- Thiếu “chủ lực” trong danh mục có khả năng đi ngược thị trường đã khiến PYN Elite Fund lỗ 5 tháng liên tiếp cùng hiệu suất âm hơn 21% từ đầu năm 2022.
- Những khoản đầu tư lớn nhất của quỹ thời điểm này lần lượt là VHM, CTG, VRE, VEA, TPB, ACV, MBB và HDB.
Nhắc đến các quỹ ngoại lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư hẳn không còn xa lạ với cái tên PYN Elite Fund đến từ Phần Lan với "khẩu vị" tương đối khác biệt. Sau gần 10 năm đầu tư vào Việt Nam, quỹ ngoại này đã để lại nhiều dấu ấn trong đó ngoạn mục nhất phải kể đến cổ phiếu CEO của C.E.O Group (HNX:CEO).
PYN Elite Fund đầu tư vào Tập đoàn CEO và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp bất động sản này từ cuối năm 2015. Quỹ ngoại này sau đó tiếp tục thực hiện nhiều giao dịch mua qua sàn và mua ưu đãi trong các đợt chào bán. Có thời điểm PYN Elite nắm giữ đến gần 40 triệu cổ phiếu CEO với số tiền đổ vào ước tính gần 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản đầu tư vào Tập đoàn CEO của quỹ ngoại này lại thường xuyên trong trạng thái lỗ, thậm chí có thời điểm đến hơn trăm tỷ đồng. Cục diện thay đổi chóng mặt khi con sóng thần bắt đầu từ tháng 11/2021 với nòng cốt là các nhà đầu tư cá nhân đã đẩy thị giá CEO tăng gấp hơn 7 gần chỉ sau hai tháng. Lãi từ khoản đầu tư này cũng lớn "nhanh như thổi" giúp hiệu suất của PYN Elite Fund đạt mức tốt nhất từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 2013.
Tranh thủ giai đoạn cổ phiếu tăng nóng, quỹ ngoại này đã chốt lời toàn bộ số cổ phiếu CEO đang nắm giữ trong tháng 12/2021. Dù không thể "ra hàng" tại đỉnh nhưng số tiền PYN Elite thu về từ các đợt thoái vốn ước tính có thể lên đến hơn 2.100 tỷ đồng. Cộng thêm hàng trăm tỷ đồng từ cổ tức được chia, không quá khi cho rằng đây là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của quỹ ngoại đến từ Phần Lan.
Không được may mắn như với CEO, khoản đầu tư vào Tasco (HNX:HUT) lại khiến PYN Elite Fund phải ngậm ngùi cắt lỗ hàng trăm tỷ đồng. Từ khi trở thành cổ đông lớn năm 2015, quỹ ngoại này sau đó đã liên tục mua vào qua sàn và các đợt phát hành riêng lẻ. Cao điểm có lúc PYN Elite đã cầm hơn 30 triệu cổ phiếu HUT và là một trong những cổ đông lớn của doanh nghiệp này.
Đặt nhiều niềm tin vào HUT nhưng kết quả kinh doanh của "ông trùm" BOT lại khiến quỹ ngoại đến từ Phần Lan thất vọng khi liên tục đi xuống. Khác với CEO, PYN Elite Fund không đủ kiên nhẫn với cổ phiếu này và bán ra phần lớn vào tháng 3/2020, thời điểm HUT đang lao dốc xuống vùng đáy lịch sử. Quỹ ngoại này sau đó tiếp tục cắt lỗ nốt số cổ phiếu còn lại trong năm 2020 với mức giá ước tính thấp hơn nhiều so với giá vốn.
Sau sự rời đi của PYN Elite, HUT đã lầm lũi đi lên từ cuối năm ngoái và bất ngờ tăng tốc vào đầu năm nay. Cổ phiếu này tăng gấp 5 lần sau 5 tháng qua đó leo lên đạt đỉnh trước khi quay đầu lao dốc mạnh. Hiện thị giá HUT đã giảm gần một nửa so với thời điểm cách đây 3 tháng nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với giá mà PYN Elite Fund đã cắt lỗ.
Bù lại khoản lỗ từ khoản đầu tư vào HUT, trong năm 2020, PYN Elite Fund đã "chia tay" với Thế giới Di động (HoSE:MWG) cùng khoản lãi "kếch xù". Thực tế, trong suốt giai đoạn cuối 2019 và 2020, quỹ ngoại này đã miệt mài thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp bán lẻ từng là khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục với tỷ trọng 18%.
PYN Elite sau đó đã tiết lộ rằng, nhu cầu sở hữu MWG cao đến mức các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn 40 - 50% thị giá trên sàn chứng khoán. Đây là yếu tố giúp quỹ lãi lớn khi bán MWG nhờ có khoản thặng dư vượt trội. Chốt lại khoản đầu tư 6 năm vào MWG, PYN Elite đã có được khoản lợi nhuận lên tới hơn 500%.
PYN Elite Fund cho biết việc thoái vốn MWG không phải do thay đổi quan điểm của quỹ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp mà đến từ dự báo Việt Nam có thể thay đổi các quy định liên quan đến giới hạn sở hữu nước ngoài nhằm đáp ứng các điều kiện nâng hạng thị trường mới nổi. Quỹ ngoại này còn để ngỏ ý định sẽ mua lại MWG nếu vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài được giải quyết giúp việc giao dịch cổ phiếu có thể trở nên bình thường.
Lượng lớn cổ phiếu MWG do PYN Elite Fund bán ra thời điểm đó được chuyển nhượng cho quỹ đầu tư tỷ USD chuyên về bán lẻ tiêu dùng Arisaig Asia Consumer. Cổ phiếu này sau đó đã đi lên mạnh mẽ cùng sự hồi phục của ngành bán lẻ hậu Covid và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử.
Trong khi đó, PYN Elite đã dùng phần lớn số tiền thu được từ chốt lời MWG để giải ngân mạnh vào chứng chỉ quỹ Diamond ETF (FUEVFVND). Khoản đầu tư này có thời điểm lên đến 1.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong danh mục và đóng góp lớn vào hiệu suất tích cực của quỹ trong giai đoạn quý II/2021.
PYN Elite Fund sau đó cũng đã bán ra lượng lớn FUEVFVND và hiện chứng chỉ quỹ này chỉ còn xếp thứ 9 trong danh mục của quỹ với tỷ trọng 3,3%. Những khoản đầu tư lớn nhất của quỹ thời điểm này lần lượt là VHM, CTG, VRE, VEA, TPB, ACV, MBB và HDB. Việc thiếu "chủ lực" có khả năng đi ngược thị trường đã khiến PYN Elite lỗ 5 tháng liên tiếp cùng hiệu suất âm hơn 21% từ đầu năm 2022.
Theo:
NDH
Xem thêm: