận chịu áp lực lớn trong thời điểm mùa mưa, nhất là khi chạy tốc độ cao. Lốp cần đảm bảo đủ độ bám đường trên những đoạn đường trơn hay khi vào cua, đánh lái… nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị rê bánh hoặc mất lái.
Việc lái xe với một bộ lốp mòn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn khi hành trình phanh có thể bị kéo dài thêm hoặc xảy ra hiện tượng mất lái do đường trơn trợt, lốp xe không đủ độ bám cần thiết..
Nên: Kiểm tra độ mòn của lốp cũng như áp suất lốp thường xuyên. Nếu lốp xe mòn hay cao su lão hóa, cần thay thế ngay.
5. Hệ thống đèn chiếu sáng
Một hệ thống đèn chiếu sáng tốt không chỉ giúp cung cấp tầm nhìn tốt trong điều kiện trời mưa mà còn đảm bảo cho người lái xe khác nhận ra được xe các bác khi tham gia lưu thông.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nên thay các bóng đèn zin sang các loại đèn có cường độ sáng cao hơn vì trong quá trình tháo lắp sẽ tạo ra các khe hở dễ để nước mưa lọt vào.
Nên: Làm sạch chóa đèn và kiểm tra hệ thống điện đèn trên xe. Nên bật thêm đèn gầm/đèn sương mù để tăng tầm quan sát/nhận diện khi trời mưa. Hạn chế bật pha khi đi mưa vì gây nguy hiểm cho các xe khác. Chỉ bật pha khi thích hợp (vắng xe).
Trên đây là 5 bộ phận tối thiểu phải được kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên khi sử dụng ô tô vào mùa mưa. Ngoài ra, nếu bác nào kỹ tính hơn có thể kiểm tra các hạng mục khác như gầm xe, gioăng cao su,..
Các bác có kinh nghiệm hay những chia sẻ gì khác để bảo dưỡng ô tô trong mùa mưa, hãy để lại bình luận đóng góp bên dưới. Chúc các bác lái xe an toàn!