Tôi vốn “sát cánh” với thời trang Việt Nam từ lúc mấy chữ “đồ thiết kế” còn lạ lẫm lắm với phần đông phụ nữ, từ mười năm trước. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi ngày ấy, kể cả bây giờ, nếu có xem báo thấy những mẫu thiết kế “không bình thường” kia cũng chỉ lướt cho vui, mặc định chúng dành cho ai ấy, còn tôi thấy nó gần với mình.
Có lẽ vì chúng có duyên. Như một người phụ nữ có duyên ngầm hơn một người đẹp chuẩn mực. Tôi hay ghé Thaca của anh người Nhật Takayuki hồi ấy nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đồ của anh có những chi tiết nhỏ nhưng rất “đắt”, như áo đầm thun dài không kiểu cọ cách điệu vẽ một con công không tô màu trải gần hết chiều dài thân trước, một chiếc quần jean thêu hai bên ống của anh từng làm tôi tiếc rấm rứt không cách nào mua được vì người thiếu chiều dài. Tôi thích đến cửa hàng NTU rộng thênh thang của Ngô Thái Uyên trên đường Trương Định để được lạc giữa những móc quần áo lụa rực rỡ màu mà hài hòa đến lạ. Một món quà chia tay cô đồng nghiệp gốc Việt tôi được tin tưởng giao nhiệm vụ chọn mua, một chiếc túi xách tay Thaca, đã khiến cô gái trẻ gần như muốn ôm chầm lấy tôi vì nó quá đặc biệt. Cô nhắc đi nhắc lại trong suốt bữa tiệc chia tay là cô thích nó lắm và sẽ mang nó thật thường xuyên. Đấy, bạn thấy không? Ai bảo phụ nữ không nổi tiếng như chúng ta không thể dùng đồ thiết kế?
Trước và sau những đợt diễn Fashion Week tôi chỉ mong tờ Mốt ra thật mau để ngắm cho thỏa mắt những bộ sưu tập. Thế nào tôi cũng chọn được 1, 2 mẫu thời trang mà tôi cho là: "Không thể sống thiếu nó". Tôi đến Zen, hoặc sẽ gọi điện cho Mốt hỏi cách liên lạc với nhà thiết kế. Ở tòa soạn có một chị tên gì tôi không còn nhớ nổi, số điện thoại riêng của chị cũng mất theo chiếc điện thoại bị giật, giọng chị rất hiền, chị cho tôi số điện thoại của những nhà thiết kế tôi cần để hỏi trực tiếp. Mọi chuyện đơn giản, giản dị như thế...
Xem tiếp tại Thatmah