Chuyên
16/6/22
630
538
93
Để đạt mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, không thể bỏ qua quyền lợi của người dân đang sinh sống tại khu vực này...
Phát triển đô thị sân bay Tân Sơn Nhất không thể bỏ qua quyền lợi của người dân
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM vừa có báo cáo trình Uỷ ban nhân dân TP.HCM về tổng kết “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế, áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tại địa bàn quận Tân Bình”.

Trong báo cáo của mình, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã nêu lên ba giải pháp để phát triển đô thị quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, địa bàn quận Tân Bình.

Giải pháp thứ nhất về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển không gian đô thị. Cần rà soát quỹ đất có khả năng phát triển dự án, từ đó xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng chuyển đổi chức năng các nhà máy công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm nhằm bổ sung chức năng thương mại, dịch vụ, dịch vụ logistics,...

Ở điểm này, Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh sân bay, không thể bỏ qua quyền lợi của người dân đang sinh sống tại khu vực.

Về kết nối hạ tầng, tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu vực xung quanh nhà ga metro số 2, ga metro số 5 nhằm ưu tiên bổ sung các chức năng dịch vụ thương mại, công cộng, logistics. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cụm dân cư hai bên tuyến đường Trường Sơn và khu vực dọc tuyến Cộng Hòa - Trường Chinh theo hướng chuyển đổi, bổ sung chức năng thành các cụm thương mại, dịch vụ và dân cư với đầy đủ hạ tầng xã hội.

Giải pháp thứ hai về quy hoạch giao thông đô thị: Tổ chức các loại hình giao thông công cộng chuyên biệt gồm xe điện, taxi, các tuyến buýt nhanh... kết nối từ các hướng đến sân bay. Song song, xây dựng thêm các cầu vượt để giảm ùn tắc giao thông tại các giao lộ quanh khu vực.

Giải pháp thứ ba, tổ chức các sản phẩm dịch vụ, thương mại chất lượng cao, các hoạt động dịch vụ phát triển kinh tế về đêm kết hợp dịch vụ giải trí, ẩm thực, văn hóa... tại các công viên Hoàng Văn thụ, Gia Định hoặc các khu vực đô thị xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.


Theo một số chuyên gia, việc sân bay Tân Sơn Nhất có kế hoạch mở rộng và TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, được xem là cơ hội để chỉnh trang, hoàn thiện đô thị quanh khu vực này.

Trước đó, ngày 24/5/2022, Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi về định hướng quy hoạch phát triển đô thị khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với ủy ban nhân dân các quận và sở, ban ngành, nghiên cứu kết quả của hội thảo liên quan đến vấn đề này vào cuối năm 2021. Từ đó, xem xét các định hướng phát triển dài hạn đối với khu vực quanh sân bay trong quá trình tổ chức lập và thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Cũng trong công văn này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi giao Uỷ ban nhân dân các quận Tân Bình, Gò Vấp và Tân Phú xem xét giải pháp phát triển đô thị xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất để nghiên cứu trong quá trình lập điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn quận. Các quận cũng được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất mô hình phát triển thương mại dịch vụ phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế trên địa bàn, nhằm khôi phục phát triển kinh tế địa phương hậu Covid-19.

Cuối vào cuối tháng 12/2021, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế - Áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tại địa bàn quận Tân Bình”. Các chuyên gia đã phân tích thực trạng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và khuyến cáo, cần phải đưa đô thị sân bay vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Theo: VnEconomy