Trang bị đèn nhận diện ban ngày trên xe máy được xem là giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, góp phần giảm các tai nạn liên quan xe máy xảy ra vào ban ngày.
Trang bị đèn nhận diện ban ngày được xem là giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới, góp phần cắt giảm từ 15% đến 20% các tai nạn giao thông (TNGT) liên quan xe máy xảy ra vào ban ngày.
Xe máy là phương tiện di chuyển linh hoạt nhưng dễ xảy ra va chạm với các phương tiện khác
Xe máy có đặc thù nhỏ gọn, di chuyển linh hoạt nên trong nhiều tình huống như xe máy đi vào điểm mù, lưu thông từ đường nhỏ ra đường lớn, vượt xe cùng chiều, đi hướng ngược chiều, di chuyển vào nút giao thông khuất tầm nhìn, chạy trên đường cong gắt (bán kính nhỏ có tầm nhìn hạn chế)… người lái phương tiện khác không phát hiện xe máy kịp thời, dẫn đến dễ xảy ra va chạm. Khoảng 70% tổng số TNGT tại Việt Nam liên quan đến xe máy, và 90% nạn nhân bị thương vong là người đi xe máy (Theo Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia - “Báo Cáo Kết Quả Công Tác Bảo Đảm Trật Tự, an Toàn Giao Thông Năm 2019 và Nhiệm vụ Trọng Tâm Năm 2020”).
Đèn nhận diện ban ngày hoạt động ra sao?
Đèn nhận diện ban ngày có 2 loại: Đèn chạy xe ban ngày DRL và Đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO, chủ yếu sử dụng công nghệ đèn Halogen hoặc LED. Trong đó, đèn LED là công nghệ mới sử dụng năng lượng lấy từ máy phát điện của xe máy nên không ảnh hưởng tuổi thọ của bình ắc quy. Ngoài ra, mức hao tốn nhiên liệu ở mức rất thấp, chênh lệch ở mức dưới 1%, do đó chi phí phát sinh với người sử dụng xe máy có đèn nhận diện ban ngày ở mức gần như là không đáng kể.
Hơn thế nữa, nhà sản xuất thiết kế và trang bị đèn nhận diện ban ngày với công nghệ LED không gây lóa mắt, khó chịu cho người đối diện và rất phù hợp để sử dụng phương tiện trong các đô thị đông đúc,
Đèn nhận diện ban ngày công nghệ LED tiết kiệm nhiên liệu, không gây loá mắt cho người tham gia giao thông
Khi xe máy được trang bị đèn nhận diện ban ngày, người điều khiển phương tiện khác trên đường dễ nhận diện được người điều khiển xe máy, giúp tránh các vụ TNGT với nguyên nhân “nhìn nhưng không thấy” do người điều khiển các loại phương tiện khác không nhận thức được sự hiện diện của xe máy trên đường.
Đồng thời, đèn còn tăng tính nhận diện các phương tiện trong các điều kiện thời tiết xấu (sương mù, bụi, mưa, mây mù). Nhờ đó, giúp bảo đảm an toàn, tránh được các rủi ro va chạm cho người điều khiển phương tiện.
Minh họa một số tình huống mà giải pháp đèn nhận diện ban ngày phát huy tác dụng:
[TVC 90s]
Tình huống người điều khiển xe ô tô chú ý và giảm tốc khi phát hiện xe máy có đèn nhận diện ban ngày lao ra từ đường nhánh
Tình huống người điều khiển xe ô tô chú ý và giảm tốc khi phát hiện xe máy chạy trên làn ngược chiều đang vượt xe nguy hiểm
Tình huống người điều khiển xe container chú ý và giảm tốc khi phát hiện xe máy đi phía sau đang vượt xe nguy hiểm
Tình huống người đi bộ chú ý và đi chậm lại hoặc dừng lại khi phát hiện xe máy bị che khuất bởi xe ô tô đang lao đến nút giao với tốc độ cao
Hiệu quả an toàn khi sử dụng Đèn nhận diện ban ngày
Đèn nhận diện ban ngày có thể phát huy tác dụng tránh va chạm trong nhiều trường hợp và được minh chứng bởi các nghiên cứu trên thế giới.
Tại bang Califoria (Mỹ), Luật bắt buộc xe máy trang bị đèn nhận diện ban ngày vào năm 1978 đã cắt giảm được từ 20 – 25% các vụ TNGT xảy ra vào ban ngày liên quan đến xe máy.
Đèn nhận diện ban ngày đã và đang là xu hướng được các nước Đông Nam Á có cùng điều kiện thời tiết và giao thông như Việt Nam triển khai và áp dụng.
Tại Thái Lan, từ năm 2003, Chính phủ Thái Lan đã áp dụng Quy định bắt buộc các xe máy phải sử dụng đèn nhận diện ban ngày khi lưu thông. Tỷ lệ các xe máy có đèn nhận diện ban ngày tại Thái Lan đạt trên 80% vào năm 2014, chính sách này đã góp phần làm giảm tới 20% số TNGT liên quan tới xe máy tại Thái Lan trong thời gian gần đây.
Ở Malaysia, tỉ lệ xe gắn máy chiếm hơn 50% các loại phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến người đi xe máy chiếm hơn 2/3 tổng số vụ TNGT. Từ khi chính phủ Malaysia đã áp dụng Quy định bắt buộc xe máy phải sử dụng đèn nhận diện ban ngày khi lưu thông đã và đang mang lại nhiều kết quả khả thi trong việc cắt giảm tỷ lệ các vụ TNGT xảy ra vào ban ngày liên quan đến xe máy.
Sử dụng đèn nhận diện ban ngày – một trong những giải pháp hiệu quả tăng tính an toàn cho người tham gia giao thông
Việc trang bị đèn nhận diện ban ngày cho xe máy ở nước ta là rất cần thiết để tăng tính nhận diện và an toàn cho người tham gia giao thông. Tại Việt Nam, Cục An Toàn Giao Thông chưa có công văn bắt buộc, nhưng đã khuyến khích các nhà sản xuất xe máy trang bị tính năng tự động này cho xe và lộ trình trong tương lai sẽ bắt buộc xe di chuyển ban ngày phải sử dụng.