Bạn muốn “tậu” một chiếc xe cho gia đình hay phục vụ cho công việc nhưng túi tiền có hạn, đành phải mua lại xe của một ai đó. Tuy nhiên, trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán xe, bạn cần chú ý một số điều sau.
Thị trường xe riêng thường có nhiều mẫu mã cho bạn lựa chọn hơn và giá cả cũng thường thấp hơn so với xe mua tại các đại lý. Nhưng cần chú ý: chiếc xe mà bạn mua sẽ không được bảo hành trong trường hợp có hỏng hóc. Vì vậy, để chắc chắn không bị mắc lừa mua phải xe “rởm”, bạn cần biết “giải mã” các thông báo bán xe, đặt ra những câu hỏi cho người bán và thử xe thật kỹ…
1. Giải mã các thông báo
Khi đọc các thông tin bán xe trên Internet cũng như trong một tờ báo rao vặt, có một số điều bạn cần lưu ý: nếu thông tin chưa đủ, có thể giở trang sau hoặc click vào phần “xem tiếp” để có thể biết thêm thông tin (nếu có).
Các thông tin cần nắm rõ:
- Mẫu xe: một số mẫu xe có tới 20 phiên bản khác nhau nên giá cả cũng rất khác nhau. Bạn cần xác định sẽ chọn mua chiếc xe nào, phiên bản nào.
- Ngày đăng ký: nếu ngày đăng ký xe không được nêu rõ trong thông báo thì có thể đó là chiếc xe đã quá cũ hoặc ít nhất cũng không còn mới như yêu cầu của bạn.
- Số km đã chạy: nếu trong thông báo không có điều này thì khi xem xe, bạn cần quan sát côngtơ mét.
Nếu đồng hồ đo chỉ số km khá lớn, điều đó có nghĩa là xe đã chạy những cuộc hành trình dài với số lượng điểm dừng ít.
Ngược lại, nếu xe đã cũ mà số km chạy không cao, điều đó có nghĩa là nó được sử dụng chủ yếu cho những hành trình ngắn trong thành phố, một trong những nguyên nhân có thể làm hao mòn hệ thống ống xả, phanh cũng như bộ khởi động, pin và máy phát.
2. Điện thoại hoặc gặp trực tiếp người bán xe
Việc điện thoại hay đến gặp trực tiếp người bán xe tuỳ theo yêu cầu đăng trên thông báo của người cần bán. Bạn cũng có thể điện thoại trước để hẹn gặp họ.
Khi tiếp xúc với người bán, bạn hãy bắt đầu bằng việc xác định danh tính của người bán và chắc chắn rằng tình trạng xe đúng với thông báo (mẫu xe, chỉ số côngtơ, năm sản xuất hoặc đăng ký…). Bạn nhớ hỏi rõ người bán về ngày đăng ký (được ghi rõ trong giấy đăng ký xe).
Một số câu hỏi bạn cần đặt ra cho người bán:
- Lý do bán xe?
- Mua xe khi nào?
- Ai là người lái chiếc xe này?
- Xe đã phải sửa chữa hoặc thay thế những bộ phận nào?
- Nếu là xe qua tay (mua lại của người khác) thì ai là người đã lái chiếc xe trước đó? Một người trẻ tuổi, người về hưu hay một người đàn ông trong gia đình?
- Có giấy bảo dưỡng xe hay không?
- Có hoá đơn mua bán xe không?
3. Lập lại tiểu sử xe:
Bạn cần yêu cầu người bán cho xem mọi loại giấy tờ liên quan đến xe: đăng ký, bảo hiểm, giấy bảo dưỡng, bảo hành… để chắc chắn về chiếc xe mà mình sẽ mua.
4. Kiểm tra xe:
- Khung xe
Thử tất cả các cửa xe: cửa xe mở dễ dàng hay không, cửa xe có thẳng với các khớp nối hay không. Làm tương tự với cốp xe.
Thử các ổ khoá, bao gồm cả các nút bấm mở khoang hành lý.
- Nội thất
Hãy ngồi vào vị trí lái, vị trí hành khách phía trước và tất cả các vị trí khác, thử các độ cao, độ nghiêng của ghế, vôlăng. Kiểm tra các đồng hồ xe và các trang thiết bị tiện nghi khác…
- Lốp xe, bánh sơ-cua
Kiểm tra sườn lốp và độ sâu của rãnh lốp (tối thiểu phải là 2mm). Sau đó kiểm tra tương tự với bánh sơ-cua.
- Đèn xe
Đứng quan sát ở đầu và đuôi xe trong khi người lái bật các đèn xe (đèn pha, đèn nháy, đèn sương mù…).
- Khởi động xe
Yêu cầu người bán khởi động xe và quan sát khói từ các ống xả. Khói xả phải có trong, nếu có màu đen, bạn cần xem lại bộ chế hoà khí của xe. Nếu khói có màu xanh, chứng tỏ động cơ đã cũ, mòn. Nếu khói màu trắng, cần thay khớp nối ở nắp xilanh…
3. Chạy thử xe:
Nếu bạn ưng ý chiếc xe, hãy đề nghị người bán cho chạy thử. Đừng bao giờ thử xe trong gara hay dưới tầng hầm thiếu ánh sáng. Hãy thử xe ở những khu vực rộng rãi và đủ ánh sáng để có thể quan sát mọi thứ cần thiết liên quan đến chiếc xe.
Chạy xe ở các tốc độ khác nhau kể cả chạy lùi.
Phanh xe đột ngột ở vận tốc 30 km/h: 4 bánh cần phải dừng trong cùng một thời điểm.
4. Thoả thuận giá:
Sau khi đã chạy thử và yên tâm hoàn toàn về chất lượng xe, bạn hãy thoả thuận lại giá cả với người bán. Việc mua được xe rẻ hơn bao nhiêu phần trăm so với giá đưa ra ban đầu của người bán tuỳ thuộc vào khả năng "đàm phán" của bạn. Cần chỉ rõ cho người bán về tình trạng xe để có thể thoả thuận được mức giá hợp lý nhất.
Không nên trả tiền ngay: Đừng nên nóng vội trả ngay toàn bộ số tiền đã thoả thuận. Bạn có thể đặt cọc trước một ít tiền cùng với giấy hẹn ngày quay lại, tên và địa chỉ (của cả người bán và người mua). Hai bên ký giấy đặt cọc. Nếu bạn thay đổi ý định, bạn sẽ mất số tiền đặt cọc. Còn nếu người bán thay đổi ý định, họ sẽ phải trả lại bạn số tiền đặt cọc kèm thêm một khoản tiền bồi thường tương đương.
5. Hoàn tất việc mua bán:
Đến ngày hẹn, bạn gặp lại người bạn và yêu cầu họ xuất trình giấy tờ sở hữu xe hợp pháp. Sau khi xem xét cẩn thận hãy bắt đầu ký hợp đồng mua bán xe.
Sau khi đã có hợp đồng mua bán xe, bạn cần hoàn tất việc đăng ký lại chủ sở hữu xe trong thời gian ngắn nhất.