Nếu mỗi người chỉ cần nhớ và áp dụng hai chữ đơn giản: “nhường” và “chờ” mỗi khi chạy xe ngoài đường, tôi tin chắc chúng ta có thể giải quyết khá tốt tình trạng kẹt xe hiện nay, hoặc các vấn nạn giao thông khác như giao thông hỗn loạn hoặc tai nạn.
Ba vấn đề liên quan mật thiết với nhau tạo ra hỗn loạn giao thông ở Việt Nam chính là: cấu trúc đô thị, đường phố; đặc điểm phương tiện đi lại; ý thức và việc nắm vững luật lệ.
Những nguyên nhân chúng ta thường nhắc đến như đông xe, thi công đường, các chính sách luật lệ liên quan, ý thức giao thông, trách nhiệm của cơ quan chức năng, … theo quan điểm của tôi dường như là những nguyên nhân phụ.
1. Đặc điểm cấu trúc đô thị của Việt Nam.
Đây là một trong những yếu tố cơ bản hình thành nên tình trạng giao thông hỗn loạn hiện tại. Hầu hết các thành phố lớn tại VN đều thiếu quy hoạch từ đầu, đặc điểm chủ yếu là:
- Đường đa số là đường nhỏ. Quy mô đường lại thiếu hợp lý, chỗ đông thì đường nhỏ, chỗ vắng thì đường lớn.
- Nhiều ngõ hẻm và đường nhỏ giao cắt với đường lớn. Nếu để ý thì chỉ cần 1 đoạn đường ngắn chừng 1 km đã có đến gần chục điểm giao cắt, mà ở đó không thể bố trí đèn giao thông vì quá nhỏ. Nếu không phải là điểm giao cắt (ngã tư chẳng hạn), thì là giao với 1 con hẻm đâm ra.
- Nhà cửa theo dạng nhà phố nhiều, san sát nhau với rất nhiều hẻm nhỏ đan xen qua lại. Do đó, cấu trúc đường giao thông nói chung là không đồng nhất.
Chính vì những đặc điểm trên mà giao thông của chúng ta diễn ra trong không gian mặt phẳng n chiều (trên mặt phẳng đường). Trong khi về nguyên tắc, chỉ có 2 chiều, và 2 chiều này không thể xảy ra đồng thời tại một vị trí cụ thể. Tôi tin chắc những ai đã từng chạy xe trên đường đều phải để mắt quan sát mọi góc độ xung quanh mình. Bởi vì bất kỳ góc nào cũng có thể nhô ra một chiếc xe, với vị trí và hướng bất kỳ, bất kể là đang theo chiều nào. Ít lộn xộn nhất là đường 1 chiều, song cũng vẫn tồn tại 2 chiều (với chiều đi ngược, chưa kể chiều đâm ngang từ trong ra do nhiều hẻm giao cắt). Ở nước ngoài, có những đoạn đường phải chạy hàng cây số mới đến được chỗ quay đầu hoặc giao lộ. Do đó, ở Việt Nam, chỉ cần thiếu ý thức giao thông một chút là có đủ điều kiện thuận lợi khách quan để gây rối loạn giao thông.
Rõ ràng là, vấn đề này thực khó giải quyết, vì nó xuất phát từ tính chất phát triển đô thị tự phát của chúng ta bao nhiêu năm nay. Tất nhiên nếu đô thị nhỏ (như thị trấn, thị xã) với số lượng xe ít thì cấu trúc này ít gây ảnh hưởng như các đô thị lớn.
2. Đặc điểm phương tiện giao thông của Việt Nam:
Phần lớn người Việt sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông chính, do tính cơ động (và chi phí) của nó. Song chính tính cơ động này của xe máy là một trong những yếu tố gây hỗn loạn giao thông.
Bạn nào từng lái ôtô chắc cũng biết, người lái phải cân nhắc nhiều yếu tố trong lúc chạy xe, phải tính toán đường đi, hướng đi, canh trước, canh sau, trái phải, … sao cho hợp lý, vì ôtô rất kém tính cơ động, gặp đường nhỏ mà canh sai có khi loay hoay mới thoát ra được. Còn xe máy thì khác hẳn. ở mọi vị trí, tình huống, xe máy đều xoay xở được.
