Vì một nhiệm kỳ mới, chức vụ mới đã hứa, chỉ tiêu giảm ùn tắc, giảm tai nạn 10% hay bao nhiêu đấy đã đặt ra, không đạt được là "ghế ơi ở lại, anh về nhé". Độc giả Nguyễn Phúc Tâm dự đoán các lý do hạn chế xe cá nhân.
> Kiến nghị tăng phí lưu hành xe cá nhân 5% mỗi năm
Ôtô cá nhân, ta quen gọi là xe hơi vì nhả ra khói hơi, là phương tiện giao thông hữu hiệu, văn minh, an toàn hơn so với xe hai bánh. Xe hơi là một trong nhiều tiêu chí đánh giá sự phát triển đi lên của xã hội, của đất nước... Vậy tại sao Việt Nam ta lại hạn chế nó ! Lý do thì có nhiều, nhưng đơn giản và dễ hiểu thì có mấy cái gạch đầu dòng:
- Tư duy và tầm nhìn ấu trĩ, chưa vọt qua luỹ tre làng. chỉ tập trung nguồn lực vào các thành phố lớn dẫn tới quá tải và hỗn độn cả về con người lẫn văn hoá. Qui hoạch không đáp ứng kịp, tư duy "giao thông luôn đi trước một bước" bị phá sản hoàn toàn.
Thêm vào đó tính ăn sổi ở thì, đôi khi vụ lợi của người tham mưu, ra chính sách. Hệ lụy là người đông, phương tiện lắm, đường nhỏ hẹp, ách tắc thường xuyên và tai nạn gây bức xúc cho dân, gây tiếng xấu với quốc tế. Phải hạn chế phương tiện cá nhân.
- Môi trường ô nhiễm bởi khí thải từ phương tiện, tiếng ồn, còi xe...làm giảm chất lượng sống nên phải hạn chế phương tiện, nghe ra cũng hợp.
- Vì khoản thu liên khúc thuế, phí dưới chiêu bài "hạn chế phương tiện" là siêu lợi nhuận. Để một con xe có giá 400 triệu đồng lăn bánh thì người dân Hà Nội cõng đến 120 triệu.
- Muốn Việt Nam lập kỷ lục Guinness trong thuế, phí. Một nước cận nghèo, thu nhập bình quân thấp hơn 50 lần so với Mỹ, mà ôtô đắt hơn từ 2,5 tới hơn 3 lần. Xe ở Mỹ chỉ chịu thuế phí có 150 USD còn chúng ta gấp từ 10 đến 20 lần.
- Dân đi ôtô quá nhiều, chỗ nào tắc đường cũng thấy ôtô dàn ngang hàng 4, hàng 5. Xe "quan" không có chỗ len nên cấm bớt cho thoáng đường. Nước ngoài nhìn đỡ tưởng bở nước ta giàu lắm, không cho vay ưu đãi nữa.
- "Xe điên" ngày một tăng, kèm theo nó là số vụ tai nạn giao thông thành quốc nạn, còn nhiều hơn cả chiến tranh, dịch bệnh. Cấm xe cá nhân là vẹn cả đôi đường.
- Nhiều ôtô nên nhà nước nhập nhiều xăng dầu. Xăng dầu phải thanh toán bằng ngoại tệ. Nhập càng nhiều thì chi nhiều ngoại tệ. Khi có biến động về tỷ giá và/hoặc giá dầu thế giới lên lại mất công bù lỗ, rồi lại giải trình, trong khi giá lúa gạo, nông sản, thuỷ hải sản không bán được vì lo những vụ kiện bán phá giá...Nên tốt nhất ta cấm phương tiện, giảm nhập khẩu xăng để nhà nước khỏi lo thâm hụt dự trữ ngoại hối.
- Khó mà quản được mấy anh giao thông. Đã ra chính sách mỗi anh chỉ mang tối đa 100 ngàn đồng, nếu khám túi, thấy thừa mà anh nào không giải trình được thì cho về quê đuổi gà. Biện pháp mạnh nhưng không thực tế, bởi cảnh sát với nhau, ai nỡ lục túi quần túi áo giữa đường, giữa chợ. Mà kể cả bị khám thì với kiểu buôn siêu lợi nhuận, không bỏ vốn, không cần khổ luyện các anh vẫn kiếm như ca sĩ. Vậy tốt nhất là cấm phương tiện để các anh đỡ "chặt chém", gây tiếng ác, tác động không tốt đến ngành.
- Đại bộ phận dân mình nghèo, thỉnh thoảng lỏi lên mấy anh đại gia, thiếu gia thích thể hiện. Đám cưới cả dàn siêu xe, thuê ca sĩ, MC đình đám. Tổ chức vài buổi biểu dương lực lượng xuyên Việt, xôm tụ tại bãi biển đẹp nhất nhì Việt Nam cho đúng với đẳng cấp thế giới. Thôi thì cấm để dân đen đỡ bức xúc. Ai chịu chơi thì thuế, phí khủng nộp vào đây cho công bằng nhà giàu có trách nhiệm lớn với xã hội.
- Khủng hoảng thế giới kéo dài từ tận 2008. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Bản thân Việt Nam chịu tác động kép của khủng hoảng tức là lạm phát và giảm pháp cùng một thời điểm, các khoản nợ quốc tế rục rịch bị đòi. "Tiên cứu" là tiền của dân vì khó trăm lần dân liệu cũng xong. Cho nên thuế, phí phải "giã" cho thật lực. Tăng thu, tận thu, lạm thu, giảm chi, tích cực phạt... thế nào cũng hợp lòng dân, không bộ phận này thì bộ phận nọ.
- Phí được nộp vào ngân sách 65%, địa phương được giữ lại 35%, nên chẳng địa phương nào thờ ơ với khoản Tiên cứu này. Điển hình là Hà Nội- trái tim của cả nước, cái gì cũng kịch trần để làm gương. Sắp tới, có khi Hà Nội còn được chấp thuận "tháo biển số xe vi phạm giao thông". Chủ xe dễ phải nộp phí công tháo biển, phí lưu giữ biển số và phí hao mòn dụng cụ, giống như phí kéo xe về kho.
- Xe bus chuẩn bị nhập về vài nghìn chiếc mà lo không có người đi bởi bất tiện. Lái xe đã đi ẩu, vô lễ lại còn bắt quì.
- Việc dễ làm nhất của cơ quan quản lý là cấm, là hạn chế. Nếu sai, nếu chưa hợp lý thì sửa. Dân làm "chuột bạch" mãi rồi nên thành quen. Mà không quen cũng không được.
- Vì, cũng tại Dân mình nữa cơ. Cái gì cũng muốn là người sở hữu, nhất là nhà đất và ôtô. Vài bước tới cơ quan cũng ôtô, vài bước đón con cũng ôtô. Gặp ông hàng xóm cũng ôtô. Ăn phở, uống cafe cũng ôtô, mua mớ rau cũng ôtô, có anh mua bìa đậu cũng ôtô. Nên có bị "hạn chế" cũng không hẳn oan hoàn toàn.
Ôi! Cái ôtô kia, ngươi có tội tình chi mà phải hạn chế!
Nguyễn Phúc Tâm
http://vnexpress.net/gl/o...oi-sao-lai-bi-han-che/