Gần đây, đề xuất về việc lắp đặt biển báo cấm rẽ phải khi đèn đỏ cho xe máy ở một số giao lộ đang gây nhiều tranh cãi. Tranh luận xoay quanh việc nên sửa đổi luật để mặc định cho phép xe máy rẽ phải, chỉ cấm ở những nơi thực sự nguy hiểm, hay giữ nguyên quy định hiện tại, chỉ cho phép rẽ phải khi có biển báo hoặc đèn tín hiệu hướng dẫn.
Tắc đường và chi phí xã hội
Mỗi ngày, hàng triệu xe máy lưu thông qua các giao lộ trong các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Việc cấm xe máy rẽ phải khi đèn đỏ vô hình trung làm dòng xe bị chặn lại không cần thiết, gây ùn tắc, tăng lượng khí thải và làm lãng phí thời gian của hàng triệu người. Thử tưởng tượng một dòng xe máy dài phải đứng chờ đèn đỏ, trong khi làn đường rẽ phải hoàn toàn trống trải nhưng vẫn bị cấm, rõ ràng đây là một sự lãng phí tài nguyên giao thông nghiêm trọng.
Nếu xét về chi phí xã hội, bao gồm thời gian chờ đợi, nhiên liệu tiêu hao do ùn tắc, và lượng khí thải gia tăng, việc cấm rẽ phải một cách cứng nhắc có thể gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với những lợi ích an toàn mà nó mang lại. Một số nhận định cho rằng, nếu không cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, thời gian chờ đợi trung bình của xe cộ tại giao lộ có thể tăng từ 10% đến 20%, kéo theo sự suy giảm năng suất lao động và lãng phí tài nguyên.
Chi phí lắp đặt biển báo và đèn tín hiệu
Một trong những lý do được đưa ra để duy trì quy định hiện tại là cần có biển báo hoặc đèn tín hiệu để điều tiết rẽ phải khi đèn đỏ cho xe máy. Nhưng thực tế, việc lắp đặt biển báo và đèn tín hiệu trên toàn bộ hệ thống giao thông quốc gia không chỉ tốn kém mà còn khó đồng bộ.
Chi phí cho một biển báo giao thông có thể không lớn, nhưng nếu phải lắp đặt hàng trăm ngàn biển báo tại các giao lộ trên cả nước, con số này sẽ trở thành một gánh nặng ngân sách khổng lồ. Chưa kể đến chi phí bảo trì, thay thế và quản lý, đặc biệt ở các khu vực giao thông phức tạp. Nếu thay vào đó, chỉ cần đặt biển cấm tại những giao lộ thực sự nguy hiểm, ngân sách sẽ được tiết kiệm đáng kể mà vẫn đảm bảo tính an toàn.
Đối với hệ thống đèn tín hiệu hướng dẫn rẽ phải, chi phí càng cao hơn. Đèn tín hiệu không chỉ đòi hỏi chi phí lắp đặt mà còn tốn kém trong vận hành và bảo trì định kỳ. Đó là chưa kể đến khả năng mất điện, hư hỏng, dẫn đến tình trạng hỗn loạn giao thông khi tín hiệu không còn hoạt động.
So sánh về chi phí, phương án mặc định cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ và chỉ đặt biển cấm ở những nơi cần thiết là lựa chọn tiết kiệm hơn nhiều so với việc lắp đặt hàng loạt biển báo hoặc đèn tín hiệu.
Những lo ngại về an toàn khi cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ
Một số ý kiến phản đối cho rằng cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ sẽ làm tăng nguy cơ tai nạn, đặc biệt đối với người đi bộ. Tuy nhiên, cho dù có xe máy rẽ phải hay không thì xe ở chiều lưu thông đang xanh vẫn có thể rẽ trái và cắt ngang vạch của người đi bộ khi họ đang bang qua đường. Vì vậy điều này không có nghĩa là phải cấm hoàn toàn, mà thay vào đó, có thể áp dụng các biện pháp điều tiết hợp lý như đặt biển cấm tại những giao lộ có mật độ người đi bộ cao hoặc có tầm nhìn hạn chế.
Cấm không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất
Trong quản lý giao thông, CẤM không phải lúc nào cũng là cách làm tối ưu. Điều quan trọng là điều tiết hợp lý, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả và không gây ra những hậu quả tiêu cực cho hệ thống giao thông.
Tôi từng đọc ở đâu đó rằng luật pháp của chúng ta không thể chỉ tham khảo hay vay mượn từ các nước phương nước khác cần phải xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế. Việt Nam là một quốc gia mà xe máy chiếm phần lớn phương tiện lưu thông, do đó các chính sách giao thông cũng cần được thiết kế theo đặc thù này. Việc cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn tối ưu hóa hệ thống giao thông theo thực trạng hiện tại của đất nước.