Với ôtô, trên đường 2 chiều, chỉ có thể chạy 2 chiều này (có chăng thêm chiều đi từ hẻm ra chẳng hạn). Với xe máy, tương tự như phần trên đã đề cập, không có bất kỳ giới hạn số chiều nào. Nói theo ngôn ngữ toán học, xe máy có thể chạy theo n chiều, với n từ 1 đến +∞. Chính yếu tố này đã khiến xe máy góp phần quan trọng tạo nên sự hỗn loạn giao thông. Thực chất số lượng xe tham gia giao thông không phải nguyên nhân chủ yếu, vì nếu ai cũng giữ đúng hướng chạy, tuyệt đối không chuyển làn tự do, quay đầu mọi lúc, mọi nơi (làm sao để lái như lái ôtô), thì dù đông xe, cũng chỉ chậm đi, chứ không tắc đường như Việt Nam đang gặp.
Rõ ràng, chừng nào xe máy còn là phương tiện chủ yếu như hiện nay, và cách thức điều khiển xe không thay đổi khi tham gia giao thông, bài toán giao thông vẫn khó mà giải quyết triệt để.
3. Chúng ta có biết vận hành xe trên đường phố không, hay thực chất phần đông chúng ta chỉ biết điều khiển chiếc xe máy có động cơ?
Có lúc tôi ngồi quan sát hai người thợ xây dựng chơi 1 ván cờ tướng. Từ lúc khai cuộc đến khi kết thúc thắng thua, cả hai đều thể hiện sự am hiểu cách chơi ván cờ, từ cách đi từng quân như Tướng, Xe, Pháo, Mã, Tượng, Tốt, …, cho đến các chiến lược, kỹ chiến thuật, … Không có anh nào đi sai bất kỳ nước nào mà nước đó không được quy định trong luật cờ tướng. Dù là cao thủ cờ cho đến những người yêu thích môn cờ nghiệp dư như 2 anh thợ xây dựng ở trên, đều nắm vững luật chơi như nhau. Khác biệt ở đây chỉ là trình độ vận dụng kỹ chiến thuật trong ván cờ.
Có bao nhiêu người trong chúng ta, khi lái chiếc xe máy ra đường, có thể nắm vững quy tắc luật lệ đi đường, các quy tắc ứng xử trong giao thông? Chúng ta biết chiều nào đi được, biết đọc biển báo giao thông, biết các quy tắc xử lý trong các tình huống khác nhau ? Làm thế nào chúng ta cũng có thể tuân thủ luật “chơi trên đường phố” tương tự như luật chơi trên bàn cờ ở trên?
Có nhiều “luật chơi” đơn giản trong giao thông nhưng tôi tin chắc phần lớn chúng ta ai cũng bỏ qua:
- Khi đến ngã tư, nhường cho xe bên phải (chúng ta không bao giờ nhường).
- Khi gặp giao lộ, giảm ngay tốc độ (chúng ta thường tăng tốc để vượt. Có lẽ chỉ có Việt Nam khi đến điểm giao lộ nguy hiểm thì tốc độ phương tiện lại tăng lên đáng kể !).
- Khi gặp vật cản phía trước (xe máy, ôtô, xe buýt, …), dừng xe lại, chờ hết vận cản rồi đi tiếp (chúng ta hiếm khi chấp nhận bỏ vài phút, thậm chí 1 phút, để chờ cho tình huống đi qua rồi lái xe đi tiếp, mà ưu tiên của hầu hết mọi người là vượt qua trước, bất kể có lấn tuyến hay không, bất kể đang gấp hay đang rất rảnh).
- Khi đang chạy xe, muốn đi lệch qua trái, phải nhìn phía sau, xin đường, từ từ chuyển qua (trong khí đó chúng ta có thể chuyển làn, chuyển hướng bất kỳ lúc nào ta thích, bất kể người đi sau có thể phải phanh đột ngột trước cú “cắt mặt” này).
Có hai vấn đề phải suy nghĩ trong việc này:
- Một là, ý thức giao thông của chúng ta rất kém. Có lẽ kém nhất trên thế giới.
