Mercedes vẫn luôn là hãng xe sáng tạo ra những công nghệ bất hủ...!!!
Chiếc xe hơi đầu tiên mang tên nhà sáng lập Karl Benz nhưng Mercedes lại không phải là hãng lớn thế giới, giống GM, Toyota hay Ford. Mục tiêu mà hãng xe Đức vươn tới không chỉ là doanh số, mà quan trọng hơn là sự sáng tạo để xe hơi ngày càng an toàn, sang trọng và đẳng cấp hơn.
Mercedes luôn tìm cách vượt qua chính mình, vứt bỏ thành công cũ để đạt những giá trị mới và không ngạc nhiên khi hãng này đang sở hữu tới 80.000 bằng sáng chế. Và châm ngôn của hãng này là: "Lái xe chỉ thú vị khi an toàn".
Cân bằng điện tử ESP là công nghệ an toàn hàng đầu hiện nay, góp phần làm giảm một phần ba tai nạn mỗi năm, theo Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA. Tất cả các xe ở Mỹ sẽ phải trang bị ESP từ 2012 cho thấy tầm quan trọng của thiết bị này.
Mercedes CLS tại Việt Nam Motor Show 2011. CLS là sáng tạo của hãng xe Đức trong dòng coupe 4 cửa. Năm 1987, Mercedes và BMW tung ra công nghệ kiểm soát độ bám đường TCS (Traction Control System) với chức năng phanh độc lập ở mỗi bánh và giảm ga giữ độ bám đường cho xe hơi trong những tình huống khẩn cấp. TCS là khởi thủy của ESP, bởi TCS chỉ làm nhiệm vụ duy trì độ bám mà không trợ giúp tài xế đánh lái.
Sau đó, BMW và Mercedes cùng hợp tác với hãng phụ trợ Robert Bosch phát triển TCS lên cao hơn. Nhưng BMW chỉ tập trung vào giải pháp tự động giảm ga để duy trì độ bám. Trong khi Mercedes cùng Bosch nghiên cứu công nghệ duy trì độ cân bằng tự động mang tên tiếng Đức Elektronisches Stabilitätsprogramm (Electronic Stability Programme) sau này thương mại hóa dưới cái tên ESP.
Năm 1995, Mercedes lần đầu tiên đưa ESP lên sản phẩm thương mại, chiếc S600 Coupe là mẫu xe. Kể từ đó, ESP dần phổ biến với nhiều cách gọi khác nhau, tùy theo cách gọi của từng hãng như ESC, DSC (BMW), VSA (Acura), VDC (Fiat), VSC, PSM (Porsche). Dù thế nào thì nguyên tắc hoạt động cũng giống nhau, dựa trên giải pháp của Mercedes. Từ 1999, toàn bộ xe Mercedes đều trang bị ESP, ngoại trừ những dòng xe thể thao đặc biệt.
Hãy thử tưởng tượng đang lái xe trên một con đường quen thuộc. Hôm nay, mặt đường xuất hiện một đám nhớt lớn. Tưởng chừng như vô hại, bạn ung dung đánh lái vào cua như thường lệ. Bỗng dưng xe đột ngột quay tròn, bánh mất độ bám, lực ly tâm làm xe bị văng ra, trăm nghìn điều tồi tệ có thể ập tới sau đó. Một chiếc xe đi ngược chiều xuất hiện, hay bên kia là vực thẳm…
Nhưng nếu xe mà bạn đi được trang bị hệ thống cân bằng điện tử mọi chuyện sẽ xảy ra theo một hướng khác. Ngay khi thân xe có xu hướng bị quay hoặc văng ra do lực quán tính ly tâm vì lực bám giảm. ESC tự động giảm công suất động cơ và phanh những bánh xe thích hợp. Nhờ đó xe vẫn giữ được chuyển động ổn định.
Dù không phát minh ra hệ thống chống bó cứng phanh ABS nhưng Mercedes lại là hãng tiên phong ứng dụng. Năm 1978, S-class là dòng xe đầu tiên trang bị ABS thế hệ thứ hai. Đến 1980, toàn bộ xe Mercedes đều trang bị công nghệ này. Trong khi đó ở Việt Nam hiện nay còn nhiều mẫu xe đời 2011 chưa có ABS.
