Phục chế 'gái quê' Volkswagen Mini Bus Với bác Lâm Bảo Ngọc, một người mê xe tại TP Hồ Chí Minh, VW mini bus có vẻ đẹp của những cô thôn nữ chân chất, bình dị. Sống ở nước ngoài hơn 20 năm, hầu như chỉ sử dụng xe đời mới, và thích độ âm thanh, bác Ngọc ít quan tâm tới xe cổ. Khi về Việt Nam, bác thường xuyên theo dõi các trang báo điện tử, và tạp chí xe độ nước ngoài. Một lần tình cờ thấy chiếc VW Bus T1 (đời đầu tiên của VW Bus) đạt giải nhì cuộc thi độ, bác Ngọc nảy ra ý định làm một chiếc xe tương tự.
Miệt mài tìm kiếm tại Việt Nam, bác nhận thấy Bus T1 rất hiếm và đắt nên chuyển sang Bus T2. Bus T2b vốn là chiếc xe quen thuộc của người Sài Gòn trong những năm 80 - 90, thường dùng làm xe cứu thương, sau này để chở học sinh. Chiếc T2 thuộc đời cuối của dòng VW bus mang hình dáng cổ được bác Ngọc mua về cách đây 3 năm. Xe còn khá tốt.
Chiếc VW mini bus T2b được một người chơi xe cổ ở Hà Nội mua lại. Ảnh Thế Hoàng
Nhờ nghề kinh doanh nhà hàng, khách sạn đã dẫn dắt bác đến với dòng mini bus. Bác Ngọc kể : “Tôi thích dòng Mini Bus bởi không gian bên trong rộng, đặc biệt là những chiếc VW mini bus. Nó có thiết kế bình dị, không lẫn giữa đám đông. Vẻ đẹp của nó có thể được ví với những cô gái quê chân chất, nhưng vẫn nhận được ánh mắt ngưỡng mộ khi đứng trong đám đông những cô gái đài các”.
Hai năm sống chung, hiểu rõ tính tình “cô gái quê”, bác Ngọc bắt tay độ lại. “Tôi cố gắng giữ nguyên bản hình dáng bên ngoài. Thay đổi chủ yếu là nội thất và một số chi tiết bên trong động cơ”, bác Ngọc cho biết.
Với tiêu chí tiện nghi nên đầu tiên bác muốn là lắp thêm điều hòa để phù hợp với khí hậu nóng ở Sài Gòn. Công việc không hề đơn giản với chiếc bus đã 50 tuổi. Đó cũng là kỷ niệm khó quên với bác Ngọc.
Hình thức bên ngoài của chiếc xe tương đối ổn, nhưng không có máy lạnh. "Tôi hỏi anh thợ đưa đi coi xe, chiếc xe kiểu này đã ai gắn máy lạnh chưa. Anh ta nói yên tâm, “con bọ” máy 1.100 phân khối còn gắn được máy lạnh thì xe này 1.700 phân khối cứ vô tư", bác Ngọc kể.
Đến khi mua xong xuôi, chính anh này thừa nhận chưa từng thấy ai gắn máy lạnh trên xe kiểu này. Đâm lao đành theo lao. Thật may mắn! Anh thợ đã tính toán và làm được hệ thống máy lạnh không những đáp ứng yêu cầu khó khăn mà còn trên cả tuyệt vời.
Theo bác, khó khăn khi gắn máy lạnh là không gian cabin rộng, cần tới 2 dàn lạnh mới đủ mát. Có nghĩa rằng lốc lạnh phải to, tải nặng sẽ ghì máy. Hai dàn lạnh cần 2 quạt, vì thế máy phát cũng phải lớn. Công suất máy nguyên bản 1.700 phân khối vòng tua thấp phải kéo 2 thứ trên là quá sức, thêm 6 người và một đống đồ điện tử thì xe không thể chạy.
Phụ tải lớn đặt ra yêu cầu tăng sức mạnh động cơ. Bình xăng con 2 họng được sử dụng để tăng công suất. Bộ đánh lửa giữ nguyên nhưng cấy IC để lửa khỏe tăng hiệu suất.
Nội thất xe thay đổi hoàn toàn. Để phù hợp với vẻ ngoài cổ kính, bác chọn nội thất gỗ loại nhẹ vân đẹp và giá không quá cao. Nội thất sắp đặt với tiêu chí tận dụng tối đa không gian. Bàn, tủ, khoang hành lý đủ cho cả gia đình trong những chuyến đi xa. Bộ ghế có thể chuyển linh hoạt thành chiếc giường rộng.
Quá trình độ kéo dài gần 1 năm, tổng chi phí khoảng 180 triệu đồng. Nhưng với bác Ngọc, giá trị của chiếc xe không chỉ nằm ở đó, mà còn là tâm huyết, và ý tưởng tái sinh. Cuộc sống bộn bề lo toan, không phải mọi thứ ta yêu quý luôn ở bên mỗi người. Đó cũng là nỗi niềm của bác Ngọc lúc này, khi mà chiếc xe theo người chủ mới ra Bắc.
"Với nhiều lý do, tôi đành bán nó cho một người bạn ngoài Hà Nội. Nhưng hy vọng có ngày sẽ được đón em nó về. Trong điều kiện cho phép tôi vẫn chơi dòng VW mini bus".
Ảnh chi tiết VW Mini Bus cổ độ nội thất
(Theo VNExpress)