Ngày nay,
đàn piano đã trở thành một loại nhạc cụ phổ biến và dần trở thành sự lựa chọn của nhiều người để tập luyện hay giải trí. Để có thể chơi loại nhạc cụ này một cách thuần thục, hãy chắc chắn rằng bạn đã nắm được các kiến thức piano cơ bản dưới đây.
1. Phân loại đàn piano:
- Đàn Grand piano: là những cây đàn nặng có kích thước lớn, có 3 chân, âm thanh vang xa vô cùng mạnh mẽ. Những cây đàn Grand thường xuất hiện ở những buổi biểu diễn lớn.
- Đàn Upright piano: kích thước nhỏ hơn đàn Grand piano, hình dáng giống như chiếc tủ đứng và có 4 chân. Với kích thước nhỏ gọn, đàn loại này phù hợp với không gian hộ gia đình, quán cafe, phòng trà,...
2. Kiến thức nhạc lý cơ bản:
2.1. Bàn phím: Đàn piano cơ gồm 88 phím, trong đó phím trắng (gọi là phím tự nhiên) tạo ra một nốt nhạc tự nhiên khi nhấn và phím đen (gọi là phím hóa) khi nhấn lại tạo ra một nốt sắc nét hoặc trầm. Trong đó, những phím trắng được xếp cạnh nhau, còn các phím đen sẽ chia thành các nhóm 2 phím đen và nhóm 3 phím đen được ngăn cách bởi các nốt trắng.
2.2. Nốt nhạc: Đàn Piano gồm 7 nốt nhạc cơ bản (các phím trắng) và được ký hiệu lần lượt là A B C D E F G tương ứng là các nốt La Si Đô Rê Mi Fa Sol. Như vậy, trên bàn phím thì nốt A (La) là phím ngoài cùng bên trái và lần lượt là các nốt B C D E F G được lặp lại 7 lần cũng theo thứ tự đó.
2.3. Hợp âm: Đàn piano có 14 hợp âm cơ bản, bao gồm 7 hợp âm trưởng và 7 hợp âm thứ. Hợp âm trưởng được kí hiệu là C (Đô trưởng) D E F G A B và hợp âm thứ được ký hiệu là Cm (Đô thứ) Dm Em Fm Gm Am Bm.
2.4. Trường độ nốt nhạc:
Trong âm nhạc, trường độ là độ dài của một nốt nhạc liên quan đến thời gian tồn tại của sóng âm trong không khí. Trường độ là nền tảng của nhịp điệu và cũng là một đặc tính của nốt.
* Nốt nhạc có hai bộ phận:
– Thân nốt nhạc là hình tròn đặc ruột hoặc rỗng, được dùng để xác định vị trí cao độ của âm.
– Đuôi và dấu móc của nốt nhạc: Đuôi nốt nhạc là vạch thẳng đứng, có tác dụng xác định độ dài khác nhau của âm thanh. Đuôi nốt nhạc có thể quay lên hoặc quay xuống và dấu móc luôn nằm ở bên phải của đuôi nốt.
* Hình nốt và độ dài tương đối giữa các hình nốt:
Mối tương quan độ dài giữa các hình nốt là: nốt đứng trước có giá trị gấp đôi nốt đứng sau.
Nếu: Nốt tròn = 4 đơn vị đo độ dài, thì các nốt còn lại sẽ có giá trị như sau:
Nốt trắng = 2 đơn vị
Nốt đen = 1 đơn vị
Nốt móc đơn = 1/2 đơn vị
Nốt móc kép = 1/4 đơn vị
Nốt móc ba = 1/8 đơn vị
Nốt móc bốn = 1/16 đơn vị
Lưu ý rằng nốt nhạc chỉ biểu hiện mối tương quan về thời gian trong cùng một tốc độ chuyển động.
2.5. Các kiểu nhịp phách phổ biến:
Đối với những người bắt đầu làm quen với thanh nhạc nói chung và những người đang tìm hiểu về kiến thức cơ bản khi học piano nói riêng, nhịp và phách là vô cùng quan trọng bởi đây là hai yếu tố căn bản trong nhạc lý. Cách bạn hát hay chơi bản nhạc đó liên quan mật thiết đến việc bạn có nắm chắc được nhịp và phách hay không.
