Đa phần mua xe chỉ để bán lại. Ra đường có va chạm thì xe to đền xe bé. Ngồi xe hơi thì chấp hành luật, xuống xe máy thì không.
Có những thứ, ở Việt Nam, dường như đi ngược với xu hướng tự nhiên, đi ngược quy luật thị trường. Trong đó, liên quan đến xe cộ có một số trường hợp dưới đây, tuy không phải tất cả, nhưng là số đông.
Mua xe để bán - không phải để đi
Người trẻ làm việc, phấn đấu, kiếm tiền để mua xe hơi. Mua xe hơi là để tránh mưa nắng, an toàn cho gia đình, bản thân hơn khi đi xe máy. Xuất phát thì ai cũng nghĩ như thế, nhưng thực tế thì dường như ngược lại.
Trên các diễn đàn, trang báo có rất nhiều những câu hỏi dạng nên mua xe nào, và những câu trả lời tư vấn đều rất hợp lý, nhưng sao thực tế khác xa. Chẳng hạn chọn SUV giá trên một tỷ. Tư vấn trên mạng phần lớn bảo mua Mitsubishi Pajero Sport thay vì Toyota Fortuner. Nhưng khi mua thì đảo ngược, lấy Fortuner bởi lý do muôn thuở "mua xe Toyota sau này bán lại được giá hơn ông ạ".
Chỉ một số nhỏ không quan tâm đến giá trị bán lại, mà thực sự quan tâm tới cảm giác của mình. Có thích thiết kế đó không, xe đó cảm giác lái có "sướng" không. Nếu cứ chạy theo thương hiệu và giá trị bán lại, có lẽ khó có hãng xe nào vượt mặt xe Nhật tại Việt Nam.
Cứ xe to phải đền xe bé
Đó là luật bất thành văn, bất kể ai đúng ai sai. Các nhân chứng sau một hồi sẽ quay lý lẽ về xe bé. Người dân Việt Nam vẫn chưa thể xây dựng được thói quen đi đúng luật. Có tai nạn là xúm đông xúm đỏ, tin tức lan truyền chóng mặt. Vừa mới bảo "xe máy đi sai" nhưng lòng vòng thành ra xe máy đúng. Bởi thói quen bênh người yếu thế.
Ở nước ngoài, nếu đi bộ sang đường không đúng nơi, đúng luật, ôtô đâm thẳng mà không mắc tội hay đền bù.
Ý thức tùy phương tiện
Người không tuân thủ luật lệ đã đành, sợ nhất là những người lúc thế nọ, lúc thế kia. Khi lái ôtô thì giảng dạy không được lấn làn, tạt đầu, chạy quá tốc độ... Nhưng cũng chính người đó khi xuống đi xe máy thì nhảy vào làn ôtô, chạy xe không đội mũ bảo hiểm... Chẳng lẽ chỉ khi đi ôtô mới phải tuân thủ pháp luật?
Những người này như tắc kè hoa, luôn biến đổi bản thân theo phương tiện mà mình di chuyển. Hay vì họ nghĩ rằng đi xe hơi thì ở đẳng cấp khác, phải thể hiện mình thế nọ thế kia, còn đi xe máy thì "bình dân", thì tầm thường nên vô lề vô thói?
Nguồn: Nguyên Khoa
http://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/nhung-nghich-ly-xe-hoi-o-viet-nam-3115742.html