Sau giai đoạn khó khăn của ngành xây dựng – bất động sản, nhiều ông lớn đã bắt đầu tái cấu trúc để thích nghi với hoàn cảnh mới, trong đó phải nhắc đến những cái tên như Novaland, Hưng Thịnh....
Nhiều nguồn tin cho biết, trong thời gian tới, một loạt dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định… sẽ tái khởi động. Hiện các công trình Vung Tau Pearl (TP.Vũng Tàu), New Galaxy (Dĩ An, Bình Dương)… của doanh nghiệp này cũng được cập nhật tiến độ thường xuyên.
Nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hưng Thịnh, Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng đang quyết liệt tái cơ cấu cùng với chiến lược mới để tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, bên cạnh vai trò tổng thầu xây dựng, đại diện HTN cho biết đang nghiên cứu định hướng mở rộng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.
Hưng Thịnh Incons đã thực hiện nhiều biện pháp tái cấu trúc mô hình hoạt động, siết chặt quản trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cũng như liên tục làm việc với các đối tác nước ngoài như AkzoNobel, KONE… để triển khai các giải pháp thông minh, vật liệu xây dựng mới trong các dự án. Hiện HTN đang triển khai hơn 20 dự án đa dạng loại hình tại nhiều tỉnh thành với giá trị backlog tại thời điểm 31/12/2022 ghi nhận 27.000 tỷ đồng.
Một tập đoàn lớn khác là Novaland, trong những ngày đầu tháng 5 qua, đã ký kết biên bản thỏa thuận với Ngân hàng MBBank và các công ty xây dựng như Hòa Bình, DIC, CC1, Handong, Vân Khánh, Coma9… để hợp tác triển khai lại các dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết. Trước đó, hôm 19/4, Novaland cũng ký kết thỏa thuận cùng TPBank và Ricons để triển khai xây dựng hoàn thiện dự án The Grand Manhattan (Quận 1, TP.HCM).
Theo chiến lược tái cấu trúc toàn diện, Novaland tiếp tục tập trung nguồn lực hoàn thiện các Dự án trọng điểm, bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng, đồng thời cũng linh hoạt điều chỉnh kế hoạch triển khai xây dựng các phân khu dự án cho phù hợp với tình hình hiện tại. Tập đoàn cũng đang thương lượng, đàm phán với các tổ chức tín dụng để thu xếp nguồn vốn, song song đó nỗ lực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương tháo gỡ, hoàn thiện pháp lý các Dự án trong thời gian sớm nhất; nỗ lực đảm bảo hài hòa lợi ích của Khách hàng, Nhà đầu tư và các bên liên quan.
Trước tình hình mới, nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhất là lĩnh vực xây dựng dân dụng đã chủ động điều chỉnh chiến lược để duy trì hoạt động kinh doanh và tính cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, tập trung vào nhiều nhóm giải pháp như tăng cường hợp tác đầu tư, cắt giảm chi phí, tối ưu công tác quản trị - điều hành…
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy những rào cản như Covid-19, siết chặt tín dụng; hay những cú hích như công nghệ sản xuất mới, quá trình số hóa, công nghệ vật liệu mới… đã và đang làm cho toàn ngành xây dựng cũng như từng doanh nghiệp buộc phải thích ứng, “lột xác” và trở nên kiên cường, bền bỉ hơn.
Là ngành thường nằm ở thế bị động do dòng tiền, nguồn hàng, lợi nhuận... phụ thuộc nhiều vào đối tác, nhưng ở giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp ngành xây dựng ngày càng có tính chủ động cao và phát triển bền vững hơn. Mà trong đó, tái cấu trúc đóng một vai trò quyết định để các doanh nghiệp ứng biến linh hoạt với sự biến động của thị trường.
Xem thêm: