Tại Việt Nam, quy hoạch đô thị chủ yếu đóng vai trò là công cụ phục vụ các kế hoạch và chương trình phát triển của các cơ quan nhà nước. Vì lẽ đó, nội dung quy hoạch đô thị chỉ được gói gọn trong tổ chức, xây dựng không gian đô thị. Quy hoạch đô thị được gọi là Quy hoạch xây dựng đô thị.
Quy hoạch đô thị tại Việt Nam thường chỉ làm các công việc của kiến trúc sư: nghĩa là thiết kế, tổ chức xây dựng các không gian đô thị sao cho đẹp mắt, phù hợp nhất với thực tế. Cơ sở các đồ án quy hoạch thường là những chỉ thị, quyết định, các chủ trương đầu tư quy hoạch được phê duyệt bởi lãnh đạo các bộ ngành và cơ quan chính quyền. Hiện trạng phát triển đô thị chỉ có ý nghĩa cụ thể hóa các chủ trương quy hoạch đã được hoạch định bởi các cơ quan nhà nước. Quy chuẩn quy hoạch chỉ mang tính tham khảo bởi mỗi đồ án quy hoạch được phép áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch khác nhau, theo sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Đặc điểm này khiến nhiều cơ quan bộ ngành, quản lý nhà nước trở thành các nhà quy hoạch vì họ được phép ra các văn bản, quy định, yêu cầu; thiết lập các dự án, kế hoạch phát triển; định đoạt nội dung đầu tư sử dụng của các lô đất đô thị - làm nền tảng cho các quy hoạch cụ thể - trong khi họ gần như không bị chi phối bởi luật quy hoạch cũng như không phải xin phép Hội đồng nhân dân các cấp. Vì thế, không có cơ quan nào có khả năng kiểm soát hay chịu trách nhiệm về chất lượng quy hoạch. Quy hoạch thường được lập một cách không nhất quán, thiếu cơ sở, và không hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề đô thị.
Trong giai đoạn 1954-1986, các hoạt động kinh tế tư nhân bị hạn chế tốt đa tại miền Bắc Việt Nam, quy hoạch chủ yếu nhằm đáp ứng kế hoạch phát triển của các bộ ngành. Nội dung quy hoạch hầu như chỉ bao gồm chuẩn bị quỹ đất cho các dự án nhà nước và tổ chức mạng lưới giao thông kết nối các cơ sở kinh tế văn hóa. Tư liệu xây dựng gần như nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của bộ máy nhà nước, ưu tiên dành cho các dự án xây dựng trọng điểm. Mọi lô đất lớn gần đường giao thông được ưu tiên dành cho các bộ ngành, cơ sở sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư.
Quản lý dự án bài bản theo mô hình Liên Xô mới bắt đầu được lập, khởi đầu bằng nghiên cứu, lập quy hoạch chung các thành phố. Tuy nhiên chưa có quy hoạch chung nào được triển khai chi tiết đến mức có thể áp dụng để quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị. Sau năm 1986, nhà nước mở rộng ưu ái cho các dự án đầu tư vốn nước ngoài, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung các dự án khách sạn, khu đô thị mới.
Quy hoạch xây dựng đô thị là bộ môn khoa học kỹ thuật, xã hội, nhân văn, là nghệ thuật về tổ chức không gian sống cho các đô thị và các khu vực đô thị. Nó là nghệ thuật sắp xếp tổ chức các không gian chức năng, khống chế hình thái kiến trúc trong đô thị trên cơ sở các điều tra, dự báo, tính toán sự phát triển, đặc điểm, vai trò, nhu cầu và nguồn lực của đô thị, nhằm cụ thể hóa chính sách phát triển, giảm thiểu các tác động có hại phát sinh trong quá trình đô thị hóa, quản lý dự án tận dụng tối đa mọi nguồn lực, và hướng tới sự phát triển bền vững. Các không gian đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội đô thị cần được quy hoạch phù hợp với phát triển tổng thể kinh tế - xã hội- môi trường, an ninh - quốc phòng.