Tại vị trí đầu bất kỳ một bản nhạc nào, chúng ta sẽ nhìn thấy 1 chỉ số nhịp biểu thị nhịp điệu của bài hát đó, được viết như một phân số.
Nhịp là gì?
Khoảng thời gian chia đều của một bản nhạc gọi là nhịp. Nhịp nằm giữa 2 vạch nhịp.
Nhịp về cơ bản thường sẽ là khoảng thời gian chơi một hợp âm đơn nào đó. Nhưng nếu nâng cao lên một chút sẽ gặp một số trường hợp có 2 đến 3 hợp âm trong một nhịp. Cảm nhận và nắm bắt được hợp âm sẽ giúp chuyển giữa các hợp âm mượt mà và chính xác hơn.
Phách là gì?
Một nhịp được chia đều trong các quãng thời gian thì được gọi là phách.
Trong mỗi ô nhịp sẽ có phách mạnh và phách nhẹ, dựa vào đó để phân biệt được các loại nhịp khác nhau như 2/4, 4/4, 3/4,… Thông qua phách của một bài nhạc, chúng ta sẽ biết được phong cách và nhịp điệu của bài hát đó một cách chính xác.
3. Vị trí đặt các ngón tay
Vị trí đặt các ngón tay rất quan trọng khi học chơi đàn Piano, tương tự với việc học vị trí các nốt nằm ở đâu. Bạn sẽ gặp khó khăn khi chơi lên và xuống âm giai nếu thực hành sử dụng sai phương pháp.
Tính từ ngón cái đến ngón út, các vị trí từ 1 đến 5 sẽ đặt lên các phím đàn theo thứ tự là: C - D - E - F - G. Khi mới tập, bạn có thể sẽ gặp khó khăn với ngón áp út và ngón út vì chúng khá yếu. Cần chú ý đến hai ngón này và cố gắng dùng lực nhấn phím đủ độ sâu như các ngón còn lại. Đặc biệt, bạn nên thả lỏng cơ thể, nhất là hai cánh tay.
Đòi hỏi bạn cần phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa các ngón tay và sự tập trung cao độ khi luyện tập. Bên cạnh đó, trong quá trình đi ngón, các ngón cần phải đặt đúng vị trí thì bài học mới đạt hiệu quả.
4. Những lưu ý cho người mới bắt đầu học piano
- Đừng cố gắng quá sức: Có một kế hoạch học tập với thời gian nghỉ ngơi hợp lý để bàn tay của bạn có thể cảm nhận chuẩn xác âm sắc, va chạm của phím đàn. Không nên quá nóng vội, quyết tâm luyện cho xong, cho hoàn hảo nhất vì thành công không thể xây dựng trong 1 ngày và đôi khi chúng gây nên tác dụng phụ.
- Thực hành đúng và chính xác: Xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc, từ đó mới học nâng cao. Có thể chia nhỏ bài ra thành nhiều đoạn, nhiều câu ngắn để tập cho dễ nhớ. Khi luyện tập, bạn cần chú ý ngón tay, nhạc lý cơ bản để tránh mất thời gian tập sai rồi sửa lại. Lưu ý rằng nên tập đánh đàn từng tay một cho thành thạo trước khi tập đến tay tiếp theo.
- Tìm hiểu tài liệu, phương pháp học tập phù hợp:
- Bạn có thể tìm kiếm tài liệu chứa kiến thức piano cơ bản trên các phương tiện như internet, sách, tivi, từ thầy cô, từ trung tâm… Lưu ý rằng nên chọn những tài liệu phù hợp với trình độ, phương pháp học và trường phái bạn theo học.
- Cần tuân thủ và bám sát lịch học, lịch tập luyện. Cần có thái độ nghiêm túc và thực sự đổ tâm huyết vào luyện tập đánh đàn.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về đàn piano bạn cần biết khi bắt đầu học. Nếu đang có ý định học đàn hoặc đang trong quá trình bước đầu luyện tập, bạn có thể tham khảo và cân nhắc để áp dụng nhé.