Nissan đã chọn cách tiếp cận hoàn toàn khác đến công nghệ pin nhiên liệu trên xe hơi so với 2 hãng đi tiên phong trong lĩnh vực này là Toyota và Honda. Thay vì chọn nhiên liệu đầu vào là hydro được nén ở áp suất cao, công nghệ pin nhiên liệu oxit rắn mà Nissan đang phát triển sử dụng bio-ethanol (ethanol sinh học) để biến đổi thành năng lượng điện.[pagebreak][/pagebreak]
Trong khi phạm vi hoạt động trung bình của những chiếc xe EV (Electric Vehicle) chạy điện hoàn toàn là vào khoảng 500 km, thì công nghệ pin nhiên liệu oxit rắn - SOFC (Solid Oxide Fuel-Cell) chạy từ bio-ethanol của Nissan có thể giúp 1 chiếc xe chạy được một quãng đường hơn 600 km mới cần nạp lại nhiên liệu. Nissan cũng cho biết là những chiếc xe chạy pin nhiên liệu oxit rắn từ bio-ethanol của họ có chi phí hoạt động chỉ cao hơn một chút so với xe EV chạy điện hoàn toàn bình thường, và vào khoảng 1/3 chi phí của những xe chạy xăng.
Ưu điểm của công nghệ pin nhiên liệu oxit rắn của Nissan so với công nghệ pin nhiên liệu hydro của Toyota và Honda là nó phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện có, cũng như nguồn nguyên liệu tổng hợp dễ kiếm. Công nghệ pin nhiên liệu hydro yêu cầu chi phí đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng hoàn toàn mới và cách bảo quản hydro dạng nén khá phức tạp.
Tuy nhiên, công nghệ pin nhiên liệu oxit rắn của Nissan có phần phức tạp hơn do phải chuyển nhiên liệu Bio-Ethanol thành hydrogen, rồi từ hydrogen mới chuyển thành năng lượng điện năng để giúp chiếc xe chạy được. Trong khi đó công nghệ pin nhiên liệu hydro của Toyota và Honda chỉ có 1 bước là biến đổi nguồn hydrogen đầu vào thành điện năng. Những xe EV chạy điện hoàn toàn như Tesla thì không yêu cầu quá trình biến đổi nào cả vì năng lượng nằm bên trong bộ pin. Nhưng thời gian sạc pin của xe EV mất thời gian hơn rất nhiều so với cách nạp nhiên liệu của các loại xe chạy pin nhiên liệu.
Công nghệ pin nhiên hiệu oxit rắn hiện đang được Nissan hoàn thiện thêm. Mục tiêu của Nissan là sẽ thương mại hóa công nghệ này vào sớm nhất là năm 2020.