(PLO)- Nạn phá xe, rải đinh nhắm vào người đi đường để thu lợi bất chính trên các quốc lộ, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ, đã tồn tại nhiều năm qua. Người đi đường rất bức xúc trước hành vi của những kẻ vô đạo đức này.
Nam miền Nam Với nạn rải đinh, nhiều nơi hình thành nên các đội xung kích đi hút đinh vì những kẻ rải đinh hoạt động rất tinh vi, không dễ gì bắt quả tang, xử lý được.
Còn với nạn phá xe, “vẽ bệnh” mà Pháp Luật TP.HCM đang đăng tải liên tục trên các số báo gần đây, cơ quan chức năng các địa phương cũng đã vào cuộc tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu các tiệm sửa xe dọc các quốc lộ cam kết không làm ăn bất chính nhưng nó vẫn cứ tồn tại. Bởi các hành vi phá xe, rải đinh của những kẻ làm ăn bất lương lén lút, xảy ra nhanh chóng rất khó phát hiện, nạn nhân không biết hoặc có nghi ngờ cũng không dám kêu ai.
Nạn nhân có khi bức xúc nhưng rồi cũng tặc lưỡi cho qua, không muốn trình báo cơ quan chức năng vì họ cho rằng thiệt hại nhỏ. Chưa kể là muốn tố cáo ai còn phải có chứng cứ nên họ e ngại và âm thầm chịu trận.
Thực tế, ngay khi nhóm PV điều tra, xác định rõ hành vi phá xe, “vẽ bệnh” của nhóm người trên Quốc lộ 51 và cảnh báo với nạn nhân thì nhóm người có họ hàng với gia đình Thước “râu” ở Long Thành liền thách thức “chứng cứ đâu…” cho đến khi Công an huyện Long Thành ập vào bắt quả tang.
Theo BLHS, hành vi của những người phá xe có đủ dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà không cần phải xem xét đến yếu tố định lượng là tài sản hủy hoại có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Bởi Điều 178 BLHS có quy định “phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” thì đã đủ yếu tố cấu thành tội này. Đây là trường hợp thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng gây ra ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Những người thực hiện hành vi phá xe ý thức rất rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật nên họ tìm cách che giấu. Họ cũng biết rất rõ rằng phá xe rồi thay bằng phụ tùng trôi nổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người chạy xe, bị cả xã hội lên án nhưng bất chấp.
Chưa kể là “cụm tiệm phá xe” ở khu vực Long Thành còn có dấu hiệu phân công, chia việc, câu kết khi thực hiện hành vi phá xe của khách, đã đủ dấu hiệu của yếu tố “có tổ chức”.
Rõ ràng hành vi phá xe, thay phụ tùng trôi nổi của các tiệm sửa xe đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội nên cơ quan chức năng hoàn toàn đủ căn cứ để xử lý hình sự những người này. Có như thế mới đủ sức răn đe cho những người đã và có ý định làm ăn kiểu bất chính, bất lương như thế.
Với chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những kẻ phá xe và sự chủ động vào cuộc quyết liệt của Công an TP Thủ Đức, Công an quận 12 (TP.HCM)… cùng các địa phương khác có quốc lộ đi qua, hy vọng rằng vấn nạn rải đinh, phá xe này sẽ chấm dứt.