Tiến sĩ Ulrich Hackenberg, thành viên hội đồng quản trị phụ trách phát triển công nghệ của Audi giới thiệu công nghệ turbo điện: “Trước đây 25 năm, Audi giới thiệu xe TDI (xe du lịch máy dầu) đầu tiên ra thị trường, viết nên chương đầu của lịch sử thành công lâu dài. Công nghệ mới nhất của TDI là turbo điện (electric turbocharger), công nghệ này cho phép rút ngắn thời gian tăng tốc, tăng thêm sức mạnh và tiết kiệm nhiên liệu. Turbo điện đòi hỏi vận hành bởi dòng điện 48 volt hiện thời chúng tôi đang sử dụng trong các sản phẩm mới.”
[pagebreak][/pagebreak]
Ở công nghệ turbo tăng áp thông thường (turbocharger), turbo hoạt động nhờ vào dòng khí xả làm quay turbin, điều này gây ra sự chậm trễ trong việc cung cấp khí nén cho động cơ. Khắc phục nhược điểm này, công nghệ siêu tăng áp (supercharger) ra đời. Turbo của supercharger hoạt động đồng bộ với trục khuỷu thông qua hệ thống puli và dây curoa, khí nén được cung cấp nhanh hơn nhưng chưa hoàn toàn đồng bộ với bướm ga.
Ở công nghệ turbo tăng áp điện, turbo được vận hành bởi động cơ điện nên có thể đồng bộ hóa tức thời với bướm ga ngay cả khi tua máy thấp lẫn khi tốc độ cao.
Các nhà cung cấp gọi turbo tăng áp điện là “electric supercharger” để phân biệt với turbo ban đầu chạy bằng khí xả nhưng Audi quen gọi là “electric turbocharger”.
Kể từ khi turbo điện được áp dụng cho chiếc những chiếc R18 e-tron quattro, vừa mới đoạt giải nhất ở cuộc đua Le Mans Prototype 1, và hiện nay trang bị cho RS 5 TDI concept, đã cho thấy turbo điện là một ứng dụng thân thiện môi trường.
Chiếc RS 5 TDI concept đã thay động cơ 4.2 lít V8 bằng động cơ 3.0 lít V6 của RS 5 Coupe TDI biturbo. Việc thay thế turbo chạy bằng khí xả truyền thống bằng turbo điện có khả năng đạt 70.000 vòng/phút trong vài phần trăm giây cho phép loại bỏ hoàn toàn thời gian trễ trong việc cung cấp khí nén cho động cơ, giúp động cơ mạnh mẽ ngay từ khi khởi động.
Trong cuộc hội nghị giới thiệu công nghệ turbo điện vào năm 2012, Audi đã giải thích: “Tất cả turbochager có nhược điểm chung là được vận hành bởi khí xả. Điều này có nghĩa là trong thời gian khởi động, tua máy thấp tốc độ khí xả thấp turbo quay chậm, áp lực cũng thấp. Do đó mô men xoắn chỉ tăng lên khi động năng khí xả tăng lên. Với sự phát triển của electric biturbo, turbo hoạt động độc lập với động năng của khí xả, áp lực khí nén được tạo ra nhanh chóng và động cơ đạt được mô men xoắn cao ngay cả khi tua máy thấp.”
RS 5 TDI Concept được trang bị hệ thống điện 48 volt chuyên dụng cung cấp điện năng đủ mạnh để chạy turbo điện. Hệ thống năng lượng này được cung cấp điện bởi hệ thống phanh tái tạo lưu trữ trong pin lithium-ion.
RS5 TDI concept có công suất cực đại 385 mã lực và mô men xoắn tối đa 750 Nm, tăng tốc từ 0-100 km/h trong vòng 4 giây và 200 km/h trong vòng 16 giây. Tốc tối đa giới hạn điện tử là 280 km/h. Trong khi đó xe chỉ tiêu thụ 5,3 lít/100 km, một cải thiện đáng kể so với người anh ruột không được trang bị turbo điện, có mức tiêu thụ bình quân 13 lít/100 km.
Audi chưa hé lộ bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chiếc RS 5 TDI được đưa vào sản xuất nhưng e-turbo có vẻ như đang tìm đường để đi đến các đại lý. Một báo cáo trong tuần cho biết chiếc Q7 SUV sẽ là kiểu mẫu xe thương mại đầu tiên của Audi được trang bị e-turbo và sẽ ra mắt đầu tiên ở Triển lãm ô tô Paris năm nay.
(theo Audi)