Đều có chung mục đích là phục vụ con người nhưng các khái niệm về các dòng xe dễ khiến người mua xe ô tô lần đầu bỡ ngỡ. Hiểu rõ các thuật ngữ như: sedan, hatchback, SUV, CUV, MPV sẽ giúp bác tài dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm một chiếc xe hợp mục đích sử dụng.
1. Hatchback là gì?
Xe ô tô hatchback có thân xe được chia 2 khoang: khoang lái và khoang hành khách (khoang hành lý gộp chung khoang khách). Xe có thể có từ 3-5 cửa, trong đó có 1 cửa mở hất lên để lấy đồ ở khoang hành lý. Gầm xe thấp dưới 200mm.
Hatchback 3 cửa:
Hyundai Veloster, MINI Cooper S 3 cửa,...
Hatchback 5 cửa:
Hyundai Grand i10, Toyota Wigo, VinFast Fadil,...
Hyundai Veloster N
VinFast Fadil
2. Sedan là gì?
Xe ô tô sedan (hay còn gọi là saloon tại Anh) hiểu đơn giản là xe ô tô mui kín. Thân xe chia làm 3 khoang riêng biệt: khoang động cơ phía trước, khoang hành khách và khoang hành lý phía sau. Khoang hành khách bao gồm 2 hàng ghế với 4-5 chỗ ngồi. Xe có 4 cửa chia đều mỗi bên.
Cuối cùng, xe sedan có khoảng sáng gầm xe thấp, không cao hơn 200 mm. Đáp ứng đầy đủ những tiêu chí trên thì đó là một chiếc sedan đích thực.
Toyota Camry
Phân hạng xe sedan tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các mẫu xe sedan được chia thành các nhóm từ bình dân đến cao cấp bao gồm:
Sedan hạng B:
Toyota Vios, Honda City, Hyundai Accent, Mazda 2, Kia Soluto, Volkswagen Polo, Mitsubishi Attrage, Suzuki Ciaz,..
Hyundai Accent
Sedan hạng C:
Toyota Corolla Altis, Honda Civic, Hyundai Elantra, Mazda 3, Kia Cerato,...
Kia Cerato (Kia K3)
Sedan hạng D:
Toyota Camry, Honda Accord, VinFast Lux A 2.0, Mazda 6, Kia Optima,...
VinFast Lux A 2.0
3. SUV là gì?
SUV (Sport Utility Vehicle) là dòng xe thể thao đa dụng với thiết kế cơ bắp, mạnh mẽ. SUV sử dụng khung gầm rời body-on-frame như xe tải. Khoảng sáng gầm xe cao trên 200 mm.
SUV thường trang bị động cơ mạnh mẽ và hệ dẫn động 4 bánh 4WD cho khả năng vượt nhiều địa hình. Nội thất rộng rãi cho 5-7 người bao gồm cả hành lý.
Một số xe SUV bán chạy tại Việt Nam gồm có:
Toyota Fortuner, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport. Ngoài ra có thể kể thêm Jeep Wrangler, Land Rover Defender,..
Mitsubishi Pajero Sport
Jeep Wrangler Rubicon
4. CUV là gì?
Crossover có cấu tạo phần thân vỏ xe liền với phần khung gầm (unibody) tương tự sedan nên đây có thể coi là "con lai" của SUV và sedan. Đây là điểm khác biệt chính giúp phân biệt SUV và CUV.
Với cấu trúc khung liền, trọng lượng của xe CUV nhẹ hơn nhưng khả năng chịu tải không cao và vận hành địa hình khắc nghiệt khó đạt được như SUV.
Một số xe CUV bán chạy tại Việt Nam gồm có:
Honda CR-V, Hyundai Santa Fe, Mazda CX-5, Toyota Corolla Cross, Kia Seltos, Kia Sorento,...
Toyota Corolla Cross
Kia Sorento
SUV khác gì với CUV?
Các bác có thể tham khảo thêm cách phân biệt SUV và CUV ở bài viết dưới đây:
Phân biệt SUV và Crossover ?
Phân hạng xe A, B, C, D, E cho SUV/CUV?
Tương tự sedan, SUV hay CUV cũng được phân hạng dựa trên kích thước. Ở Châu Âu, SUV/CUV được phân hạng theo chữ cái A, B, C, D, E.
Trong khi ở Mỹ, SUV/CUV được phân hạng từ Mini -> subcompact (cận nhỏ) -> nhỏ (compact) -> cỡ trung (mid size ) -> cỡ lớn (large) và thậm chí ngoại hạng như Cadillac Escalade có thêm bản ESV (trục cơ sở kéo dài) lên đến 5.766 m.
Do xe CUV/SUV ngày nay có thiết kế ngày càng to lớn hơn nên việc phân theo chuẩn Châu Âu không được sử dụng phổ biến nữa.
Cadillac Escalade ESV 2021 đầu tiên về Việt Nam
5. MPV là gì?
MPV là tên viết tắt của cụm từ - Multi Purpose Vehicle, được hiểu là dòng ô tô đa dụng. Xe thường có từ 7-9 chỗ. Ưu điểm của xe MPV là có thể tùy biến giữa việc chở người và chở hàng hóa thông qua việc sắp xếp các hàng ghế hành khách phía sau.
Các dòng MPV bình dân thường có thiết kế đơn giản, nội thất ở mức vừa đủ dùng. Tuy nhiên các dòng MPV cao cấp hơn cung cấp những tiện nghi và tính năng như cửa trượt điện, cửa sổ trời,.. với giá bán lên đến 1 tỷ đồng.
Một số dòng MPV bán chạy tại Việt Nam có thể kể đến như:
Toyota Innova, Kia Grand Carnival (Sedona), Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga, Mitsubishi Grandis, Ford Tourneo, Mercedes-Benz V-Class, Peugeot Traveller,...
Mitsubishi Xpander Cross
Kia Carnival (Kia Sedona)
6. Xe bán tải là gì?
Xe bán tải (Pickup truck hay Minitruck) là "đứa con lai" giữa SUV và xe tải với một cabin kín chở người (2-6 chỗ) và một thùng hàng phía sau phục vụ chở hàng. Bán tải thường dùng chung khung gầm với SUV. Hệ thống treo sau thường là dạng lá nhíp chịu tải tuy tốt hơn trong việc chở hàng hóa.
Một số mẫu xe bán tải bán chạy tại Việt Nam gồm:
Ford Ranger, Toyota Hilux, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton, Nissan Navara,...
Toyota Hilux
Xe bán tải vốn được dùng để chở hàng là chính nhưng ngày nay xe bán tải đã được dùng để chở khách nhiều hơn. Đó là lý do mà các hãng xe bắt đầu mang những tính năng và công nghệ tiện nghi, an toàn hơn lên xe như Ram 1500, Ford F-150 và Toyota Tundra.
Nội thất Ram 1500
Thậm chí một số dòng xe bán tải ra đời gần đây có thiết kế trể trung phù hợp để dùng đi phố như Hyundai Santa Cruz hay Ford Maverick.
Hyundai Santa Cruz
Xe bán tải có phải xe tải không?
Từ ngày 1/7/2020, quy chuẩn 41/2019 về báo hiệu đường bộ đã được bộ GTVT sửa đổi quy định về cách định nghĩa xe con và xe tải so với quy chuẩn đang áp dụng là 41/2016.
Theo đó, xe bán tải (xe pickup), xe tải van có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg. Cũng những mẫu xe này nhưng nếu khối lượng chuyên chở từ 950 kg trở lên được gọi là xe tải.
Tuy vậy, định nghĩa này không làm khó xe bán tải phổ thông. Bởi lẽ, hiện nay hầu hết các mẫu xe như Ranger, BT-50, Hilux, Triton... đều có khối lượng chuyên chở dưới 950kg, thậm chí chỉ khoảng 600-800 kg.
*Trên đây chỉ là các kiểu dáng/ phân hạng xe tại thị trường Việt Nam. Em sẽ cập nhật tiếp các kiểu xe khác trên thế giới như Wagon, xe cơ bắp, hypercar ở các bài viết sau!
(to be continued...)
Các bác đang sử dụng kiểu xe nào? Vì sao các bác lại chọn dòng xe đó?