Nếu đậu xe ngoài nắng quá lâu, chúng ta có thể đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn thiệt hại về vật chất. Từ bong tróc sơn xe, cháy nổ đến việc gây bất tỉnh và chết người nếu vô tình để quên trẻ nhỏ trên xe... Hãy cùng otosaigon điểm qua một số rủi ro có thể xảy ra khi phơi xe ngoài nắng quá lâu.[pagebreak][/pagebreak]
Các bác có biết, nếu để xe ngoài nắng trên 1 giờ đồng hồ, nhiệt độ bên trong chiếc xe có thể đạt từ 50-80 độ C. Với nhiệt độ 70 độ C, chúng ta có thể làm được nhiều thứ từ chiên trứng, hâm cơm đến sấy tóc. Tuy nhiên, nhiệt độ này cũng có thể gây phỏng da và sốc nhiệt cho con người, làm chảy đồ nhựa, hỏng hóa chất và làm nổ các bình cứu hỏa trên xe.
# Thiệt hại về vật chất
1. Hỏng sơn ngoại thất:
Nếu xe thường xuyên đậu ngoài trời nắng mà không dùng tấm chắn hay đậu dưới bóng râm thì nước sơn xe chắc chắn bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiệt độ cao sẽ khiến cho lớp sơn nhanh bạc hơn bình thường. Đặc biệt sơn xe càng tối màu thì càng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Nước sơn bị hỏng do ánh nắng
2. Gây cháy nổ xe
Chịu tác động của nhiệt độ cao trong thời gian quá lâu có thể khiến các vật dụng dạng nén khí bị nổ. Quen thuộc nhất là các lon nước ngọt có ga, bình chữa cháy, bật lửa.
Ngoài ra, thực tế cho thấy các chai nước đựng trong lọ thủy tinh, nhựa trong cũng tiềm tàng nguy cơ gây cháy xe. Dưới ánh nắng trực tiếp của mặt trời, các chai nước trong suốt này sẽ đóng vai trò như một kính hội tụ ánh sáng, đốt vào các phần dễ cháy như ghế, bọc táp lô.
Một thí nghiệm cho thấy sự nguy hiểm của chai nước trên xe
3. Hỏng hóa mỹ phẩm
Nhiều người có thói quen để mỹ phẩm và thuốc men trong xe mà không biết rằng dưới tác động của ánh sáng mặt trời và nhiệt độ cao, tính chất của chúng sẽ thay đổi. Đặc biệt là các viên nhộng có lớp bọc nhựa hoặc hoặc hóa mỹ phẩm dạng chất lỏng sẽ dễ hỏng hơn những loại khác.
Do đó, ngoài bộ sơ cấp cứu ra thì không nên cất hóa mỹ phẩm khác trong xe. Bộ sơ cấp cứu cũng nên được bọc trong một hộp chống nhiệt an toàn. Các loại thuốc mang theo xe nên là dạng nén hoặc khô để giảm bớt những tác động gây ra bởi nhiệt.
4. Hỏng lốp xe
Chịu sự tác động của cả ánh sáng mặt trời lẫn nhiệt độ bốc lên từ mặt đường nhựa, vỏ xe sẽ dễ hỏng hơn bình thường. Khi phải đậu dài ngày dưới ánh sáng và nhiệt độ cao, lốp có thể bị sấy khô, mất đi độ đàn hồi phù hợp và có thể phát nổ.
5. Các loại pin
Nhiệt độ khiến cho những cục pin sạc dự phòng, pin trong điện thoại nhanh lão hóa hơn thông thường.
Ngoài ra, ắc quy cũng sẽ nhanh hỏng hơn nếu như chiếc xe bị phơi nắng trong thời gian quá dài và liên tục. Nó sẽ nhanh hết điện hơn bình thường và khiến cho việc khởi động xe khó khăn.
# Thiệt hại về con người
Tại Mỹ, từ tháng 1 đến tháng 5/2018, đã có 6 trẻ em bị tử vong trên xe. Mỗi năm thì trung bình 37 trẻ mất vì lý do này. Nguyên nhân đến từ sự vô tâm và hay quên của người lớn.
Nghiên cứu đến từ hai trường đại học Mỹ là
Arizona State University và
University of California at San Diego School of Medicine cho thấy nhiệt độ tăng cao từ những chiếc xe hơi đậu ngoài nắng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, thậm chí gây tử vong. Nghiên cứu của hai trường đại học này tập trung vào những tác hại với trẻ dưới 2 tuổi - đối tượng dễ bị "bỏ quên" trên xe nhất.
Theo thực tế, có nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ rằng chỉ cần để con trên xe, chạy vào siêu thị mua sắm nhanh rồi ra ngay sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 30 phút - 1 tiếng đồng hồ, dưới sức nóng trên cao và dưới mặt đường, chiếc xe trở thành một "nhà kính" mini, gây sốc nhiệt cho trẻ hoặc thú cưng trên xe. Ở trong xe, cơ thể trẻ tăng lên 40 độ C và không thể giải nhiệt, gây ra chứng thân nhiệt cao (hyperthermia).
Nghiên cứu thực hiện trên 6 mẫu xe thuộc 3 loại: sedan, xe đô thị cỡ nhỏ và xe minivan. Trong 3 ngày thử nghiệm với nhiệt độ 38-40 độ C ở bang Arizona, các nhà nghiên cứu đo được như sau:
- Các xe đậu trực tiếp dưới nắng: Trong vòng 1 giờ cabin trung bình nóng lên 47 độ C. Trong đó, táp lô nóng 70 độ C, vô lăng nóng 53 độ C, các ghế nóng 51 độ C.
- Các xe đậu vào thời điểm tương tự nhưng dưới bóng râm: Trong vòng 1 giờ cabin trung bình nóng lên 37 độ C. Trong đó, táp lô nóng 47 độ C, vô lăng nóng 42 độ C, các ghế nóng 41 độ C.
=> Với nhiệt độ này thì dù đậu dưới bóng râm hay dưới trời nắng trực tiếp thì ảnh hưởng với sức khỏe của trẻ cũng không thay đổi. Do từ 40 độ C là nhiệt độ đã có thể gây ra các chấn thương với não bộ, nội tạng...