Những câu trả lời nghe hết sức vô lí, nhưng tự cho là đúng của một vài cánh tài xế đang dần chứng tỏ cho cái suy nghĩ "uống rượu nhưng vẫn lái được xe" của các anh đã ăn sâu vào trí óc và không có ý định sửa.
Tối ngày 21/5 đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn gần giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị.
Tổ công tác đứng cách các quán nhậu 100m nên các tài xế bắt đầu tìm cách đối phó và bằng những câu trả lời không thể nào vô lí hơn.
"Gửi xe ở quán nhậu rồi mai đi làm bằng gì?"
Sau khi chơi đá banh xong, anh Q. và anh N. rủ nhau đi ra quán nhậu làm vài chai giải khát và nói chuyện. Khi vừa ngà ngà say thì hai anh thấy CSGT và cảnh sát cơ động lập chốt đo nồng độ cồn.
Anh Q. thật thà: “Nếu mấy sếp mà đứng gần quán nhậu thì ai cũng bị dính nồng độ cồn cả thôi.
Chứ có ai đi nhậu mà gửi xe ở quán rồi bắt taxi, xe ôm về đâu. Gửi vậy rồi mai đi làm bằng cái gì. Xui thì chịu thôi”.
Anh N. thì chia sẻ: “
Ủa chẳng lẽ bạn rủ đi nhậu không đi hoặc ra quán nhậu mà không uống. Ai cũng nói uống cố gắng giữ tỉnh táo để chạy về mà nhậu vô vui quá khó mà giữ được lắm.
Tôi biết nhậu vào chạy xe nguy hiểm chứ nhưng mà bao nhiêu lần vẫn về được đến nhà đấy thôi”.
Anh N. cũng bật mí thêm, anh đã vào Sài Gòn mười mấy năm nên rất rành đường, thấy CSGT đứng đường này thì anh đi đường khác hoặc sẽ dắt bộ qua chốt CSGT rồi mới lên xe chạy tiếp.
“Công an bắt thì mình xin đi. Không xin được thì chấp nhận đóng phạt.
Còn không thì cơ quan chức năng dẹp quán nhậu luôn đi là không ai đi nhậu nữa”, anh Q. đề xuất.
Nghe bạn nói vậy, anh N. chỉ lên những người đang bị đo nồng độ cồn ở phía trên nói: “Mấy người này không biết né mới bị bắt nè”. Nói là vậy, nhưng không chỉ anh Q, anh N. mà dân nhậu trong quán B.X đều ngồi cố thủ đến khi CSGT đi nơi khác mới đứng lên đi về.
Cải lí không được chuyển qua năn nỉ CSGT
Khi CSGT đang thực hiện chuyên đề thì phát hiện anh N.K.T (24 tuổi) điều khiển xe Jupiter có biểu hiện say xỉn nên đã mời anh tấp xe lên vỉa hè để kiểm tra nồng độ cồn.
Nồng độ cồn trong hơi thở của anh T. là 0,45 mg/lit khí thở nên CSGT đã lập biên bản. Anh T. cự cãi: “Tôi không uống bia, chỉ uống nước ép nho mua ở siêu thị”.
CSGT lắc đầu: “Nước ép nho sao mà ra nồng độ cồn như thế này được” rồi tiếp tục lập biên bản. Lúc này, anh T. bắt bẻ CSGT: “Các anh đi làm chuyên đề gì, giấy đâu. Máy đo sai, ai kiểm định máy này?”.
Sau một hồi giải thích, CSGT vẫn kiên quyết lập biên bản, anh T. chuyển sang nắm tay, kéo vạt áo CSGT để năn nỉ xin bỏ qua để được lấy xe đi về. Dù vậy, sau cùng, anh T. cũng đành chấp nhận mức phạt của CSGT và cùng bạn đi bộ về.
Trường hợp khác, khi đang đứng ngay giao lộ có đèn tín hiệu, CSGT chứng kiến một người điều khiển xe máy khi dừng đèn đỏ đã không thắng kịp và tông vào người dừng phía trước. Thấy mắt người này lờ đờ, xe lại không bật đèn nên CSGT đã yêu cầu thổi nồng độ cồn.
Đúng như dự đoán, người đàn ông này có nồng độ cồn là 0,39 mg/lit khí thở. Anh ta giải thích: “Tôi vừa từ nhà hàng tiệc cưới bước ra, có uống một ít đang mắc vệ sinh quá nên chạy nhanh, mong các anh thông cảm”. Và dù có lý do gì thì người này cũng bị CSGT tạm giữ xe và đón xe ôm đi về cho an toàn.
Nồng độ cồn là 0.45mg/lít khí thở, thanh niên này vẫn nói mình không uống rượu chỉ uống nước ép nho
Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, Phó Đội trưởng Đội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, cho biết CSGT lập chốt kiểm tra nồng độ cồn gần quán nhậu cũng như một cách tuyên truyền đến người dân khi điều khiển xe là không được sử dụng rượu bia. Nếu điều khiển xe mô tô mà sử dụng rượu bia vượt quá nồng độ cồn cho phép thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong 6 tháng, CSGT đã tuần tra lập biên bản hơn 200 vụ vi phạm nồng độ cồn.
Báo thanh niên.