ABS trên xe Mercedes cũng khác biệt. Hầu hết các xe trang bị ABS theo kiểu kích hoạt hệ thống thủy lực bóp-nhả má phanh, tránh hiện tượng bó cứng khi cảm biết nhận thấy hiện tượng khóa cứng xuất hiện ở bánh nào đó. Nhưng ABS trên Mercedes lại nhận biết sớm hơn, ngay từ khi tài xế nhả chân ga. Các chuyên gia cho rằng khi gặp tình huống khẩn cấp, tài xế sẽ nhả chân ga trước tiên. Vì thế nếu ABS sẵn sàng ngay từ khi nhả chân ga (một cách đột ngột) và kích hoạt khi vừa chạm phanh thì thời gian sẽ sớm hơn 1 giây, tương đương quãng đường 18 m nếu đi với vận tốc 60 km/h.
Khi công nghệ an toàn cho xe hơi tưởng chừng "bão hòa" thì Mercedes tung ra giải pháp an toàn đón đầu Pre-safe cho thế hệ S-class năm 2002. Pre-Safe nâng cao khả năng bảo vệ hành khách bằng một gói những công nghệ được mô tả là "đến tận răng".
Pre-Safe là khái niệm mới về bảo vệ dựa trên nguyên tắc phòng ngừa và không phải là một thiết bị riêng lẻ. Pre-Safe liên kết với những hệ thống an toàn ESP, trợ lực phanh BAS và nhờ vào một tập hợp cảm biến để thu thập dữ liệu để phản xạ ngay khi chớm nhận ra dấu hiệu khởi phát của một mối nguy nào đó.
Phát minh của Mercedes là trợ giúp lái xe bằng cách tận dụng khoảng thời gian vài giây mà trước đây họ thường dùng nhận định và phản ứng một cách bị động.
Khi gặp tình huống khẩn cấp và cần phanh gấp thông qua hệ thống trợ lực phanh, Pre-Safe lập tức ra lệnh cho các dây an toàn siết chặt, giữ tài xế và hành khách hàng ghế trước. Đồng thời, ghế lùi về phía sau, tăng khoảng cách ghế với bảng đồng hồ. Dây an toàn trang bị bộ chỉnh điện có khả năng phản ứng siết chặt chỉ trong vài phần nghìn giây từ trạng thái bình thường.
Ngoài ra, Pre-Safe còn điều chỉnh nệm và lưng ghế chuyển sang tư thế bảo vệ. Ghế sẽ trượt đến vị trí an toàn để vai người ngồi được giữ chắc và tránh đến mức thấp nhất chấn thương nếu phải bung túi khí.
Nếu xe mất lái, Pre-Safe tự động đóng cửa sổ trời và cửa kính, hỗ trợ và tăng tác dụng của túi khí hông khi nó bung ra, trong trường hợp va chạm cạnh hoặc xe lật. Bảo vệ người ngồi không bị văng ra ngoài hoặc cản không cho vật lạ bay vào xe.
Thế giới cũng ghi nhận Mercedes là hãng đầu tiên đưa ra định nghĩa dây an toàn tự siết chặt khi có va chạm, nhằm giảm mức chấn thương do va đập với túi khi hay vô-lăng. Hãng này cũng có bằng phát minh cho túi khí và kiểm soát độ bám đường ở châu Âu.
7G-Tronic là hộp số 7 cấp đầu tiên trên thế giới. Ngoài việc tạo cảm giác lái êm ái hơn thì hộp số này cũng khơi mào cho cuộc đua chế tạo hệ dẫn động nhiều cấp với 8 cấp trên Lexus, BMW hay Multitronic của Audi. Hyundai còn tham vọng hơn khi lên kế hoạch phát triển hộp số 10 cấp.
Trọng Nghiệp
Các bác đọc bài báo
tại đây nhé.