Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định chủ xe chưa chưa xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực TTATGT đường bộ chưa được giải quyết việc đăng ký, đăng kiểm.
Từ chối đăng kiểm, cấp lại đăng ký xe nếu chưa nộp phạt nguội
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã quy định riêng một Điều 43 về trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm, chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Ô tô chưa nộp phạt nguội sẽ bị từ chối cấp đăng ký, đăng kiểm xe theo quy định tại Luật TTATGT đường bộ 2024.
Theo đó, cơ sở đăng kiểm là tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ công thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được tổ chức, hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Cơ sở đăng kiểm chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định ATKT & BVMT xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; từ chối kiểm định phương tiện khi chủ phương tiện chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Mặt khác, Luật này cũng quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường bộ thì chưa được giải quyết việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện vi phạm.
Như vậy, nếu ô tô bị phạt nguội do vi phạm TTATGT đường bộ mà chưa xử lý nộp phạt không chỉ bị từ chối đăng kiểm như quy định hiện hành tại Nghị định 30/2023/TT-CP mà còn bị từ chối việc cấp, cấp lại đăng ký xe.
Siết trách nhiệm chủ xe cần đi kèm chế tài xử phạt
Cũng tại Điều 43 Luật TTATGT đường bộ, đã bổ sung thêm quy định trách nhiệm của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng.
Theo đó phải chấp hành các quy định về cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; chấp hành quy định khác của pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ.
Luật TTATGT đường bộ 2024 cũng quy định chủ xe ô tô phải bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện trong quá trình sử dụng (ảnh minh hoạ).
Phải bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đưa phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.
Tổ chức, cá nhân đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe tiếp tục chịu trách nhiệm của chủ xe khi chưa thực hiện thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe đối với trường hợp phải thu hồi.
Các trường hợp thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dung, bao gồm: Chuyển quyền sở hữu xe, trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe gắn với biển số xe trúng đấu giá thì chỉ thu hồi chứng nhận đăng ký xe; Xe nhập khẩu được miễn thuế hoặc xe tạm nhập của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài mà tái xuất, chuyển quyền sở hữu hoặc tiêu hủy; xe hết thời hạn đăng ký tại các khu kinh tế - thương mại đặc biệt, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế; Xe đã đăng ký nhưng phát hiện hồ sơ xe bị làm giả hoặc có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi trái phép số khung, số máy; xe tháo máy để đăng ký sử dụng cho xe khác.
Ngoài ra, xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, hư hỏng không sử dụng được; xe bị thải bỏ, bị mất không tìm được và chủ xe đề nghị thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; việc cấp đăng ký, cấp biển số xe không đúng quy định của pháp luật cũng sẽ bị thu hồi chứng nhận đăng ký, biển số xe.
Nói về việc luật hóa trách nhiệm bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện trong quá trình sử dụng, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, đây là quy định cần thiết bởi việc kiểm định phương tiện tại đơn vị đăng kiểm chỉ kiểm tra tình trạng ATKT & BVMT xe tại thời điểm chủ phương tiện đưa xe đi kiểm định. Khi xe ra khỏi đơn vị đăng kiểm, trung tâm không còn kiểm soát được tình trạng này.
Thực tế, không ít trường hợp tình trạng phanh xe thời điểm kiểm định tại đơn vị đăng kiểm vẫn đạt yêu cầu nhưng khi sử dụng chỉ vài ngày đến 1 tuần sau bị hư hỏng, lúc này, chủ xe cần có trách nhiệm chủ động sửa chữa để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, việc chủ xe duy trì tình trạng ATKT & BVMT phương tiện là cần thiết để đảm bảo an toàn khi sử dụng xe chứ không chỉ để đạt các điều kiện khi kiểm định.
Do đó, cần tuân thủ quy trình bảo hành, bảo dưỡng phương tiện trong quá trình sử dụng xe, chủ động đọc hướng dẫn cũng như trao đổi thông tin với các xưởng dịch vụ để được nhắc nhở, khuyến cáo bảo dưỡng phương tiện ở những thời điểm, giai đoạn sử dụng cho phù hợp.
Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết, thực tế, trách nhiệm của chủ xe trong bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông đã được quy định tại các văn bản dưới Luật.
Song việc Luật hoá quy định này sẽ là cơ sở pháp lý để xây dựng các văn bản dưới luật và có chế tài để xử lý nếu tổ chức, cá nhân không đáp ứng được quy định. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng phương tiện trong quá trình lưu hành, đảm bảo an toàn giao thông.
>>>> Xem thêm: