Áp lực từ khoản nợ trái phiếu gần 3.000 tỷ đồng của BĐS Phát Đạt
BĐS Phát Đạt đã sử dụng hơn 126 triệu cổ phiếu PDR được sở hữu bởi các cổ đông làm tài sản đảm bảo cho 10 đợt phát hành trái phiếu kể từ năm 2021 đến nay.
BĐS Phát Đạt đã sử dụng hơn 126 triệu cổ phiếu PDR được sở hữu bởi các cổ đông làm tài sản đảm bảo cho 10 đợt phát hành trái phiếu kể từ năm 2021 đến nay.
vietnamindex.vn
Tính đến hết phiên ngày 9/11, cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã giảm 16 phiên liên tiếp, trong đó 4 phiên gần nhất đều “chà sàn” trong tình trạng dư bán hàng chục triệu đơn vị.
Trong phiên sáng ngày 10/11, mã này tiếp tục nằm sàn tại vùng giá 28.150 đồng/cổ phiếu, giảm 60% thị giá trong vòng một năm trở lại đây và giảm sâu 72% so với mức đỉnh 99.000 đồng/cổ phiếu thiết lập hồi tháng 10/2021.
Khi cổ phiếu liên tục sụt giảm, lãnh đạo của Phát Đạt cũng đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) vừa thông báo sẽ bán giải chấp hơn 1,041 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đạt. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 10/11 đến khi đảm bảo tỉ lệ ký quỹ theo quy định của YSVN.
ùng ngày, TVSI cũng call margin 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings. Tổ chức này hiện đang là cổ đông lớn thứ 2 tại PDR với lượng sở hữu 73,6 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 10,96%), chỉ xếp sau ông Nguyễn Văn Đạt với khối lượng nắm giữ lên đến hơn 332 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 49,45%).
CTCK Mirae Asset (MAS) mới đây cũng đã giảm tỉ lệ cho vay margin đối với cổ phiếu PDR từ mức 40% xuống 35%. Đồng thời, MAS cũng thay đổi giá chặn của PDR trong danh mục chứng khoán giao dịch ký quỹ thành 48.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian áp dụng từ ngày 9/11/2022.
Dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho 2.846 tỷ đồng trái phiếu
Ở thời điểm hiện tại, Phát Đạt đang cầm cố hàng trăm triệu cổ phiếu cho các khoản vay và trái phiếu. Nếu cổ phiếu tiếp tục đà giảm sâu, Phát Đạt phải bổ sung tài sản đảm bảo hoặc chấp nhận bị bán giải chấp theo quy định.
Trước đó vào hồi giữa tháng 5 năm nay, khi PDR giảm mạnh từ đỉnh, Phát Đạt đã từng phải bổ sung thêm 1,7 triệu cổ phiếu PDR làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng phát hành vào cuối tháng 12/2021.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, tính đến ngày 30/9, Phát Đạt đang có khoản vay 257,8 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietinbank với tài sản đảm bảo là 11,585 triệu cổ phiếu PDR cùng một số bất động sản của doanh nghiệp; khoản vay gàn 90 tỷ đồng tại Vietcombank được đảm bảo bằng 4,5 triệu cổ phiếu PDR; khoản vay 150 tỷ đồng tại MBBank với tài sản đảm bảo là 15,4 triệu cổ phiếu PDR cùng quyền sử dụng đất tại tỉnh Bình Dương thuộc sở hữu của công ty.
Bên cạnh đó, Phát Đạt còn có 9 lần phát hành trái phiếu để huy động vốn trong năm 2021 và 1 lần phát hành trái phiếu trong năm 2022 đều được đảm bảo bằng tổng cộng 126,129 triệu cổ phiếu PDR, dư nợ trái phiếu tính đến cuối quý III/2022 ghi nhận đạt hơn 2.846 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu này có kỳ hạn trả gốc từ ngày 2/2/2023 đến 25/3/2024. Lãi suất từ 11,2% tới 13%/năm, đa số là 13%/năm.
Hiện tại, một số lô trái phiếu ghi nhận giá trị tài sản đảm bảo (bằng cổ phiếu PDR) sắp xuống bằng giá trị trái phiếu. Đó là lô trái phiếu phát hành lần 9 năm 2021 trị giá gần 149 tỷ đồng, đáo hạn ngày 16/12/2023.
Đồng thời, doanh nghiệp còn dùng 12,166 triệu cổ phiếu PDR để đảm bảo cho 3 khoản vay trị giá 270 tỷ đồng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam.
Ngoài ra, Phát Đạt còn vay của các cá nhân tại Công ty TNHH Dịch vụ Giải pháp Công nghệ Hoàng Anh 280 tỷ đồng với tài sản đảm bảo 100% là cổ phiếu của công ty.
Như vậy, tại ngày 30/9/2022, có tới 183,1 triệu cổ phiếu PDR đang được sử dụng làm tài sản đảm cho cho các khoản vay của PDR. Số cổ phiếu này tương đương với 27,2% vốn điều lệ của PDR.
Báo lãi nhờ thanh lý công ty con
Tình hình tài chính kém sáng, kết quả kinh doanh của Phát Đạt cũng là một điểm cần lưu ý khi trong quý III/2022, doanh nghiệp ghi nhận hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm sâu nhưng vẫn báo lãi hàng trăm tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính đột biến.
Theo BCTC quý III/2022, doanh thu của Phát Đạt sụt giảm tới 99%, chỉ còn 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ tiêu này lên tới hơn 1.266 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động tài chính lại là điểm sáng của Phát Đạt khi ghi nhận có khoản doanh thu tài chính 1.249 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng khoản đầu tư trong Sài Gòn KL, công ty trình bày khoản lãi này trong BCTC như là hoạt động thanh lý khoản đầu tư vào công ty con.
Kết quả, dù doanh thu thuần giảm sâu thì lợi nhuận sau thuế của Phát Đạt trong quý III/2022 đạt 711,2 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh.