Nợ công lên tới 86 tỉ USD: Mỗi người dân Việt Nam phải gánh khoản nợ gần 29 triệu đồng
Dư nợ Chính phủ tính đến hết năm 2014 lên đến gần 86 tỉ USD, tương đương 1,8 triệu tỉ đồng. Đây là tổng số tiền mà Chính phủ đi vay cả trong và ngoài nước.
Trên trang web của Bộ Tài chính cách đây ít ngày đã công bố bản tin
nợ công số 4. Theo đó, tổng dư nợ
Chính phủ vay và Chính phủ bảo lãnh năm 2014 đã đạt ngưỡng 106 tỷ USD. Cụ thể, nợ Chính phủ là gần 86 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2010, Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh để vay gần 20 tỷ USD.
Trong một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính trước Quốc hội, mức
nợ công tính tới cuối năm 2015 đang chiếm 61,3 % GDP. Nợ công Việt Nam gia tăng mạnh qua các năm, chủ yếu do nợ trong nước. Hiện mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh khoản nợ khoảng gần 29 triệu đồng. Đại diện ngân hàng thế giới cho rằng đây là mức an toàn và Chính phủ Việt Nam vẫn có khả năng trả 100% các khoản nợ đến hạn.
Tuy nhiên, Ông Vũ Đình Ánh - chuyên gia tài chính cho rằng con số nợ công càng tăng cũng đặt ra những áp lực lớn về trả nợ đối với ngân sách nhà nước. Ông nói: "Khi chi thường xuyên của nước ta vẫn có nhu cầu rất lớn, thêm vào đó hàng năm còn phải bỏ ra một khoản tiền lớn để trả nợ lãi và khoản chi này ngày một tăng lên sẽ gây áp lực lớn cho ngân sách nhà nước".
"Nợ công xuất phát từ việc bội chi ngân sách nhà nước và vay vốn để đầu tư. Chính vì thế, nếu không sử dụng hiệu quả vốn vay trong đầu tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế chung và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ gốc và lãi của Chính phủ" - ông Vũ Đình Ánh nói thêm.
Nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng cho phép nhưng các rủi ro vẫn còn tiềm ẩn. Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình, nguồn vốn vay ưu đãi viện trợ phát triển ODA đang giảm dần, việc đi vay ngày càng khó khăn hơn, lãi suất cao hơn.
Theo kế hoạch, tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tuyên bố chấm dứt ODA với Việt Nam. Sau đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nhà tài trợ song phương cũng chuyển dần hình thức hỗ trợ Việt Nam. Việt Nam sẽ phải tiếp cận nguồn vốn vay thương mại.
Bộ tài chính cho biết thời điểm nợ công phải trả nhiều nhất là giai đoạn năm 2022 - 2025. Như vậy, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, giảm áp lực trả nợ với thế hệ sau là thách thức lớn đặt ra mà chúng ta cần giải quyết.