- Hai là, chúng ta tham gia vào một hệ thống phải có luật chơi điều khiển, nhưng hầu hết không nắm được luật chơi. Xã hội không chú trọng trang bị luật chơi cho người tham gia, bản thân người tham gia chỉ ngồi lên xe là bắt đầu chạy vào đường, mà không hề quan tâm đến hệ thống luật chơi (như khi chơi cờ chẳng hạn). Luật chơi (ở đây là luật giao thông) không được sử dụng trong hệ thống giao thông hàng ngày, chẳng khác gì chơi ván cờ mạnh ai nấy đi không theo quy tắc luật lệ nào. Rõ ràng không dẫn đến tắc đường kẹt xe mới là chuyện lạ.
Tôi từng chứng kiến nhiều cảnh trên đường như:
- Một người dừng xe chờ đèn đỏ, tiện tay rút điện thoại ra nghe, và cứ thế đứng giữa ngã tư nói chuyện tỉnh bơ, dù đèn xanh đã bật, mặc cho phía sau kẹt lại.
- Một ông bố chở theo 2 đứa con, tỉnh queo vượt qua ngã tư đang đèn đỏ. Không có chút e dè, áy náy nào trong thái độ vượt đèn quyết liệt của ông ta.
- Một cô nàng xinh xắn dừng xe giữa đường mua đồ từ lề đường (đường nhỏ, phía lề đường có người khác đang đậu xe cũng đang mua đồ), mặc cho các xe bị vướng lại và ùn tắc.
Các bạn chắc chắn có thể liệt kê ra vô số tình huống khác tương tự trên đường phố. Và trong chúng ta chắc chắn không ít lần phạm phải những sai sót đó.
Một lần nữa, tính cơ động của xe máy lại gây họa. Vì quá linh hoạt, nên chúng ta không cần phải quan tâm nhiều đến luật lệ như khi lái xe ô tô. Để thoát 1 tình huống, xe ô tô có thể mất vài phút, còn xe máy chỉ cần 5 giây là xong. Do đó, vấn đề thứ ba này có liên quan chặt chẽ đến vấn đề thứ hai ở trên (đặc điểm phương tiện giao thông).
Chúng ta có thể dễ dàng truy hỏi các vị Bộ trưởng Giao thông vận tải là tại sao ông không thể trả lời khi nào hết tắc đường, nhưng tôi tin chắc ngày nào mỗi chúng ta vẫn điều khiển xe ngoài đường theo cách hiện tại, thì có đem hết nhân tài trong thiên hạ ngồi vào vị trí đó, cũng không tài nào trả lời được câu hỏi này.
Chúng ta không thể ngày một ngày hai thay đổi cấu trúc đô thị cho hợp lý hơn, lại cũng khó mà thay đổi được đặc thù trong việc sử dụng xe máy như phương tiện giao thông chủ đạo, thì có lẽ chỉ có cách tự thay đổi ý thức và cách thức điều khiển xe máy mỗi khi ra đường, đối với cá nhân mỗi người.
Nếu mỗi người chỉ cần nhớ và áp dụng hai chữ đơn giản: “NHƯỜNG” và “CHỜ” mỗi khi chạy xe ngoài đường, tôi tin chắc chúng ta có thể giải quyết khá tốt tình trạng kẹt xe hiện nay, hoặc các vấn nạn giao thông khác như giao thông hỗn loạn hoặc tai nạn. Nếu mỗi người sẵn sàng nhường đường cho người khác đi, hoặc sẵn sàng chờ đợi trước các tình huống xảy ra trên đường, thì tôi tin chắc các bạn cũng sẽ đồng ý rằng, chúng ta sẽ cải thiện rất nhiều tình trạng giao thông. Hai chữ này tôi nghĩ người nước ngoài vốn có ý thức từ trong máu của họ, trong ý thức chung của toàn xã hội, trong văn hóa ứng xử. Chính vì vậy, chúng ta ít thấy tình trạng vô tổ chức trong xã hội nói chung hay trong giao thông nói riêng ở các nước phát triển.
Dĩ nhiên, phải đồng bộ với những biện pháp phụ khác mà chúng ta vẫn thường hay nhắc tới, như quy hoạch sắp xếp hợp lý, hạn chế thi công đào đường ẩu, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, …. Các nguyên nhân này trước giờ chúng ta cũng đã bàn nhiều, trong bài viết này tôi chỉ muốn chia sẻ thêm một cách nhìn khác về vấn nạn giao thông này.
Phạm Anh Tuấn(vnexpress.net)